Chúng ta

Quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam giảm sở hữu cổ phiếu FPT

Thứ sáu, 11/5/2018 | 11:40 GMT+7

Vietnam Enterprise Investments Limited, thành viên của Dragon Capital vừa bán một lượng cổ phiếu nhà F để cụ thể hóa lợi nhuận khi mã FPT có mức tăng ấn tượng trong thời gian ngắn.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) vừa thông báo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn FPT. 

Theo đó, Vietnam Enterprise Investments Limited thuộc nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán 993.000 cổ phiếu FPT, giảm lượng cổ phiếu nắm giữ từ 8.014.400 cổ phiếu (tương đương 1,502%) xuống 7.021.400 đơn vị, tương đương 1,316%.

chung-khoan-boc-hoi-2-ty-6270-1526009141

Sau giao dịch, nhóm Dragon Capital vẫn là cổ đông lớn FPT. Ảnh: ĐTCK.

Với việc bán ra của Vietnam Enterprise Investments Limited, nhóm cổ đông Dragon Capital (có 10 quỹ liên quan giữ cổ phiếu FPT) hiện còn nắm giữ 31.560.904 (tương đương 5,910%).

Việc bán bớt cổ phiếu FPT của nhóm Dragon Capital diễn ra trong bối cảnh FPT vừa ghi nhận đợt tăng khá. Theo đó, khoảng 2 tháng nay, mã FPT giao dịch ở khoảng giá 54.000 - 65.000 đồng/cổ phiếu. Mã FPT cũng trụ vững ở mức giá cao bất chấp thị trường giảm sâu. Giao dịch thoái một phần nhỏ của nhóm Dragon Capital được cho là cụ thể hóa lợi nhuận.

Thời gian gần đây, các quỹ đầu tư thuộc công ty quản lý Dragon Capital - nhà đầu tư tài chính lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam - đã có hàng loạt giao dịch mua bán cổ phần với giá trị lớn tại nhiều doanh nghiệp khác nhau như Thế giới Di động, Viglacera, PNJ, KBC, FPT, VCSC... Xu hướng gần đây của Dragon Capital là bán đi những khoản đầu tư cũ và mua vào cổ phiếu của những doanh nghiệp mới còn nhiều dư địa tăng trưởng mạnh như FPT Retail.

Công ty quản lý quỹ này hiện quản lý quỹ VEIL - quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam với giá trị tài sản ròng hơn 1,2 tỷ USD cùng quỹ VEUF quy mô hơn 100 triệu USD, quản lý danh mục trị giá khoảng 300 triệu USD của Norges Bank cùng một số quỹ nhỏ khác.

Dragon Capital đầu tư vào FPT từ tháng 6/2009. Đây luôn là khoản đầu tư đứng top 10 về tỷ trọng NAV của VEIL. Tại thời điểm cuối năm 2016, khoản đầu tư vào FPT chiếm 6% NAV. Quỹ ngoại này còn cùng với FPT và Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), vừa đầu tư cho 4 start-up trong khóa đào tạo thứ 2.

HĐQT FPT vừa thông báo 28/5 là ngày chốt danh sách cổ đông nhằm thực hiện chi trả cổ tức 2017 với tỷ lệ 30%. Cụ thể, với cổ tức bằng tiền mặt (tỷ lệ 15%, tương đương 1.500 đồng/cổ phiếu), thời gian thanh toán là ngày 8/6. Với hơn 533 triệu cổ phiếu, FPT sẽ chi khoảng 800 tỷ đồng.

>> SCIC chốt thoái vốn tại FPT trong năm 2018

Nguyên Văn

Ý kiến

()