Chúng ta

PTGĐ FPT Dương Dũng Triều: ‘Hợp lực để Toàn cầu hóa đã khả quan’

Thứ tư, 18/2/2015 | 08:00 GMT+7

Điểm sáng của Toàn cầu hóa trong năm qua không chỉ được thể hiện bằng chỉ số tài chính tăng và thị trường mà còn ở việc bổ sung nhân lực phụ trách cấp tập đoàn. Từ đó, việc hợp lực của FPT ở ngoài lãnh thổ Việt Nam đã trơn tru hơn trước rất nhiều.

PTGĐ FPT phụ trách Toàn cầu hóa Dương Dũng Triều chia sẻ với Chúng ta về kết quả năm 2014 và kế hoạch năm tiếp theo.

- Anh đánh giá ra sao về hoạt động Toàn cầu hóa của FPT trong 2014?

Doanh thu từ thị trường nước ngoài ước đạt 3.684 tỷ đồng, xấp xỉ 174 triệu USD, tăng trưởng 37%. So với năm 2013

Trong đó, FPT Software tăng trưởng doanh thu 36%. Mua lại thành công công ty con của RWE tại Slovakia, tập đoàn năng lượng hàng đầu châu Âu mở ra mô hình kinh doanh mới “bestshore”. Nghĩa là FPT có thể cùng lúc sử dụng cả nguồn lực trong nước (offshore) và tại nước ngoài (nearshore) để cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả nhất cho khách hàng.

FPT IS đã đầu tư mạnh mẽ cho Toàn cầu hóa và đạt thành công nhất định ở Campuchia, Bangladesh, Philippines… làm tiền đề quan trọng cho năm 2015. Cách đây một năm, FPT chưa có tên tuổi tại Bangladesh và Philippines thì nay, một số đối tác Bangladesh chủ động xin gặp FPT; còn ở Philippines hầu hết đều biết đến năng lực của tập đoàn.

Duong-Dung-Trieu-4308-1423908350.jpg

Theo anh Triều việc hợp tác giữa các đơn vị để Toàn cầu hóa đã khả quan. Ảnh: FPT.

Hoạt động kinh doanh tại Myanmar vẫn tiến triển tốt, đóng góp doanh thu khoảng 13,5 triệu USD, trong đó, mảng phân phối đạt hơn 10 triệu USD. Tại Singapore, FPT đã hợp nhất FPT IS và FPT Asia Pacific thành pháp nhân duy nhất là FPT Asia Pacific, với doanh số đạt gần 8 triệu USD.

Ngày 28/4/2014, FPT bổ nhiệm anh Dương Dũng Triều và Nguyễn Khắc Thành làm PTGĐ Toàn cầu hóa và PTGĐ phụ trách nguồn lực Toàn cầu hóa. FPT hiện có mặt tại 19 quốc gia.

FPT Telecom ngoài việc xúc tiến giấy phép cung cấp Internet tại Myanmar cũng đang xâm nhập thị trường Lào, Bangladesh.

ĐH FPT ở những bước cuối của xin giấy phép thành lập chi nhánh tại Lào; tiếp tục hợp tác với Myanmar đào tạo Top-up; việc liên kết đào tạo với các nước ở châu Phi cũng có những bước phát triển.

Năm 2014 cũng ghi nhận việc quảng bá rộng hơn chiến lược Toàn cầu hóa của FPT là trở thành nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể (full IT services) cho khách hàng. FPT cũng ghi nhận những bước quan trọng trở thành nhà cung cấp giải pháp dịch vụ trên nền công nghệ SMAC (Sociality, Mobility, Analytic và Cloud) cho khách hàng toàn cầu. Doanh thu SMAC đã có sự chuyển biến tích cực, điển hình là FPT Software, với mức tăng gấp ba lần.

- FPT sẽ chạy đà như thế nào trong năm nay để hoàn thành mục tiêu 340 triệu USD doanh thu toàn cầu hóa vào 2016, thưa anh?  

- Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh Toàn cầu hóa với mức tăng tối thiểu 40% mỗi năm. Để làm được điều này, FPT phải tìm kiếm khách hàng, dự án lớn tập trung vào những khách hàng “big volume” ở châu Âu, Mỹ, Nhật; Đấu thầu các dự án quy mô lớn ở những nước đang phát triển; Tăng cường M&A; và Kiểm soát chặt chẽ chi phí.

Hiện tại, FPT Software có nền tảng tốt và cơ hội thị trường mở rộng. Khó khăn nhất của họ là nguồn lực chất lượng cao. Chương trình “10.000 kỹ sư cầu nối (BrSE) ở Nhật” là kế hoạch quan trọng của đơn vị này nhằm đẩy mạnh tăng trưởng.

“Lương khô” FPT IS để lại trong năm qua là tiền đề tốt cho sự phát triển của 2015. Chiến lược của FPT IS là tham gia các dự án của World Bank và ODA tại những nước đang phát triển, mang kinh nghiệm, giải pháp và năng lực của FPT tại Việt Nam ra nước ngoài.

Với tốc độ tăng trưởng này, tôi tin việc hoàn thành mục tiêu vào năm 2016 có thể đạt được.

- Việc ra biển lớn không hề dễ dàng ngay cả với những tập đoàn lớn. Đâu là khó khăn FPT cần khắc phục khi Toàn cầu hóa?

- Theo tôi là vấn đề chi phí. Một số đơn vị Toàn cầu hóa theo kiểu dò đá qua sông, kiểm soát lỏng dẫn tới chi phí tăng cao, khiến lợi nhuận chưa tương xứng. FPT đang đối mặt với việc thiếu nguồn lực kinh doanh, thiếu người hiểu biết về sản phẩm của tập đoàn, thiếu quan hệ cấp cao - mạng lưới quan hệ, đối tác địa phương và cản trở về ngoại ngữ.

Do vậy, chúng tôi sẽ tiến hành siết chặt chi phí; xây dựng đội ngũ kinh doanh am hiểu về sản phẩm, giải pháp của tập đoàn; tìm kiếm những người trẻ có ngoại ngữ tốt và có đam mê để đi Toàn cầu hóa; thiết lập quan hệ cấp cao thông qua kênh của Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài hoặc qua đường bạn bè, đối tác FPT ở Việt Nam.

- Sau gần một năm là người cầm trịch hoạt động Toàn cầu hóa, anh thấy mình đã làm được những gì?  

- Ngoài duy trì quan hệ cấp cao và đối tác địa phương, trong năm 2014, tôi cũng đi khá nhiều để đánh giá thị trường xem FPT có thể cung cấp dịch vụ gì; đồng thời đẩy mạnh hợp lực giữa các công ty thành viên. Tôi thấy việc hợp tác giữa các đơn vị đã khả quan.

Mỗi thị trường sẽ có nhu cầu khác nhau, do đó, việc synergy hay tổ chức lại thị trường rất quan trọng. Trước đây, ở tập đoàn không ai nắm rõ việc đó. Bây giờ, khi có người điều phối, tôi tin hoạt động Toàn cầu hóa có thể tốt hơn.

- Với những tín hiệu khả quan như vậy, anh kỳ vọng năm 2015 ra sao?

- Tôi muốn các chỉ số về tài chính phải tăng trưởng, FPT phải có những dự án lớn, mang lại giá trị cao ở những thị trường đang phát triển.

Triệu Mẫn thực hiện

Ý kiến

()