Chúng ta

Phim Tấm Cám vào đề thi tìm ứng viên nhận học bổng MBA của FSB

Thứ năm, 1/9/2016 | 11:22 GMT+7

Lãnh đạo các doanh nghiệp chia sẻ quan điểm phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” không được chiếu tại cụm rạp lớn nhất nước. 

Trong buổi phỏng vấn chương trình học bổng thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh của Viện Quản trị kinh doanh FPT (FSB thuộc FPT) vừa diễn ra ở TP HCM, Hà Nội, nhiều ứng viên không khỏi bất ngờ khi những lùm xùm về phim này vào đề thi.

Tình huống đặt ra là: “Tấm Cám - Chuyện chưa kể" không được chiếu tại CGV - cụm rạp lớn nhất Việt Nam, do không đạt thoả thuận trong kinh doanh. Quan điểm của nhà phân phối BHD đưa ra là CGV không ủng hộ công chiếu phim Việt tại hệ thống rạp của CGV. Trong khi đó, theo lập luận của CGV, BHD đang đòi hỏi quá nhiều, chỉ quan tâm đến phần trăm của hợp đồng mà không nhìn vào tổng doanh thu nhà làm phim có thể nhận được. Anh, chị ủng hộ quan điểm nào? Nếu định đầu tư vào sản xuất phim, anh, chị sẽ lựa chọn BHD hay CGV làm đối tác? Vì sao?”.

Tham gia ứng tuyển học bổng tại chương trình và hiện là Tổng giám đốc của một công ty truyền thông, diễn viên Mai Thu Huyền cho rằng, vấn đề ăn chia lợi nhuận giữa nhà sản xuất phim và các cụm rạp đã tồn tại từ lâu, Tấm Cám chỉ là “giọt nước tràn ly”.

Các ứng viên tham gia vòng phỏng vấn trực tiếp của FSB tổ chức ngày 27/8 vừa qua.

70 ứng viên tham gia vòng phỏng vấn trực tiếp của FSB tổ chức ngày 27/8 vừa qua tại TP HCM và Hà Nội.

Cũng là một nhà sản xuất phim, Mai Thu Huyền cho biết, trước đây, mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất 4-5 bộ phim, đa phần đều là của các hãng Nhà nước. Nhưng những năm qua, khi có các hãng phim tư nhân tham gia thì con số này tăng lên đáng kể, như năm 2015 có khoảng 40 bộ phim Việt Nam ra đời, năm nay có thể lên tới 60.

Số lượng phim sản xuất nhiều, ngoài nhu cầu, sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả còn có phần đóng góp của các cụm rạp khi liên tục đầu tư, phát triển những rạp chiếu phim hiện đại. Tuy nhiên, trong một năm gần đây, cụm rạp CGV phát triển mạnh và chiếm đến 40% tổng số lượng rạp. “Vì thế mạnh này nên CGV áp tỷ lệ ăn chia cao. Trên thế giới, tỷ lệ ăn chia trung bình giữa nhà sản xuất và nhà phát hành là 50:50, nhưng cụm rạp này thường áp mức 55:45 ở tuần công chiếu đầu tiên, sau đó nâng lên 60:40, 65:35 ở những tuần sau. Do vậy, tính trung bình, nhà sản xuất chỉ hưởng khoảng 40% doanh thu”, nữ diễn viên chia sẻ.

Với câu hỏi nếu định đầu tư sản xuất phim sẽ chọn ai, Mai Thu Huyền cho rằng phải đặt vào tình huống cụ thể mới có câu trả lời chính xác. Việc CGV áp đặt tỷ lệ ăn chia quá cao khiến nhiều bộ phim quay lưng thì họ sẽ mất cả doanh thu lẫn khán giả, vì với những bộ phim hay, khán giả có thể lựa chọn nhiều cụm rạp khác để xem. Tuy nhiên, về phía nhà sản xuất cũng chịu thiệt hại khi phim không được công chiếu rộng rãi. Với cương vị là một nhà sản xuất thì cô mong phim của mình đều được chiếu ở tất cả cụm rạp.

Trong khi nữ diễn viên Mai Thu Huyền tỏ ra tự tin với câu hỏi thuộc lĩnh vực nghệ thuật thì anh Trần Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc một công ty bất động sản ở TP HCM - thừa nhận, bản thân không rành về phim ảnh. Ít có dịp xem phim tại các cụm rạp nhưng anh cho biết thường xem những bộ phim mình thích chứ không quá khắt khe trong việc lựa chọn nơi chiếu.

“Nếu Tấm Cám không được chiếu ở CGV thì tôi và nhiều người khác có thể xem với phòng chiếu chất lượng tương đương ở các cụm rạp khác như Galaxy, Lotte… Do vậy, tôi mong các nhà sản xuất có thể làm ra những bộ phim Việt hay và kiên quyết trong việc chia tỷ lệ để không bị o ép”, anh Tuấn chia sẻ.

Tuy nhiên, ở một số tỉnh hiện chỉ có những rạp chiếu của CGV, nên việc phim không được chiếu ở CGV sẽ khó tiếp cận khán giả ở những khu vực này. Theo anh Tuấn, cả hai bên nhà sản xuất và cụm rạp cần phải ngồi lại để tìm tiếng nói chung.

Bên cạnh tình huống về phim Tấm Cám, Hội đồng giám khảo còn đưa ra nhiều tình huống thực tế trong công tác quản trị doanh nghiệp, định hướng chiến lược khiến cho các ứng viên đang là những nhà quản lý, sếp lớn ở doanh nghiệp hào hứng.

Chị Mai Thu Huyền là một trong số 16 ứng viên tham gia vòng phỏng vấn tại TP HCM.

Chị Mai Thu Huyền là một trong số 16 ứng viên tham gia vòng phỏng vấn tại TP HCM.

Trước câu hỏi: “Giữa hai lựa chọn, chủ một công ty nhỏ có 2 chi nhánh với 30 nhân viên, tổng lợi nhuận hằng tháng khoảng 150 triệu đồng và CEO một đơn vị nước ngoài với mức lương tháng 200 triệu đồng phụ trách hệ thống 300 nhân viên tại Việt Nam. Anh, chị sẽ chọn vị trí nào?”, anh Lê Phước Hiếu cho biết đây là một lựa chọn khó. Tùy vào năng lực và định hướng phát triển, mỗi người sẽ có hướng đi khác nhau.

Đảm nhận vị trí Quản lý an toàn môi trường cho một công ty nước ngoài ở Việt Nam, anh Hiếu cho rằng, dù chọn làm ở đâu cũng phải có định hướng sự nghiệp rõ ràng, mang lại lợi ích cho công ty và nhiều người khác. Nếu chọn làm chủ của một công ty có hai chi nhánh, người làm chủ cần tiếp tục đẩy mạnh cơ sở kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ và đời sống của nhân viên. Còn CEO với mức lương 200 triệu đồng mỗi tháng là một công việc tốt và nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp cũng như kinh nghiệm trong nghề.

Trong khi đó, là nhà quản lý của hai cơ sở kinh doanh xe máy do mình làm chủ, một ứng viên khác cho rằng, nếu được lựa chọn, anh sẽ tiếp tục phát triển công việc của mình hơn là đi làm thuê cho công ty khác. Từng có vị trí cao trong một công ty xe máy nước ngoài ở Việt Nam, sau nhiều năm làm việc, ứng viên này đã tự bỏ vốn để gây dựng sự nghiệp của riêng mình.

“Thay vì ngồi văn phòng làm các dự án, quản lý nhân viên và nhận lương hằng tháng, tôi phải tự tay thiết kế từng hộp đèn, bảng hiệu, mắc đường dây điện khi đứng ra mở cửa hàng kinh doanh. Những ngày đầu, để tiết kiệm chi phí, tôi tự tay làm hết mọi việc, vất vả lắm, nhưng giờ, nếu được chọn lại tôi vẫn quyết định sẽ tự làm chủ công việc của mình”, anh chia sẻ.

Cũng theo anh, việc làm trong các công ty lớn, anh học hỏi những kiến thức chuyên sâu, có cơ hội giao lưu với lãnh đạo cấp trên cũng như các đối tác để tích lũy kinh nghiệm. Việc làm chủ một công ty dù nhiều khi khiến anh chịu áp lực nhưng anh lại biết tính toán, cân nhắc và sống có trách nhiệm hơn.

Theo Ban tổ chức, những câu hỏi tình huống năm nay mang tính thời sự để ứng viên thể hiện quan điểm, suy nghĩ, cách xử trí của mình trước một vấn đề đang diễn ra trong xã hội. Không có câu trả lời đúng sai, mà quan trọng là cách nhìn nhận và lập luận thế nào để bảo vệ góc nhìn của mình hợp tình, hợp lý, thuyết phục Ban tổ chức. Những ứng viên xử lý tình huống xuất sắc nhất sẽ được nhận một trong 100 suất học bổng MBA của FSB, mức cao nhất khoảng 70 triệu đồng, tương đương 70% học phí toàn bộ khóa học.

>> 70 ứng viên được mời phỏng vấn học bổng MBA

Theo VnExpress

Ý kiến

()