Chúng ta

'Ông Tổng' tuyến metro Sài Gòn bật mí cách quản trị nhân văn

Thứ tư, 4/10/2017 | 10:01 GMT+7

Từ bỏ vị trí cao tại một tập đoàn lớn của Pháp, TS. Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM, chấp nhận mức lương chỉ bằng 5% trước đây để góp sức xây dựng đất nước và hiện thực hóa giấc mơ đường sắt đô thị của Việt Nam. Qua 20 năm lăn lộn với nghề, cách quản trị đơn giản nhưng thấm đẫm nhân văn của ông khiến người ta ngộ ra nhiều điều.

Khác với những hội thảo trước đây, khá nhiều học viên Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB) đến  hội thảo "Quản trị dự án - Sự khác biệt giữa quốc tế và Việt Nam" tổ chức cuối tháng 9 vừa qua với nhiều lý do khác nhau. Họ không chỉ đến với tư cách là một học viên cần tham gia đủ các lớp hội thảo chuyên đề, mà còn bởi họ tò mò lẫn quan tâm về vị khách mời đặc biệt - TS. Lê Nguyễn Minh Quang và tiến độ dự án đường sắt đô thị (metro) của TP HCM. Hội trường không còn một chỗ trống. Những ánh mắt đổ dồn về phía TS. Quang và chờ đợi những câu chuyện thực tế từ "kiến trúc sư trưởng" của tuyến metro đầu tiên ở TP HCM, thay vì thông qua các phương tiện truyền thông, cũng như kinh nghiệm quản trị của ông.

DSC-4469-JPG-4823-1507047169.jpg

Không như nhiều người mường tượng về một người quyền chức, TS. Lê Nguyễn Minh Quang không phải xuất thân từ gia đình có thân thế hiển hách hay "con ông cháu cha". Ông sinh ra trong gia đình nghèo và có một tuổi thơ đầy gian khó. Vì vậy, để đặt chân vào ngành Xây dựng - Đại học Bách khoa TP HCM, ông đã phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua kỳ thi cam go và những rào cản vô hình về chính trị thời điểm đó. Có lẽ cũng bởi sự nghèo khó và ý chí vươn lên đó đã trui rèn và hình thành trong ông nhân cách cao quý của người lãnh đạo sau này.

Nhờ tài năng và bản tính thông minh, hiền lành, ông nhận được khá nhiều sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân để có thể tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Xây dựng tại Pháp năm 1995, Thạc sĩ Quản trị doanh nghiệp Nantes University năm 1997, Thạc sĩ ngành quản lý hành chính công tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) và trường Chính phủ Harvard Kennedy (Mỹ) năm 2011. Ông có 20 năm làm việc tại Công ty Bachy Solatenche (một tập đoàn lớn của Pháp trong lĩnh vực nền móng và công trình ngầm xây dựng), từ vị trí Giám đốc dự án, ông đảm nhiệm đến chức Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc. 

Tháng 6/2016, ông bất ngờ bỏ lại tất cả chức vụ tại tập đoàn đa quốc gia này để đảm nhận Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM theo lời mời của lãnh đạo thành phố với sứ mệnh và trọng trách nặng nề là đưa dự án metro đầu tiên của Việt Nam lăn bánh đúng hạn vào năm 2020. 

"Nhiều người nói tôi không đi lên nữa mà lại đi xuống, bởi mức lương tôi nhận ở đây chỉ bằng 5% so với những gì nhận được từ Bachy Solatenche. Tôi nghĩ rằng 20 năm tôi đã trả nợ đủ cho nước Pháp - đất nước cưu mang những người như tôi được đi học, được học bổng và có điều kiện để thành đạt...", giọng ông nghẹn ngào và đứt quãng khi nhớ về nước Pháp.

Không nói hết câu nhưng có lẽ nhiều người phần nào đoán được vế sau chưa thể ghép thành lời của ông, bởi cảm xúc về đất nước từng nuôi dưỡng những con người như TS. Lê Nguyễn Minh Quang, TS. Nguyễn Hồng Phương (Giám đốc Đào tạo FSB) hay các thành viên của Hội Mồ côi - tập hợp những người Việt du học ở Pháp những năm 1990. Nợ nước Pháp ông đã trả đủ, và ông nghĩ bản thân nên làm điều gì đó cho quê hương Việt Nam. 

Khán phòng chật kín người tham dự.

Hội trường không còn một chỗ trống. Người tham dự chờ đợi những câu chuyện thực tế từ "kiến trúc sư trưởng" của tuyến metro đầu tiên ở TP HCM và kinh nghiệm quản trị của ông.

Thay vì so sánh sự khác biệt giữa quốc tế và Việt Nam như chủ đề của hội thảo, ông tập trung chia sẻ về cách quản trị dự án hiệu quả theo kinh nghiệm của bản thân. Theo TS. Quang, người quản trị dự án trước hết phải lập được kế hoạch cụ thể, chi tiết. Sau đó là tổ chức thực hiện và kiểm tra coi có phù hợp và có thực thi theo kế hoạch hay chưa. Cuối cùng là khâu đánh giá lại quá trình thực hiện dự án. 

"Chúng ta nên coi tổ chức dự án ở trạng thái động và mở. Nghĩa là tổ chức phải có sự linh hoạt, tăng/giảm số phòng ban/trung tâm và sẵn sàng mời gọi những người khác có năng lực tốt hơn, thay thế cho những người không còn đáp ứng được yêu cầu công việc", ông nhấn mạnh.

Về mục tiêu, thường dự án phải đảm bảo được các yếu tố: Tiến độ, chất lượng, chi phí. Là người lăn lộn trong ngành xây dựng hàng chục năm qua nên TS. Quang đặt sự an toàn vào trọng tâm của 3 yếu tố trên khi triển khai dự án. Ông cho rằng, tiến độ chậm có thể điều chỉnh, chất lượng chưa đạt yêu cầu thì có thể sửa, nhưng những gì liên quan đến tính mạng con người thì không gì có thể bù đắp. Do đó, trong mỗi công trường, ông đều cho treo khẩu hiểu "Think safely -  think family" (Nghĩ về an toàn - Nghĩ đến gia đình). 

"An toàn phải nằm trong trái tim của mọi công trình. Với tuyến metro, công nhân có quyền nói "không" nếu bản thân cảm thấy chưa an toàn. Nếu chi phí thấp thì không thể đòi hỏi chất lượng cao, nhưng đầu tư cho an toàn lao động là vô giá, sau đó mới nói tới các yếu tố chất lượng, tiến độ và chi phí. An toàn là sự thanh thản trong tâm hồn và an tâm khi triển khai dự án", Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM nhấn mạnh.

Tôi không thể làm cho dòng sông kia trở nên trong xanh thì cũng không làm cho nó vẩn đục thêm", TS. Lê Nguyễn Minh Quang khẳng khái bộc bạch.

"Tôi không thể làm cho dòng sông kia trở nên trong xanh thì cũng không làm cho nó vẩn đục thêm", TS. Lê Nguyễn Minh Quang khẳng khái bộc bạch.

Nói về các bí quyết quản trị của bản thân, diễn giả cho rằng người lãnh đạo phải lắng nghe học hỏi và làm cùng mọi người. Người lãnh đạo giống như chiếc trực thăng (helicopter), bay lên cao để có tầm nhìn bao quát được mọi thứ và cũng có thể đáp xuống để giải quyết một vấn đề nào đó. 

Một ví dụ thực tế khi thi công tuyến metro được ông dẫn chứng. Dù chưa hiểu hết về robot đào ngầm nặng 300 tấn TBM do nhà thầu Nhật thi công, nhưng vì tiến độ công việc không đảm bảo nên ông đã nhờ bên chuyên gia tư vấn giải thích từng vấn đề liên quan đến robot TBM để làm việc lại với bên Nhật. Từ đó, tháo gỡ nút thắt và buộc đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ.

Một bí quyết khác nữa của người làm quản trị là Tin và kiểm (Trust & Check). Dù là các báo cáo lớn hay nhỏ thì người lãnh đạo cũng cần phải kiểm tra kỹ lưỡng và cập nhật thông tin mới trước khi ký duyệt, thay vì hoàn toàn phó thác cho cấp dưới. Như vậy nhân viên mới ý thức được trách nhiệm và đảm bảo chất lượng công việc. 

Thường một dự án sẽ dễ bị ảnh hưởng khi một hay nhiều thành viên chủ chốt ra đi. Do đó, kinh nghiệm của TS. Quang trong điều hành là thành lập Tổ lái (Co-pilotage). Mỗi dự án cần phải có những người kế cận, sẵn sàng hỗ trợ và đủ sức nhận chuyển giao khi người chủ chốt rời đi. Có như vậy dự án mới không bị ảnh hưởng, không quá phụ thuộc vào người chủ chốt. Điều này cũng giống như việc không nên bỏ trứng vào một giỏ vậy. 

Cuối cùng, để quản trị dự án hiệu quả cần kết hợp đủ 3 yếu tố trên thành một thể gắn kết: Helicopter - Trust & Check - Co-pilotage.

"Tôi biết dấn thân vào con đường này sẽ rất nhiều khó khăn. Tưởng làm dự án hàng tỷ USD chắc sẽ giàu lắm, nhưng tôi không làm như vậy. Nguyên tắc trong công việc của tôi là không nhận bất cứ thứ gì của ai và cũng không có gì để cho người ta. Tôi tâm niệm rằng, mình làm việc ở đây chắc chắn không phải vì tiền và không phải vì chức vụ. Vậy nên, tôi sẽ chỉ tập trung lo về chất lượng chuyên môn chứ không bao giờ làm nô lệ cho đồng tiền, quà cáp, biếu xén... Tôi không thể làm cho dòng sông kia trở nên trong xanh thì cũng không làm cho nó vẩn đục thêm", TS. Quang khẳng khái bộc bạch. 

Một điều không chỉ các học viên FSB quan tâm mà cả hàng triệu người dân mong chờ, đó chính là việc tuyến metro đầu tiên liệu có thể vận hành vào năm 2020 như kế hoạch. Chia sẻ về vấn đề này, ông Quang cho biết bản thân và toàn đội dự án đang đặt quyết tâm cao nhất để dự án về đích đúng hạn. 

"Nếu không có tuyến metro đầu tiên thì sao có tuyến metro thứ hai. Dù mất ăn mất ngủ nhưng tôi tin rằng dự án sẽ vận hành vào năm 2020", Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM kỳ vọng.

Dự án tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tuyến số 1 của TP HCM, tổng vốn 2,49 tỷ USD) dài gần 20 km, trong đó công trình có khoảng 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga). Công trình khởi công từ tháng 8/2012. Ban quản lý đường sắt đô thị TP HCM cam kết sẽ xây dựng xong toàn bộ 5 gói thầu tuyến metro số 1 đúng tiến độ, đưa vào vận hành, khai thác vào cuối năm 2020. 

Dự án tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD, đang chuẩn bị đấu thầu, dự kiến triển khai từ năm 2018 và hoàn thành năm 2024. 

>> 'Đừng chỉ cố gắng mà hãy nỗ lực hết mình'

Hà Dương

Ý kiến

()