Chúng ta

Những người thầy không bao giờ đến lớp

Thứ sáu, 20/11/2015 | 08:45 GMT+7

Họ là mentor (người hướng dẫn) của trường Đại học Trực tuyến FUNiX. Chỉ với một chiếc máy tính nối mạng, mentor của FUNiX đã truyền đi tri thức, lòng đam mê CNTT tới các sinh viên.

Mentor đời đầu của FUNiX là chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực CNTT. Với đam mê cháy bỏng truyền lại kiến thức cho "hậu bối", họ đã gia nhập FUNiX. Hình thức mentor hướng dẫn người học ở FUNiX khá giống Uber. Tiêu chí trang bị kiến thức cho sinh viên của FUNiX là học bằng hỏi nên FUNiX tuyển dụng mentor liên tục để đáp ứng nhu cầu này. Hiện, mentor của FUNiX đến từ 6 quốc gia và đều đang làm việc tại các doanh nghiệp về công nghệ thông tin. 

Nguyễn Thành Lâm, nguyên TGĐ FPT Software: 'CNTT ngành gì cũng cần biết'

thanhl-am-620.jpg

Anh Nguyễn Thành Lâm.

Nguyên TGĐ FPT Software là kỹ sư CNTT, tốt nghiệp ĐH Technische Universität Dresden, CHLB Đức. Anh có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT. 

Theo anh Lâm, CNTT sẽ là nền tảng, giống như Toán vậy. Học ngành gì cũng cần biết. FUNiX không phải chương trình nghiên cứu mà là dạy cho đại chúng. Đây là mô hình mới cần thời gian để thử nghiệm và cải tiến nhưng ý tưởng chính về học nhanh để đi làm ngay.

"Ba ưu điểm của FUNiX mấu chốt là bằng cấp, mô hình mentor và vấn đề hợp tác với các công ty đầu ra. Còn nền tảng đương nhiên là chương trình học và hạ tầng", anh chia sẻ. Chính vì ưu điểm này mà sinh viên tốt nghiệp FUNiX có cơ hội kiếm việc tốt hơn hẳn. Học tại FUNiX quay vòng vốn nhanh hơn. Sau 4 học kỳ, sinh viên đã có thể đi làm, về sau học bổ sung lấy bằng khi cần. Ngoài ra, sinh viên học cũng khá giống cách làm việc ở khả năng tự tìm hiểu và hỏi nên khả năng đáp ứng công việc sẽ tốt.

Hoàng Giang, Viettel: 'Muốn thành công phải thực sự đam mê nghề CNTT'

hoang-giang-620.jpg

Anh Hoàng Giang.

Anh Giang là Phó GĐ Trung tâm sản phẩm ứng dụng, Tổng Công ty Viettel Telecom, có 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT. Anh là Tiến sĩ CNTT của ĐH CNTT, Cơ khí và Quang học St. Petersburg, Liên Bang Nga. 

Với anh Giang, người làm nghề ngành Phần mềm ít giấu kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhất. Các kiến thức về CNTT được chia sẻ rộng rãi và phổ biến nhất trên Internet. Khái niệm "Open source" cũng chỉ xuất hiện trong nghề phần mềm. Vì thế, nhu cầu chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm làm nghề là nguyên nhân đầu tiên để anh đồng ý tham gia FUNiX sau khoảng 3 giây được đề nghị. Bên cạnh đó, anh Giang chỉ sử dụng một vài kỹ năng và công nghệ bị quên lãng, cùn mòn, lạc hậu. "FUNiX chính là cơ hội để tôi update background về nghề của mình", anh cho hay.

Theo anh, FUNiX đang làm OTT (viết tắt của cụm từ Over-the-top là thuật ngữ để chỉ các ứng dụng và nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet) trong giáo dục, hay nói đúng hơn là trong dạy nghề. Trường Đại học Trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam tận dụng đội ngũ mentor để tạo ra dịch vụ giáo dục. "Nếu thành công giống như các mô hình OTT khác, có một ngày anh Nguyễn Thành Nam sẽ là tỷ phú làm giáo dục mà trong tay không có giảng viên cơ hữu nào", anh nhận định. 

FUNiX đem đến cơ hội cho cả người học và người dạy. Với người học sẽ được truyền nghề từ thầy giỏi, kiến thức có thể sử dụng ngay vào công việc mà không kinh viện như mô hình đào tạo truyền thống. Còn người dạy là thỏa mãn được nhu cầu đi dạy và có cơ hội tìm được nhân viên phù hợp. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức cho cả hai phía. 90% khối lượng kiến thức người học phải tự học, 10% còn lại là hỏi từ mentor. Như vậy, người học phải là người có đam mê CNTT, có năng lực nghiên cứu, trình độ tiếng Anh, chăm chỉ và kiên trì. Người dạy cần sắp xếp thời gian, phải cập nhật lại kiến thức. 

Là người dành nhiều tâm huyết cho ngành CNTT, anh Giang dành lời khuyên cho sinh viên: "Nếu bạn muốn thành công hoặc kiếm tiền đủ để sống dễ chịu một chút trong nghề thì bạn phải có sự đam mê với nghề. Điều này bạn tự cảm nhận được khi học CNTT một thời gian ngắn. Còn nếu không, bạn có 2 lựa chọn: Tìm nghề khác hoặc chấp nhận làm việc làng nhàng".

Nguyễn Việt Quang, Công ty UDC: 'Sinh viên có kinh nghiệm thực tế sớm nhờ mentor'

nguyen-viet-quang-620.jpg

Anh Nguyễn Việt Quang.

Anh Quang là Thạc sĩ Khoa học máy tính, Học viện Bách khoa Kiev, Ukraine. Anh cũng chuyên gia gạo cội với 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT. Hiện anh là Giám đốc Công nghệ, Công ty UDC (Universal Data Communication).

Dù có kinh nghiệm 15 năm làm nghề CNTT nhưng anh Quang tự nhận mình không có năng khiếu đào tạo kiểu sư phạm truyền thống. Cho rằng đào tạo trực tuyến giúp truyền tải kiến thức đến người học dễ dàng hơn nên anh đã nhận lời giúp sinh viên FUNiX.

Theo anh Quang, mô hình đào tạo trực tuyến FUNiX sẽ thực tế hơn cho sinh viên trong ngành CNTT, nhất là phần mềm. Với những người có kinh nghiệm khi bắt đầu một lĩnh vực mới cũng phải loay hoay một tuần hoặc một tháng để giải quyết một bài toán kỹ thuật. Việc trò chuyện với chuyên gia có thể giúp sinh viên có góc nhìn mới tổng thể và trong từng lĩnh vực, điều này "search Google" chưa chắc đã có. Qua làm việc chuyên gia, sinh viên nắm bắt kinh nghiệm làm việc thực tế sớm hơn và có định hướng đúng sát thực tế thị trường yêu cầu. Chỉ cần kiên trì theo đuổi công việc mình thích, sinh viên sẽ sớm thành công trong tương lai.

Đặng Minh Tuấn, Công ty Phần mềm 2NF: 'Cơ hội cho sinh viên CNTT vô cùng lớn'

Dang-Minh-Tuan-2NF-Software-620.jpg

Anh Đặng Minh Tuấn.

Anh Tuấn là Chủ tịch kiêm Giám đốc công nghệ, Công ty phần mềm 2NF. Đây là công ty chuyên cung cấp giải pháp công nghệ, phần mềm cho các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Xuất thân từ cử nhân Toán Tin ứng dụng, ĐH Tổng hợp Hà Nội, anh cũng có hơn 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT. 

Được biết mô hình giáo dục đại học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, anh Tuấn đã xung phong làm mentor cho sinh viên. Bởi anh cho rằng, FUNiX là hình thức đào tạo khá hay, tương lai sẽ phát triển rất tốt. Hiện nay, hình thức đào tạo tập trung chiếm khá nhiều thời gian, công sức di chuyển và FUNiX đã giải quyết được vấn đề này. Ngoài ra, sinh viên FUNiX làm được việc ngay với giáo trình rất mới và hiện đại, chứ không nặng về lý thuyết, học thuật nhiều.

Khi còn sinh viên năm cuối, anh Tuấn cũng chưa xác định được phương hướng tương lai sau này làm gì, xin việc ở đâu... "Ở FUNiX, sinh viên có các đàn anh chỉ dẫn. Sinh viên theo học sẽ có định hướng, thậm chí còn biết được các thông tin cụ thể hơn về thị trường, lĩnh vực chuyên môn hẹp... như vậy đã thành công đến 50%. Ngoài ra, các mentor cũng chính là những người tuyển dụng, vậy các sinh viên học tốt có thể được nhận vào doanh nghiệp, 40% thành công nữa trong tầm tay sinh viên. 10% còn lại phụ thuộc vào nỗ lực của các bạn", anh khẳng định.

Là chủ doanh nghiệp, anh Tuấn làm việc không có ngày nghỉ, giờ nghỉ. Vì thế, chỉ cần điều chỉnh một chút, anh có thể có thời gian truyền nghề "hậu bối".

Theo anh Tuấn, CNTT đang là một trong số ít các lĩnh vực mà người Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách cạnh tranh với các nước phát triển trên thế giới. Vì vậy, đây là cơ hội hiếm có cho các bạn trẻ có ý định tạo ra những sản phẩm, dịch vụ... vươn ra tầm thế giới. Ngoài ra, Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới về CNTT nên ngành này đang thiếu một lượng lao động rất lớn trong hiện tại và tương lai. Cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên CNTT vô cùng lớn.

Chương trình học online của FUNiX kéo dài 8 kỳ, mỗi kỳ 4 tháng, với học phí khóa học là 90 triệu đồng. Theo đó, trong 8 kỳ học, sinh viên sẽ lần lượt trải qua các kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp gồm: Công dân số, Lập trình viên ứng dụng Mobile, Lập trình viên Ứng dụng doanh nghiệp, Thông thạo môi trường làm việc CNTT, Kỹ sư phần mềm cơ bản, Thông thạo môi trường kinh doanh, Chuyên viên hệ thống thông tin, Bằng kỹ sư phần mềm.

Sau mỗi kỳ, sinh viên sẽ nhận được một chứng chỉ, chứng nhận có thể làm được việc tương ứng. Hoàn thành chương trình học, sinh viên sẽ trở thành kỹ sư CNTT, nhận bằng đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. 

Lưu Vân

Ý kiến

()