Chúng ta

Nhật Bản ồ ạt đầu tư vào Myanmar

Thứ bảy, 9/3/2013 | 08:19 GMT+7

Vượt qua Trung Quốc, Nhật Bản đang trên đường trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Myanmar, vùng đất tiềm năng còn sót lại của châu Á.
> Văn hóa kinh doanh tại Myanmar / FPT thành lập Văn phòng đại diện tại Myanmar

Trước đây, bộ phận cấp visa tại Đại sứ quán Myanmar ở Tokyo từng rất đìu hiu, ảm đạm. Nhưng tình trạng này giờ không còn nữa. Chỉ vào chiếc hộp với hàng trăm tấm hộ chiếu mang thị thực kinh doanh, một nhân viên ở đây cho biết làn sóng này bắt đầu từ đầu năm 2012 trong khi Hãng hàng không ANA tiết lộ, các chuyến bay trực tiếp từ Tokyo đến Yangon đều đang hoạt động hết công suất.

Theo báo cáo của Tổ chức Thương mại Nhật Bản (JETRO), văn phòng tại Yangon tràn ngập yêu cầu nhờ hỗ trợ từ các công ty Nhật Bản tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại vùng đất hứa hẹn nhất châu Á này. Dentsu, công ty quảng cáo và truyền thông khổng lồ của Nhật, cũng đã mở văn phòng tại Yangon. Thậm chí, một chuyên viên vẽ móng và trang điểm người Nhật cũng quyết định tìm kiếm vận may của mình tại thành phố cảng trẻ này.

Myanmar đang là miền đất hứa với các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: Internet.

Myanmar đang là miền đất hứa với các nhà đầu tư Nhật Bản. Ảnh: Internet.

Mới một vài năm trước đây, trên đường phố Yangon chỉ có lác đác vài chiếc xe, và khách sạn thì chẳng ai thèm đếm xỉa đến. Thế nhưng đến nay, tắc đường là chuyện xảy ra thường ngày, khách sạn thì đầy người, giá thuê nhà và văn phòng luôn được áp ở mức cao.

Những doanh nghiệp Nhật Bản thức thời than phiền rằng, sự hỗ trợ của chính phủ Nhật dành cho các biện pháp trừng phạt chống lại chế độ quân sự do Mỹ khởi xướng với Myanmar đã mở ra cơ hội cho Trung Quốc và Ấn Độ.

Chính cuộc cách mạng Khương Hoàng với sự góp mặt của giới tăng lữ vào năm 2007 đã làm nên cuộc chuyển biến ngoạn mục. Rất nhiều cải cách chính trị đã và đang diễn ra do các nhà lãnh đạo muốn kết thúc sự cô lập của quốc gia và tìm kiếm lợi ích từ một nền kinh tế thịnh vượng. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đang muốn chống lại sự thống trị của Trung Quốc và tình thân hữu dành cho Ấn Độ cũng không thể tìm lại được do những oán giận tích lũy từ thời cai trị của thực dân Anh.

Những biện pháp chế tài linh hoạt là chìa khóa để khơi thông dòng vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển từ các quốc gia phương Tây và Nhật Bản.

Chìa khóa để kết thúc lệnh trừng phạt bắt đầu từ tháng 11/2010 bằng việc trả tự do cho Chủ tịch Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, bà Aung San Suu Ky, sau thời gian 15 năm bị quản thúc tại gia trong suốt 21 năm bị bắt giữ từ tháng 7/1989 và thuyết phục bà tham gia vào bộ máy chính trị.

Trước đây, dân chủ có lẽ là một từ không có trong khái niệm của bộ máy chính quyền. Tuy nhiên, những người nắm quyền ở Myanmar cũng đã nhìn thấy đây chính là một phương tiện thúc đẩy sự tăng trưởng, và phần bánh được chia đang ngày một lớn lên.

Làn sóng vàng các doanh nghiệp Nhật Bản đổ bộ vào Myanmar là một minh chứng cho những lợi ích từ cải cách chính trị. Sau chuyến công du xem xét tình hình cải thiện môi trường đầu tư, cảng biển Thilawa bị lãng quên nằm ở phía đông, cách Yangon một giờ lái xe, đã lọt vào tầm ngắm của Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản và chính phủ mới của Thủ tướng Shinzo Abe. Thilawa được lựa chọn cho việc phát triển dự án tháo gỡ nút cổ chai trong vấn đề giao thông vận tải và xây dựng một khu kinh tế đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.

d

Nhật Bản sẽ là nhà đầu tư của 2.400ha quanh khu vực cảng Thilawa. Ảnh: Internet.

Câu chuyện về việc Nhật Bản giành được thỏa thuận béo bở này bắt nguồn từ một lần dùng bữa tại Tokyo của Tổng thống Thein Sein với ông Hideo Watanabe, Chủ tịch Hiệp hội Nhật Bản-Myanmar, cựu Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông. Trong bữa ăn, tổng thống đã đưa ra tấm bản đồ và chỉ vào diện tích 2.400 ha quanh khu vực Thilawa và bày tỏ mong muốn rằng Nhật Bản sẽ đầu tư vào dự án này.

Tuy có một số tranh cãi xảy ra sau đó, nhưng vào tháng 9/2012, một tập đoàn của cơ quan chính phủ và các công ty Nhật Bản khác như Mitsubishi, Sumitomo và Marubeni đã tạo ra một gói đầu tư trị giá 18 tỷ USD. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng sẽ đầu tư 3 tỷ USD vào dự án cảng biển tại Dawei, trong đó Thái Lan đóng vai trò chủ đạo. Dự án này từng bị trì hoãn do sự phản đối của chính quyền địa phương và xung đột trong việc chiếm đoạt, tranh giành đất đai.

Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar với giá trị đầu tư lên đến 14 tỷ USD, chỉ tính riêng trong năm tài chính 2011, chủ yếu trong các dự án về năng lượng. Trong khi đó, từ 1998 đến 2011, các công ty Nhật Bản đã đầu tư tổng cộng 217 triệu USD, và trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 12 tại đất nước này.

Tuy nhiên, tiếng nói của Nhật Bản đã trở nên mạnh mẽ hơn với việc xóa bỏ khoản nợ trị giá 3,6 tỷ USD, đồng thời cung cấp một khoản vay bắc cầu thông qua Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á trị giá 1 tỷ USD. Ngoài ra, Nhật Bản cũng vừa công bố thêm 220 triệu USD cho các khoản vay mềm trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn lực con người.

d

Các hãng hàng không Nhật Bản tấp nập đưa khách tới Myanmar. Ảnh: Internet.

Các doanh nghiệp của đất nước mặt trời mọc đã tìm thấy rất nhiều cơ hội hấp dẫn trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, viễn thông, cơ sở hạ tầng, khai thác mỏ và năng lượng. Bên cạnh đó, mức lương còn khá thấp chính là nền tảng trong việc cạnh tranh xuất khẩu của Myanmar.

Tuy vậy, những đạo luật liên quan đến đầu tư nước ngoài chỉ vừa được thông qua vào cuối năm 2012, và hệ thống tư pháp của Myanmar vẫn được cho là chưa đáng tin cậy, do đó, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào đây được ví như một chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm.

Làn sóng vàng các nhà đầu tư với tâm lý không có gì có thể ngăn cản được đã tạo ra một sự khởi đầu thuận lợi cho các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nhưng Nhật Bản, với danh tiếng đáng thèm muốn về sự chính trực của các nhà đầu tư cũng như người sử dụng lao động, sẽ là cơ sở vững chắc để phát triển hợp tác thương mại lâu dài.

Na Vy (theo Japan Times)

Ý kiến

()