Chúng ta

'Nhà nước mỗi năm dành 12 triệu USD để đào tạo tiếng Nhật'

Thứ sáu, 26/6/2015 | 20:04 GMT+7

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đã kiến nghị trong Hội nghị ICT Summit 2015 ba việc gồm: đào tạo văn bằng hai CNTT cho những cử nhân học trái ngành; đào tạo CNTT bằng tiếng Nhật và nhà nước đầu tư 12 triệu USD để đào tạo 1.000 kỹ sư CNTT tiếng Nhật, nhằm bổ sung nguồn lực CNTT đang ở mức báo động đỏ.

Phát triển nguồn lực CNTT là một trong 4 tọa đàm chính tại Diễn đàn ICT Summit 2015, diễn ra ngày 25/6, ở Hà Nội. Chủ đề này được đưa ra trước báo động đỏ về tình trạng thiếu hụt lao động cho ngành.

Theo anh Tiến, trung bình mỗi năm có khoảng 30.000 sinh viên được đào tạo CNTT ở nhiều trình độ. Trong số đó khoảng 9.000 sinh viên có khả năng làm việc ở môi trường quốc tế. Trong số sinh viên này, lại chỉ có 3.000 người làm trong mảng phần mềm. Để đáp ứng trình độ cao khi làm việc tại Mĩ, Nhật, châu Âu, những người làm được việc phải là những người giỏi và thành thạo ít nhất một ngoại ngữ. 

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho rằng, việc thiếu hụt nguồn lực hiện nay buộc các doanh nghiệp vào tình trạng

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến cho rằng, việc thiếu hụt nguồn lực hiện nay buộc các doanh nghiệp vào tình trạng "đói thì đầu gối phải bò". Ngoài việc đi tìm nguồn lực ở nước ngoài, phía trong nước, FPT cũng như một số doanh nghiệp khác đã phối hợp với các trường đại học để giải bài toán này.

Thống kê cho thấy, số sinh viên tốt nghiệp CNTT có trình độ ngoại ngữ có thể dùng được được vào năm 2018 khoảng 3.000 - 4.000 em. Trong đó, riêng năm 2015, FPT Software dự kiến cần tuyển thêm khoảng 3.600 người. Trong tốc độ phát triển như ngày nay thì đến năm 2018, đơn vị cần tuyển khoảg 9.000 người/năm. 

Số lượng đào tạo ở Việt Nam quá nhỏ so với nhu cầu, bởi vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển, FPT Software đã chủ động tuyển chọn nhân lực ở nước ngoài. Hiện, đơn vị cần bổ sung hằng trăm chuyên gia cho thị trường châu Âu, Nhật Bản. Việc mở văn phòng mới tại Philipines và sắp tới là Myanmar cũng hướng tới việc thu hút các chuyên gia có kinh nghiệm làm việc lâu năm cho đơn vị. 

"Tại Mĩ, nếu FPT Software có thể đưa người Việt Nam sang làm việc thì hiệu quả hơn rất nhiều. Còn ở Nhật Bản, từ nay đến năm 2020, nước này cần hằng trăm nghìn kỹ sư CNTT. Trước đây, lựa chọn số 1 của Nhật Bản là tìm nguồn lực ở Trung Quốc. Nhưng hiện nay, họ có xu hướng chọn quốc gia khác như Ấn Độ, Philippines, Việt Nam... một dấu hiệu đáng mừng: Việt Nam là quốc gia được lựa chọn đầu tiên sau Trung Quốc, và đây là cơ hội cho chúng ta" anh nói.

Với tình trạng nhân lực CNTT cho thị trường Nhật Bản không có sẵn, FPT Software đã triển khai chương trình đào tạo Kỹ sư cầu nối (BrSE) có trình độ tiếng Nhật N2, làm việc trực tiếp ở Nhật Bản từ năm 2006, và đẩy mạnh kể từ 2014. Mục tiêu đào tạo của đơn vị từ nay đến 2018 là cho "ra lò" 10.000 BrSE.

Tuy nhiên, trong quá trình đi tìm lời giải cho bài toán nhân lực, Chủ tịch FPT Software cũng chỉ ra hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiết hụt người, là do số lượng đào tạo còn ít và thiếu kinh nghiệm. Viện trưởng Viện CNTT, Đại học Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng đồng quan điểm khi cho rằng, nhân lực CNTT không chỉ thiếu hụt về số lượng mà còn thiếu hụt cả về chất lượng. Tỷ lệ sinh viên làm việc được thấp hơn nhiều so với số đào tạo ra. 

"Tổng số sinh viên hiện nay đang theo học CNTT ở nhiều cấp khác nhau là khoảng 164.000. Thực tế tại FPT Software, 40% số kỹ sư lập trình không học IT mà học các ngành tự nhiên. Ở Ấn độ, công ty Infosys, trong khoảng 167.000 người, tỷ lệ non-IT cũng 40%. Họ có quá trình chuyển đổi không quá một năm để thành kĩ sư IT. Tôi nghĩ rằng đây là một nguồn lực rất lớn hiện nay. Bộ Giáo dục hoặc các trường có văn bằng 2 nên đào tạo ngắn hạn 18 tháng - 2 năm để đào tạo CNTT", anh Tiến chia sẻ.

Ngoài ra, người đứng đầu FPT Software cũng đề xuất 12 trường lớn nhất về Công nghệ ở Việt Nam cần có lớp kỹ sư CNTT, cử nhân CNTT nhưng học bằng tiếng Nhật Bản; Nhà nước cũng nên dành mỗi năm khoảng 12 triệu USD để đào tạo các kỹ sư, cử nhân CNTT học tiếng Nhật.

Hiện, ở FPT đã áp dụng triển khai việc học trực tuyến đại trà (MOCC) đối với CBNV cấp 3 trở lên. Theo Chủ tịch FPT kiêm Chủ tịch Vinasa Trương Gia Bình, thời gian tới các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh MOCC.

Chia sẻ bên lề tọa đàm, TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, tin tưởng: "Nhân sự sau khi thiếu sẽ thừa và chỉ thừa sau khi thiếu, vì vậy tình trạng thiếu người hiện nay không có gì phải hoảng loạn. Có việc sẽ có người, nhưng chừng nào Việt Nam để nước ngoài nghĩ ra việc thuê thì chúng ta vẫn giống anh thợ may".

Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam lần thứ năm với chủ đề "Công nghệ thông tin và quản trị thông minh", đã thảo luận về những định hướng, giải pháp đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong các ngành và địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội để nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị hoạt động. Cùng với chủ đề Nhân lực CNTT, các chuyên gia cũng đã tập trung tháo gỡ những khó khăn trong việc nâng cao năng lực ngành y tế; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công; phát triển giao thông thông minh, xây dựng đô thị đáng sống.

Chương trình đã thu hút trên 500 đại biểu không chỉ thuộc các doanh nghiệp trong ngành CNTT mà còn đến từ các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp ứng dụng CNTT từ các tỉnh thành trên cả nước.

Tiểu Thanh

Ý kiến

()