Chúng ta

Nhà giáo Phạm Toàn: 'Cần phải hành động mới thay đổi được'

Chủ nhật, 30/11/2014 | 19:20 GMT+7

"Giáo dục của Việt Nam là một mớ bòng bong với nhiều quan điểm, phản biện nhưng ít việc làm. Muốn gỡ rối thì phải bắt đầu từ cấp tiểu học và đại học", nhà giáo Phạm Toàn tâm huyết chia sẻ tại hội thảo EduCamp.

Bài phát biểu với chủ đề "Nhóm Cánh buồm - nền giáo dục của việc làm" của nhà giáo Phạm Toàn được chia sẻ trong khuôn khổ Hội thảo Sáng kiến giáo dục Edu Camp diễn ra ngày 30/11 tại ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc.

IMG-0008-JPG-8283-1417596967.jpg

Hơn 200 diễn giả đã có mặt tại Hòa Lạc sớm để tham gia hội thảo.

Trong bài phát biểu, nhà giáo Phạm Toàn không chỉ thể hiện là người có nhiều kiến thức uyên thâm về giáo dục mà còn là một diễn giả bậc thầy về kỹ thuật lôi cuốn người khác. Dẫn dắt người nghe bằng lối kể chuyện hài hước hỏm hỉnh, câu chuyện giản dị nhưng chứa đầy ý nghĩa, chỉ trong gần một giờ phát biểu, nhà giáo đã truyền cảm hứng cải cách giáo dục cho hơn 200 diễn giả và khách mời tại chương trình.

Mở đầu bài phát biểu, nhà giáo Phạm Toàn tự hào khi mình 83 tuổi mà vẫn minh mẫn, vẫn dành cho những cuốn sách tình yêu cháy bỏng. Là một người nghiên cứu giáo dục từ rất sớm, luôn trăn trở tìm hướng đi để tạo ra những thế hệ vàng của Việt Nam, gần cả đời người nghiên cứu, người đứng đầu nhóm Cánh buồm nghiệm ra một điều: "Muốn làm gì thì cứ làm, bởi tranh luận lý thuyết sẽ không đi đến đâu, cần phải hành động mới có thể thay đổi được".

Chiêm nghiệm quý báu của diễn giả đã nhận được tràng pháo tay dài không ngớt của những người cũng đang cùng trăn trở và đồng điệu về suy nghĩ ở phía dưới khán đài.

IMG-0020-JPG-1991-1417596967.jpg

Theo nhà giáo Phạm Toàn, muốn cải cách giáo dục phải bắt đầu từ cấp tiểu học và đại học.

Theo nhà giáo Phạm Toàn, muốn gỡ rối và cải cách giáo dục nên bắt đầu từ bậc tiểu học và đại học. Bởi, trong năm 5 đầu đời, con người phát triển củng cố về cơ bắp, giác quan, quan hệ tình cảm. Thời điểm học sinh lớp 1 đi học là cuộc ra đời lần thứ 2 cần sự "đỡ đẻ của giáo viên tử tế".

Ở bậc tiểu học, yêu cầu học sinh phải học có ý thức và phương pháp. Giáo dục ở tiểu học cần phải tạo ra sản phẩm lý tưởng mà có thật giúp các học sinh phát triển được trí tuệ, tâm hồn và năng lực làm việc. Để làm được điều này cần xây dựng một nền giáo dục tự học, tự giáo dục, tự do dấn thân và sống có trách nhiệm.

"Điều quan trọng nhất là phải bồi đắp được môi trường giúp học sinh dấn thân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cho các em được sống với hơi thở của cuộc đời thực với hạnh phúc, đau khổ, vấp ngã... Một tế bào lành mạnh phải ngay từ lúc sinh ra, không thể hy vọng nuôi dưỡng tế bào ung thư với mong muốn một phép màu xảy ra sau 18 năm nữa sẽ trở nên thành lành lặn", GS Phạm Toàn khẳng định.

Chính vì yếu tố trên, GS Phạm Toàn và nhóm Cánh buồm đã biên soạn bộ sách với 10 quyển (tiếng Việt và Văn từ lớp 1đến lớp 5) với nội dung căn bản dễ thực hiện, dễ huấn luyện cho cả giáo viên và phụ huynh, giúp trẻ luyện tập được trí tưởng tượng và liên tưởng nghệ thuật. Những ví dụ từ bộ sách tiểu học của nhóm Cánh buồm như trẻ lớp 2 có làm thơ, học tưởng tượng thông qua các hình vẽ vừa đủ trừu tượng để phát huy trí tưởng tượng vừa cụ thể để các em không nhầm lẫn... được nhiều người nghe tán thưởng.

Người đứng đầu nhóm Cánh buồm rất mong được hợp tác với khối Giáo dục FPT để tổ chức một hệ thống huấn luyện về giáo dục tiểu học. Bài phát biểu kết thúc nhưng người công tác trong lĩnh vực giáo dục tham gia hội thảo vẫn rất tâm đắc với tâm huyết và sự truyền lửa.

Nhiều câu hỏi và những gợi ý cho nhóm Cánh buồm được đưa ra như phản ứng của xã hội với bộ sách, động lực nào giúp các trường lựa chọn bộ sách của nhóm để đưa vào chương trình giảng dạy chính khóa... Nhà giáo Phạm Toàn đã chia sẻ rất chân thành về những băn khoăn này.

Khi đưa ra tư tưởng mới với bộ sách giáo khoa gồm 10 quyển về chương trình dạy tiếng Việt và Văn bậc tiểu học, nhóm gặp phải nhiều luồng dư luận trái chiều. Tự nhận mình là "tổ lao động cộng sản lý tưởng", nhà giáo Phạm Toàn và các cộng sự vẫn miệt mài làm việc hết mình với nỗ lực, sự hiểu biết và mong muốn góp phần nhỏ cải cách giáo dục Việt Nam trong 100-200 năm tới.

Theo nhà giáo Phạm Toàn, điều gì cũng cần thời gian chứng minh, ông và cộng sự chỉ biết làm hết trách nhiệm và tâm huyết, để không bị sai sót nhầm lẫn. "Nếu làm sai tức là đã tham gia vào quá trình ngu dân thì không lấy gì làm mừng", ông nói.

IMG-0041-JPG-8067-1417596967.jpg

Bài tham luận của anh Thành Nam thu hút đông đảo người tham gia.

Ngoài bài tham luận của GS Phạm Toàn, có khoảng 40 bài thuyết trình với 200 diễn giả và người tham gia đã có mặt tại Hội thảo sáng kiến giáo dục - EduCamp lần đầu tiên được tổ chức ở Hòa Lạc.

Dù lần đầu tổ chức nhưng có rất nhiều bài tham luận có giá trị đã được trình bày như: "Làm sao để sinh viên không ngủ gật" của Phó Chủ tịch HĐQT ĐH FPT Nguyễn Thành Nam, SMAC trong giáo dục của Trần Thế Trung - Viên nghiên cứu công nghệ FPT, "Tương tác 1:1 trong lớp học tiếng Anh có khả thi" của diễn giả Trần Thị Thu Hương - FPT GEM...

IMG-0017-JPG-3565-1417596967.jpg

TS Đàm Quang Minh vui mừng vì có sự tham gia đông đảo của diễn giả người làm giáo dục và tâm huyết với ngành đã tham gia chương trình.

Phát biểu tại chương trình, TS Đàm Quang Minh - Hiệu trưởng ĐH FPT chia sẻ: "Tôi vui mừng vì không chỉ có người làm giáo dục ở FPT mà còn đồng nghiệp ở Hà Nội, TP HCM cũng tới tham gia. Hy vọng, Educamp sẽ mở màn cho công cuộc nghiên cứu công nghệ mới trong giáo dục giúp nền giáo dục Việt Nam khi ra ngoài quốc tế có chỗ đứng và thầy cô sẽ làm chủ được không gian sư phạm của mình".

Anh Dương Trọng Tấn, Trưởng dự án công nghệ giáo dục ĐH FPT thông tin thêm, sau hội thảo này, trường dự kiến tổ chức định kỳ Educamp mỗi năm một lần để tạo diễn đàn cho cá nhân có tâm huyến với nền giáo dục tham gia trở thành chất xúc tác để đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, những sáng kiến giáo dục có giá trị, độ khả thi cao và đã có kết quả nhất định trong thực tế sẽ được ĐH FPT hỗ trợ triển khai và lan tỏa ý tưởng đến cộng đồng.

Hội thảo tìm kiếm sáng kiến giáo dục - Educamp đã truyền cảm lửa đến cho người tham gia. Chị Hồ Thị Thảo Nguyên, Phòng Phát triển chương trình FPT Polytechnic, chia sẻ, chị đến hội thảo nhằm tìm hiểu và cập nhật về phương pháp dạy và học đổi mới trong giáo dục qua chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này. "Tôi rất ấn tượng với bài phát biểu của GS Phạm Toàn khi đưa ra môi trường giáo dục lý tưởng nhưng có thật để giúp phát huy hết khả năng của người học. Hội thảo rất ý nghĩa khi thúc đẩy người làm giáo dục cập nhật xu hướng để hội nhập thực tế", chị Nguyên nhìn nhận.

Educamp là hội thảo giáo dục mở đầu tiên của khối Giáo dục FPT, quy tụ nhiều chuyên gia cũng như những người quan tâm với mục đích kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng đổi mới.

Nhân kỷ niệm 15 năm khối Giáo dục FPT (1999-2014), FPT Educamp 2014 lần đầu ra mắt và hướng vào các chia sẻ và thảo luận xung quanh chủ đề “Đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa”. Đây là hội thảo khởi động một chương trình về giáo dục được nhà trường tổ chức thường niên, nhằm quy tụ nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, cùng đóng góp tích cực không ngừng vào việc đổi mới trong lĩnh vực giáo dục.

Lưu Vân

Ý kiến

()