Chúng ta

'Nghề lạ' của FPT Software

Thứ ba, 3/5/2016 | 08:39 GMT+7

HA (Hospitality & Apprentice Service – dịch vụ Chiêu đãi và Đào tạo) cho khách hàng Nhật, là dịch vụ đang được SU HA, thuộc FPT Global Automotive tập trung phát triển nhằm cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hơn và đem lại doanh thu cho FPT Software.

Được nhen nhóm từ năm 2010 khi Nguyễn Thị Thanh Hương, cựu cán bộ của Ban phát triển kinh doanh toàn cầu TP HCM (FWB HCM) với vai trò Quản trị dự án (PM) và Hoàng Thị Lê Na, Hỗ trợ quản lý dự án (PMA), đã hoàn thành việc cung cấp dịch vụ đào tạo đầu tiên cho khách hàng Hitachi. Đây chính là dấu mốc cho việc cung cấp dịch vụ đào tạo cho khách hàng Nhật Bản.

Trong vòng 3 năm liên tiếp từ 2010-2012, FWB đã phối hợp tổ chức thành công các khóa học cho hơn 300 nhân viên Hitachi, doanh số 500.000 USD/ năm với lực lượng vận hành dự án chỉ vỏn vẹn 5 người. Những cái tên như Nguyễn Thị Thanh Hương, Hoàng Thị Lê Na, Hằng Ái Vy, Phạm Thị Thanh Thảo, Hoàng Lê Kim Ngân đều đã trở thành những cái tên thân thuộc với học viên Hitachi.

Từ năm 2013 đến đầu năm 2015, dịch vụ đào tạo vẫn được cung cấp thường niên cho khách hàng Hitachi nhưng với số lượng khiêm tốn hơn. Vì số lượng học viên còn ít nên dự án được thực hiện theo mô hình “góp gạo”, tức là khi có học viên sang thì các thành viên từ các bộ phận khác nhau gộp lại để thực hiện dự án,  sau khi dự án kết thúc, các thành viên trở lại với công việc chính ở bộ phận của mình.

Đến giữa năm 2015, với việc thực hiện thành công 2 khóa đào tạo mới có tên PM Internship và Global Market Leader in Medical Device cho hai khách hàng mới, trong vai trò PM của dự án, Hoàng Thị Lê Na đã đề xuất Ban Giám Đốc về việc thành lập SU HA để tập trung phát triển dịch vụ nhanh và mạnh hơn nữa. Đề xuất này sau đó được Ban giám đốc của FGA cũng như Ban giám đốc của FPT Software ủng hộ, SU HA được chính thức thành lập vào ngày 1/1.

Hình ảnh học viên tham gia một lớp học do SU HA tổ chức. Ảnh: Lê Na.

Hình ảnh học viên tham gia một lớp học do SU HA tổ chức. Ảnh: Lê Na.

Số lượng thành viên hiện tại của SU HA bao gồm 4 người: Hoàng Thị Lê Na, Trần Thị Nhật Lệ, Nguyễn Hữu Biết và Mai Nguyễn Hồng Thắm, với các vai trò linh hoạt thay phiên hỗ trợ lẫn nhau từ PM, PMA, Logistics, cho đến các công việc lạ như CCC (Corporate Culture Care - Chăm sóc văn hóa đoàn thể.), PKC (Professional Knowledge Care - Chăm sóc kiến thức nghề nghiệp), LC (Life Care - Chăm sóc đời sống)... Do đó, nhiệm vụ chính của nhóm trong thời gian đầu cho đến tháng 5 là tổ chức các hoạt động xây dựng tổ chức, quy trình, chính sách và lên các menu chương trình đào tạo. Từ tháng 5/2016, các thực tập sinh Nhật sẽ bắt đầu sang FPT Software để tham dự các khóa đào tạo do SU HA đứng ra tổ chức.

Giải đáp thắc mắc “Tại sao người Nhật lại sang Việt Nam đào tạo?”, chị Lê Na chia sẻ: “Trước hết, Việt Nam, so với Ấn Độ hay Philippines, có một số thuận lợi như không lệch múi giờ quá nhiều, an ninh an toàn, ẩm thực gần gũi với Nhật Bản, điều đã và đang mang lại cho Việt Nam những khách hàng Nhật Bản tiềm năng.  Ngoài ra, việc hầu hết nhân viên văn phòng có thể giao tiếp bằng tiếng Anh và một số chủ cửa hàng, khách sạn, tài xế taxi cũng sử dụng được tiếng Anh là lợi thế trong việc giúp học viên cải thiện khả năng sử dụng loại ngôn ngữ toàn cầu này".

Ngoài ra, Việt Nam hiện tại đang là lựa chọn yêu thích số 1 của các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc gia công phần mềm, trong tương lai khách hàng cần làm việc với các đội dự án offshore tại Việt Nam hoặc sang đây lưu trú một thời gian để làm việc cùng đội dự án. Việc tổ chức các khóa đào tạo thực tập thực tế tại dự án giúp các khách hàng Nhật hiểu một dự án offshore vận hành như thế nào, cách suy nghĩ, cách làm việc, thói quen làm việc/ sinh hoạt của người Việt Nam cũng như giúp họ làm quen với cuộc sống khác văn hóa. Những kiến thức được trang bị trước này rất bổ ích cho họ trong tương lai.

Học viên meeting với đội dự án của FPT Software. Ảnh: Lê Na.

Học viên meeting với đội dự án của FPT Software. Ảnh: Lê Na.

Không những thế, Việt Nam hiện nay không chỉ là điểm đến của các doanh nghiệp muốn tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân công giá rẻ mà còn đang chuyển mình thành một thị trường tiềm năng cho các sản phẩm CNTT. Đồng thời, xu hướng các doanh nghiệp Nhật tìm kiếm cơ hội bán sản phẩm CNTT vào thị trường ASEAN ngày càng tăng. Để chuẩn bị cho việc này, các khóa học Global Market Leader sẽ giúp trang bị cho các bạn lãnh đạo trong tương lai của Nhật cơ hội tiếp cận, tìm hiểu thị trường, kiểm chứng ý tưởng kinh doanh của mình.

"FPT Software có đội ngũ đào tạo, dịch vụ có kinh nghiệm làm việc với khách hàng Nhật. Hơn hết, chúng tôi không ngừng cải tiến dịch vụ và tự tin cung cấp được cho các bạn học viên trải nghiệm môi trường chuẩn quốc tế, môi trường đặc trưng thị trường Việt Nam và chương trình đào tạo phù hợp thiết kế riêng cho từng khách hàng Nhật. Đó là những điều kiện hết sức thuận lợi cho FPT Software triển khai dịch vụ đào tạo và chiêu đãi cho khách hàng Nhật Bản”, chị Lê Na cho hay.

Chia sẻ về lý do nhận học viên thực tập Nhật vào dự án, chị Lê Thu Hà, quản lý Z10.BU36 cho biết: “Thực tập sinh là người nước ngoài sẽ giúp tạo ra một môi trường làm việc mới mẻ, đa văn hóa, đa ngôn ngữ, tạo động lực cho các thành viên tăng cường việc học hỏi ngoại ngữ, cách thích ứng với môi trường mới. Bên cạnh đó, các thành viên trong dự án có thể học hỏi được nhiều điểm tích cực, hiệu quả trong công việc từ người Nhật như: tác phong chuyên nghiệp, có kế hoạch, đúng giờ, khả năng làm việc nhóm, sự chăm chỉ, cần cù và gắn bó vì công việc”.

Không chỉ có những lợi ích trên, việc nhận học viên Nhật vào các dự án của FPT Software cũng là một cách để khách hàng Nhật hiểu hơn về những thế mạnh công nghệ, quản lý của công ty, cảm nhận được sự thông minh, cần cù, thân thiện cũng như những điểm còn hạn chế của thành viên dự án, giúp rút ngắn khoảng cách giữa khách hàng và offshore.

“Sắp tới khi công ty chúng tôi thắng được đấu thầu với khách hàng, tôi muốn quay trở lại Việt Nam với tư thế là khách hàng của các bạn”, một học viên vừa kết thúc khóa thực tập PM vào tháng 3/2016 chia sẻ.

Thành Đô

Ý kiến

()