Chúng ta

Ngành CNTT Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn

Thứ năm, 7/5/2015 | 11:44 GMT+7

"Sự thiếu hụt nhân lực CNTT ở Nhật Bản chính là thời cơ để FPT Software đẩy mạnh quy mô nhân sự và doanh thu tại thị trường tiềm năng này", TGĐ FPT Software Nguyễn Thành Lâm nhận định.

Trong chuyên mục Công nghệ Đời sống phát sóng trên VTV1 lúc 8h sáng ngày 3/5, anh Nguyễn Thành Lâm và Tổng giám đốc Nissen Holdings (Nhật Bản) Ichiba Nobuyuki, đã chia sẻ về chương trình Go Japan - make it happen (thuộc dự án 10.000 BrSE) của đơn vị.

Với thời lượng 5 phút, TGĐ FPT Software đã nhấn mạnh tới thời cơ của công ty với việc trở thành đối tác chiến lược trong ngành CNTT của Nhật Bản. "Hiện tại có vài nghìn kỹ sư cầu nối CNTT của Việt Nam đang hợp tác với Nhật Bản với doanh thu khoảng 100 triệu USD và FPT Software có thể đẩy con số đó lên vài chục nghìn kỹ sư với doanh thu hàng tỷ USD trong những năm tới”, anh Lâm nhận định.

TGĐ FPT Software Nguyễn Thành Lâm tin tưởng, quá trình học tập tại Nhật Bản sẽ giúp học viên hiện thực hóa giấc mơ mang tri thức Việt Nam ra toàn cầu. Ảnh: FSO.

TGĐ FPT Software Nguyễn Thành Lâm tin tưởng, quá trình học tập tại Nhật Bản sẽ giúp học viên hiện thực hóa giấc mơ mang tri thức Việt Nam ra toàn cầu. Ảnh: FSO.

Theo anh, mỗi cá nhân tham gia chương trình này đều có cơ hội để học hỏi, tìm kiếm cơ hội về nghề nghiệp và thu nhập tốt. Vấn đề chính là khi trải nghiệm và thử sức tại môi trường chuyên nghiệp như Nhật Bản sẽ là thử thách rất lớn. "Nếu bỏ dở, các bạn sẽ thất bại, vì vậy, cần phải có quyết tâm thật cao để thành công", anh nói.

Đại diện đối tác Nhật Bản, ông Ichiba Noboyuki (TGĐ Nissen Holding. Ltd) chia sẻ: “Chúng tôi rất muốn và luôn sẵn sàng nhận những kỹ sư cầu nối được đào tạo từ chương trình 10.000 BrSE. Hiện tại đã có rất nhiều doanh nghiệp của Nhật đang sử dụng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước có nhiều nét tương đồng. Dù hiện tại công ty tôi chưa có nhân lực CNTT Việt Nam nhưng như đã nói, tôi luôn sẵn sàng nhận những kỹ sư cầu nối được đào tạo bởi chương trình này”.

Trong tháng 4 vừa qua, FPT Software cũng đã khai giảng lớp BrSE tại Học viện Meros, Nhật Bản với 43 học viên. Đây là bước đầu tiên trong việc hiện thực hóa giấc mơ sự nghiệp của học viên bằng hành động và quá trình cụ thể. Sau 1 năm, học viên sẽ trở thành một trong 10.000 Kỹ sư cầu nối của FPT Software nói riêng và của Việt Nam nói chung, bước ra môi trường làm việc quốc tế chuyên nghiệp nhiều thách thức, nhưng cũng đầy thú vị. Tại buổi lễ, đại diện Bộ Công thương và Công nghiệp Nhật Bản đã bày tỏ, Chính phủ Nhật sẽ hỗ trợ hết sức cho chương trình này.

Đào tạo 10.000 BrSE giai đoạn 2014-2018 là một trong hai chương trình được FPT công bố tại Nhật Bản vào tháng 11/2014. Mục tiêu nhằm giúp FPT nói riêng và các công ty CNTT của Việt Nam nói chung có đủ khả năng tiếp nhận lượng công việc ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) từ Nhật Bản, đồng thời giúp các công ty Nhật Bản có thêm nguồn kỹ sư CNTT trẻ.

Chương trình này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm thành công của chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối được FPT Software triển khai trong nhiều năm qua. Theo đó, dự kiến có khoảng 5.000 kỹ sư của chương trình được đào tạo theo hình thức du học tại Nhật Bản, 5.000 kỹ sư còn lại sẽ được đào tạo tại Việt Nam theo chương trình đào tạo cử nhân CNTT của Đại học FPT và đào tạo kỹ sư cầu nối của FPT Software.

Đối tượng mà chương trình hướng tới là các kỹ sư CNTT hoặc sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT tùy theo trình độ tiếng Nhật đầu vào sẽ tham gia chương trình đào tạo tiếng Nhật khoảng 6 tháng đến một năm tại Việt Nam hoặc Nhật Bản để đạt trình độ tiếng Nhật N2. Sau quá trình đào tạo, số lượng kỹ sư này sẽ được giới thiệu làm việc trực tiếp cho các công ty IT tại Nhật Bản hoặc làm việc trong các dự án với đối tác Nhật Bản của FPT tại thị trường Việt Nam. 

Trong thời gian đào tạo, Học viện Ngôn ngữ Meros và FPT Software cũng sẽ tìm kiếm việc làm thêm cho học viên. Theo đó, tùy vào thời gian đi làm thêm, các học viên có thể trả được 50-100% chi phí vay đi du học. Hiện FPT Software ký cam kết ba bên với Ngân hàng Tiên Phong và trường Meros về việc đảm bảo các vấn đề tài chính, chương trình đào tạo cho học viên.

Năm 2015, FPT Software sẽ đưa khoảng 500 học viên sang Nhật Bản đào tạo theo chương trình du học theo ba thời điểm là tháng 4, tháng 7 và tháng 10. Khóa khai giảng tháng 4 này là khóa đào tạo đầu tiên của năm 2015 nói riêng cũng như của toàn bộ Chương trình Đào tạo BrSE tại Nhật Bản nói chung của FPT Software. 43 học viên phần lớn là những người có ít nhất 2 năm kinh nghiệm và có trình độ tiếng Nhật từ N5 trở lên. 

Song song với việc đào tạo BrSE tại Nhật Bản, FPT Software đẩy mạnh đào tạo nhân viên nội bộ. Dự kiến trong năm 2015, FPT Software sẽ trực tiếp đào tạo 1.000 BrSE.

Trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT, Nhật Bản luôn được xem là thị trường quan trọng số một, mang lại sự tăng trưởng ổn định và bền vững. Hiện FPT Japan có 3 văn phòng với số lượng nhân viên sẽ đạt 500 người vào cuối năm 2015. 

Trong năm 2014, doanh thu từ thị trường Nhật Bản chiếm hơn 50% trong tổng doanh thu của FPT Software, tương đương gần 70 triệu USD. Mục tiêu năm nay, doanh thu từ thị trường Nhật Bản tăng trưởng 40% so với năm 2014.

Thanh Nga

Ý kiến

()