Chúng ta

Ngân hàng quản lý 360 tỷ USD trở thành cổ đông nhà F

Chủ nhật, 24/9/2017 | 11:47 GMT+7

Macquarie Bank Limited vừa nhận chuyển nhượng hơn 3,1 triệu cổ phiếu FPT từ nhóm Dragon Capital.

Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam vừa thông báo đã thực hiện chuyển quyền sở hữu 3.131.270 cổ phiếu FPT cho Macquarie Bank Limited. Ngày hiệu lực chuyển quyền là 21/9.

1a0fpt-ava-9701-1506057380.jpg

Chi tiết thương vụ chuyển nội khối ngoại.

Theo đó, 4 quỹ Wareham Group Limited, Norges Bank, DC Developing Markets Strategies Public Limited Company và Cam VietNam Mother Fund đã chuyển nhượng số cổ phần trên cho Macquarie Bank Limited.

Macquarie Bank Limited cũng là cổ đông của khá nhiều tên tuổi ở Việt Nam. Ngân hàng này là thành viên của Macquarie Capital, nhà cung cấp toàn cầu các dịch vụ về ngân hàng, tài chính, tư vấn, đầu tư và quản lý quỹ với hơn 70 văn phòng trên toàn thế giới. Macquarie hoạt động từ năm 1969 với vai trò là Ngân hàng thương mại Hill Samuel Australia (HSA) - công ty con Hill Samuel & Co. Limited, London. Vào cuối tháng 2/1985, HAS trở thành Ngân hàng Macquarie - Macquarie Bank Limited).

Đến tháng 7/2014, Macquarie Bank Limited được niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Australia (Australian Securities Exchange - ASX) và vào chỉ số ASX's All Ordinaries Index với giá trị vốn hóa khoảng 1.3 tỷ AUD.

Hiện Macquarie Capital hoạt động trên 28 quốc gia với tổng tài sản quản lý gần 360 tỷ USD.

1464075097712-1154-1506057380.jpg

Macquarie Bank có trụ sở tại Sydney, Australia.

Do mã FPT luôn cạn room khối ngoại nên các nhà đầu tư chỉ còn cách mua nội khối. Hồi tháng 7, nhà đầu tư NTAsset có tổng giá trị tài sản gần 1 tỷ USD vừa trở thành cổ đông ngoại nhà F. Mới đây, ngày 6/9, 2 quỹ Norges Bank và Amersham Industries Limited cũng đã chuyển quyền sở hữu 350.000 cổ phiếu FPT cho Lloyd George Indian Ocean Master Fund.

Mã FPT đang có loạt phiên 4 tăng liên tiếp, từ mức giá 48.200 đồng ngày 15/9 lên 49.400 đồng ngày 22/9. Ngày 22/9, mã FPT giao dịch quanh mốc 50.000 đồng. Ngày 31/8, cổ đông FPT nhận hơn 530 tỷ đồng cổ tức tạm ứng lần 1 năm 2017.

Kết thúc 8 tháng năm 2017, các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của FPT đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Doanh thu hợp nhất đạt 27.340 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 100% kế hoạch lũy kế 8 tháng. Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 1.992 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, tương đương 100% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.697 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.

Các khối kinh doanh cốt lõi đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của khối Công nghệ và khối Viễn thông tăng lần lượt là 28% và 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 8, FPT đã hoàn tất việc bán 30% cổ phần tại Công ty Cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail). Tiếp theo, FPT dự kiến chào bán 10% cổ phần FPT Retail cho các nhà đầu tư cá nhân, thực hiện thông qua IPO và niêm yết cổ phiếu đơn vị Bán lẻ này tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM muộn nhất vào tháng 4/2018.

Cũng vào đầu tháng 9, ở lĩnh vực phân phối, FPT đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư với Tập đoàn Synnex. Theo đó, Synnex - tập đoàn có doanh thu 33 tỷ USD và là nhà phân phối thiết bị công nghệ thông tin, viễn thông và linh kiện điện tử lớn thứ ba trên thế giới sẽ sở hữu 47% tại công ty TNHH Thương mại FPT - FPT Trading.

Ngay sau quyết định thoái vốn tại FPT Retail và FPT Trading của tập đoàn, một loạt công ty chứng khoán đã ra báo cáo phân tích đánh giá triển vọng của FPT với dự báo tích cực.

Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC) trong báo cáo mới công bố đã đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu FPT với mức giá dự kiến đạt 60.000 đồng trong ngắn hạn và 65.000 đồng trong dài hạn, tương ứng tỷ suất sinh lời tăng 25% và 35%.

Theo HSC, doanh thu của FPT có thể giảm 51% trong năm 2018 còn khoảng 1 tỷ USD, nhưng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế vẫn là con số dương. Động lực đến từ dự báo doanh thu và lợi nhuận mảng gia công phần mềm và dịch vụ viễn thông tăng trưởng trên 20%.

Cũng đưa ra mức dự báo khá tương đồng với HSC, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng việc thoái vốn tại mảng phân phối và bán lẻ của FPT sẽ tạo động lực cho công ty tập trung phát triển sâu vào mảng công nghệ và viễn thông - đưa hai lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới.

VCSC dự báo thị trường Nhật Bản sẽ tiếp tục là nguồn tăng trưởng chính của mảng xuất khẩu phần mềm trong tương lai. Dự báo doanh thu từ thị trường này sẽ đạt tăng trưởng 30% trong năm 2017 nhờ FPT tiếp tục đầu tư vào nhân lực và khối lượng công việc tăng. Lĩnh vực này cũng dự kiến có mức tăng trưởng cao nhất với tỷ lệ gần 18%.

Với doanh thu, lợi nhuận được đóng góp chủ yếu từ các lĩnh vực công nghệ - viễn thông và các dự án công nghệ được đầu tư thích đáng, hình ảnh FPT - một tập đoàn công nghệ mang tầm quốc tế sẽ được định hình ngày càng rõ nét hơn trong con mắt nhà đầu tư và đối tác.

>> Bộ trưởng Slovakia: 'FPT là ví dụ thành công cần nhân rộng'

Nguyên Văn

Ý kiến

()