Chúng ta

Myanmar đặt niềm tin vào 'đám mây’

Chủ nhật, 3/2/2013 | 17:15 GMT+7

Myanmar sẽ xem xét để khắc phục sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng bằng cách sử dụng hệ thống máy tính dựa trên điện toán đám mây nhằm liên kết các cơ quan chính phủ và hành chính công.
> Call Center cũng ‘lên mây’

Tập đoàn Daiwa Securities của Nhật Bản sẽ là chủ dự án trị giá 380 triệu USD này với mục đích đưa Myanmar thoát ra khỏi thời kỳ tăm tối về ứng dụng công nghệ để lên một mức độ ngang bằng với các nước láng giềng trong khu vực.

“Hệ thống điện toán đám mây sẽ liên kết các cơ quan hành chính nhà nước, hệ thống ngân hàng cũng như các tổ chức khác thành một hệ thống trung tâm dữ liệu ‘một cửa’ tiện lợi cho người sử dụng, một hệ thống được bảo vệ bởi các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất”, người phát ngôn của Daiwa cho biết.

d

Với điện toán đám mây, Myanmar mong muốn thoát ra khỏi thời kỳ tăm tối về công nghệ để lên một mức độ ngang bằng với các nước láng giềng trong khu vực. Ảnh: Internet.

Theo Manish Bahl, nhà cung cấp chiến lược và phân tích thị trường của công ty nghiên cứu công nghệ Forrester Research, người đã xem xét việc sử dụng mô hình điện toán đám mây tại các bộ máy chính phủ trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong hệ thống máy tính dựa trên nền tảng điện toán đám mây của chính phủ, “tổ chức cơ sở hạ tầng xuất hiện như một trung tâm dữ liệu nội bộ, trong khi việc thiết lập cơ sở hoàn toàn từ một nguồn bên ngoài”.

Singapore được xem như nhà tiên phong trong việc áp dụng công nghệ điện toán đám mây vào bộ máy chính phủ. Công ty viễn thông Singtel đã trúng thầu dự án này vào tháng 5/2012. Mặc dù đã đưa ra nhiều tín hiệu tích cực, Myanmar vẫn còn một chặng đường dài phía trước để có thể đạt được trình độ công nghệ ngang tầm với quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á này.

Theo khảo sát Báo cáo đánh giá về chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc năm 2012, Myanmar xếp hạng 160/190 quốc gia thành viên. Chỉ số “eParticipation” (chỉ số đánh giá hiệu quả của chính phủ điện tử) chỉ đạt 0,2703 điểm so với mức trung bình của thế giới là 0,4877.

Nhiều cơ quan chính phủ Myanmar cho đến nay vẫn chưa thiết lập trang web riêng. Nguyên nhân được đưa ra là do độ phủ sóng Internet vẫn còn hạn chế khi chỉ có 0,03% dân số có thuê bao Internet băng thông rộng.

Ngược lại, Singapore đứng vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng thế giới với số điểm 0,8474. Châu Á nhìn chung trong tổng thể vẫn là khu vực đứng đầu bảng xếp hạng này với 3 trong số 20 chính phủ điện tử hàng đầu đến từ khu vực này.

Daiwa hy vọng, qua dự án này, Myanmar sẽ thoát khỏi tình trạng tụt hậu. Cũng theo báo cáo trên, trong khoảng thời gian 2010-2012 Myanmar đã tụt 19 hạng.

Thị trường CNTT của Myanmar đang mở ra rất nhiều cơ hội cho FPT. Ảnh: Internet.

Thị trường CNTT của Myanmar đang mở ra rất nhiều cơ hội cho FPT. Ảnh: Internet.

Daiwa cũng tin rằng, với điện toán đám mây, Myanmar sẽ giải quyết được tình trạng nguồn cung cấp điện không ổn định, đặc biệt là vào mùa khô, khi thủy điện là nguồn cung cấp điện năng chính của nước này.

“Với việc đưa tất cả "lên mây", người sử dụng sẽ được tận hưởng nhiều loại hình dịch vụ phong phú hơn với ít thiết bị phần cứng hơn. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tốn ít chi phí đầu tư cũng như điện năng hơn. “‘Đám mây’ sẽ được thiết kế để phù hợp với các nhu cầu khác nhau, cũng như phù hợp với điều kiện của từng địa phương”, theo lời người phát ngôn của Daiwa.

Ông Bahl cũng đồng tình rằng, điện toán đám mây là sự lựa chọn phù hợp nhất cho tình hình hiện nay của Myanmar, và đây chính là điểm khởi đầu cho sự phát triển xa hơn trong tương lai.

“Kể từ khi mở cửa, đây chính là cơ hội tuyệt vời cho Myanmar khi bỏ qua phân khúc cơ sở hạ tầng ICT, quá độ lên một bước tiến bộ hơn bằng việc tập trung vào cơ sở hạ tầng ảo dựa trên nền điện toán đám mây. Điều này sẽ giúp đất nước tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả trong việc phát triển cơ sở hạ tầng mà không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, khả năng kiểm soát và bảo mật dữ liệu”, ông Bahl cho biết.

Tuy nhiên, hệ thống đám mây cũng gặp không ít sự chỉ trích. Hồi đầu tháng 1/2013, tại một sự kiện được tổ chức tại Washington, đồng sáng lập Apple, ông Steve Wozniak, đã khiến ngành công nghiệp máy tính "nổi sóng" vì công khai chỉ trích sự thay đổi gần đây với hệ thống điện toán đám mây khi cho rằng ông đã nhìn thấy trước “những vấn đề khủng khiếp” sẽ xảy ra trong những năm tới.

Mặc dù vậy, ông Wozniak đã không chỉ ra được những vấn đề cụ thể có thể phát sinh mà ông quan tâm như quyền sở hữu và kiểm soát.

Liên Hợp Quốc cũng lưu ý rằng, bảo mật là một trong những vấn đề tiềm tàng với các quốc gia áp dụng công nghệ mới này.

“Một trong những thách thức chính đối với các đối tượng áp dụng công nghệ điện toán đám mây chính là sự toàn vẹn của hệ thống dịch vụ, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư cũng như môi trường pháp lý. Các nước vẫn phải tiếp tục cải cách trong quản trị hệ thống và tập trung vào việc tăng cường các mối liên kết thể chế”, báo cáo cảnh báo.

Na Vy (theo MMTimes)

Ý kiến

()