Chúng ta

M&A viết tiếp giấc mơ tăng trưởng

Thứ năm, 25/9/2014 | 08:56 GMT+7

Thực hiện thành công hai thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) là một dấu ấn đặc biệt trong năm thứ 26 của lịch sử phát triển FPT và mở ra giai đoạn mới - tiến ra biển lớn bằng M&A.
> Một chương nhạc mang tên Kosice

FPT vừa tạo tiếng vang trong ngành CNTT Việt Nam khi tiến hành mua lại RWE IT Slovakia, công ty thành viên của RWE, tập đoàn có doanh thu 70 tỷ USD trong lĩnh vực hạ tầng. “Về công nghệ, người Slovakia nghe nhiều đến Nhật Bản, Hàn Quốc, nên việc FPT, một doanh nghiệp Việt Nam, mua lại một công ty tại Slovakia là sự kiện gây tiếng vang lớn tại đây”, Giám đốc FPT Slovakia Nguyễn Khải Hoàn cho biết. 

Đây là thương vụ M&A tại nước ngoài đầu tiên của FPT nói riêng và Việt Nam nói chung. Theo Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình, thương vụ này đã mở ra giai đoạn mới trong chiến lược toàn cầu hóa của tập đoàn là tiến ra ngoài biên giới bằng M&A.

slovakia2-259592-1413031229.jpg

RWE IT Slovakia được thành lập năm 2004, hiện có 300 nhân viên, trong đó phần lớn là các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực SAP. Ban lãnh đạo FPT mong muốn, các chuyên gia này sang Việt Nam và ngược lại để tạo ra những nhóm làm việc không biên giới, nhằm thuyết phục mô hình "best shore" cho các công ty trên thế giới. Ảnh: FPT Software.

Ở thị trường trong nước, FPT cũng hoàn tất việc mua 123Mua.vn, trang thương mại điện tử của VNG. TGĐ Sendo.vn Trần Hải Linh nhìn nhận, việc sáp nhập này giúp Sendo có độ phủ gần như 100% toàn bộ thị trường Internet Việt Nam, tiến gần tới mục tiêu đưa FPT dẫn đầu về thương mại điện tử trong nước.

Có thể nói, M&A là việc tất yếu của FPT khi muốn đẩy mạnh tốc độ phát triển. Bởi theo TGĐ Bùi Quang Ngọc, nhiều ngành nghề kinh doanh của FPT đã đi đến một số giới hạn do hạn chế ngành hàng, hạn chế thị phần hay địa lý.

Nhiều năm liền, “Quả đấm thép” FPT IS đã chiếm vị trí số một ở lĩnh vực tích hợp hệ thống và có khoảng cách rất xa so với những công ty cùng ngành. Trong lĩnh vực viễn thông, FPT Telecom cũng khá vất vả để duy trì vị thế trong cuộc đua tam mã với VNPT và Viettel. Dù đạt được doanh thu lớn nhưng mảng phân phối, bán lẻ của tập đoàn liên tục gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của đối thủ.

Trong bối cảnh đó, các công ty thành viên tập đoàn vẫn buộc phải tăng trưởng. Cùng với những cách làm truyền thống thì M&A là một hướng đi sáng để FPT phát triển bằng nhiều chân. Đẩy mạnh hoạt động mua bán sáp nhập, nhất là với những công nghệ, giải pháp mà FPT chưa có hoặc chưa mạnh, theo anh Ngọc, là cách để FPT tiến xa hơn.

Với thương vụ RWE IT Slovakia, FPT đã mua năng lực công nghệ khi sở hữu 300 chuyên gia. Thương vụ này cũng cho FPT một khách hàng lớn (doanh thu của RWE là 70 tỷ USD, chi tiêu cho IT hằng năm gần 1 tỷ USD) và có cơ hội tham gia cung cấp dịch vụ cho lĩnh vực mới là Utility (hạ tầng gồm điện, nước, gas…) không chỉ tại thị trường châu Âu mà còn ở thị trường khác trên toàn cầu như Mỹ, Nhật.

Mua RWE IT Slovakia giúp FPT nâng cao một cách đáng kể năng lực tư vấn những giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp SAP cho các công ty hạ tầng. Đồng thời, đem lại loại hợp đồng mà FPT đang vươn tới - hợp đồng cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin tổng thể dài hạn (tức là cung cấp dịch vụ từ khâu tư vấn, triển khai đến bảo trì, bảo dưỡng) với khoản doanh thu kỳ vọng 80 triệu USD trong vòng 5 năm.

“Chúng tôi đang kỳ vọng với thương vụ này, đến năm 2015, thị trường châu Âu, mà Đức là trọng tâm, sẽ có sự tăng trưởng đột biến. Tỷ trọng đóng góp doanh thu cho FPT Software sẽ tăng từ 10% (năm 2013) lên khoảng 20% (2015). Châu Âu, Nhật, Mỹ sẽ là ba thị trường trọng điểm, tạo thành thế kiềng ba chân giúp công ty phát triển bền vững”, anh Nguyễn Khải Hoàn nói.

Tương tự, việc sáp nhập 123Mua.vn giúp cho FPT có độ phủ gần như 100% toàn bộ thị trường Internet Việt Nam. Là sản phẩm thương mại điện tử của VNG, được bình chọn trong Top 5 website thương mại điện tử uy tín, chất lượng nhất tại Việt Nam, 123Mua sở hữu lượng khách hàng đông, số người truy cập website từ 5,5 đến 6 triệu người/tháng, trong đó mỗi tháng 123Mua có khoảng 2.500 gian hàng mới đăng ký. Trên trang web này có 80.000 sản phẩm dành cho giới trẻ được bày bán.

Trong khi đó, Sendo.vn là sàn thương mại điện tử của FPT có số lượng và giá trị giao dịch lớn hàng đầu trên thị trường Việt Nam, cung cấp nhiều dịch vụ tiên tiến cho khách hàng. 

Kết hợp hai trang thương mại điện tử, FPT sẽ có cả hai mô hình kinh doanh là truyền thống (tập trung xây dựng lưu lượng người dùng vào trang, nhằm giới thiệu cửa hàng cho người mua) và giao dịch đảm bảo. Đây là mô hình giao dịch đang tăng trưởng rất nhanh, và trong tương lai gần, sẽ là mô hình chủ đạo của thương mại điện tử Việt Nam.

“Không chỉ cung cấp một lượng hàng hóa khổng lồ của hàng nghìn shop để người mua lựa chọn, Sendo.vn còn cung cấp các dịch vụ thanh toán và vận chuyển do FPT đảm bảo. 100% đơn hàng mà người tiêu dùng mua trên Sendo.vn đều được thực hiện theo phương thức Mua bán đảm bảo do FPT giao nhận và thanh toán. Điều này cho phép Sendo.vn đánh giá toàn diện, chính xác về các gian hàng trên sàn và đưa ra tư vấn hợp lý cho khách hàng lựa chọn sản phẩm uy tín, chất lượng”, anh Linh chia sẻ.

Thực tế, không phải bây giờ FPT mới nghĩ đến M&A. Trong 5 năm trở lại đây, FPT đã thực hiện mua bán - sáp nhập, tuy nhiên, các thương vụ đều chưa thành công như mong muốn. Giai đoạn này, FPT tiếp tục tìm kiếm những cơ hội M&A khi thị trường có những tín hiệu đáng mừng.

Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, John Ditty, tại “Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2014 - Làn sóng thứ hai” do Báo Đầu tư tổ chức, nhận định rằng, hoạt động M&A tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ trong những năm tới khi nền kinh tế đang phục hồi; quá trình cải cách thể chế, tái cấu trúc nền kinh tế đang là xu hướng gia tăng hoạt động M&A trên phạm vi toàn cầu.

Nhóm cán bộ kỹ thuật của 123Mua và Sendo tiếp xúc bàn công việc ngay khi Ban lãnh đạo thông báo về thương vụ vừa được ký kết chiều ngày 7/7. Ảnh: Nghệ Nguyễn.

Nhóm cán bộ kỹ thuật của 123Mua và Sendo tiếp xúc bàn công việc ngay khi Ban lãnh đạo thông báo về thương vụ vừa được ký kết chiều ngày 7/7. Ảnh: Nghệ Nguyễn.

Những yếu tố quan trọng này có thể tạo nên làn sóng M&A lần thứ hai tại Việt Nam, đặc biệt hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước thông qua việc cổ phần hóa và thoái vốn. Ông John Ditty dự báo, xu hướng sẽ tăng trở lại vào năm 2015 khi các bên bán có những kỳ vọng thực tế hơn và tính minh bạch cao hơn. Trọng tâm M&A vẫn là ngành tài chính, bảo hiểm, viễn thông, hàng tiêu dùng. Trong vài năm qua, nhà đầu tư Việt Nam và quốc tế đã thực hiện nhiều giao dịch khác nhau, đây là điều quan trọng để duy trì hoạt động M&A và đúc kết kinh nghiệm. Việt Nam đang có những doanh nghiệp rất mạnh được nhà đầu tư trong lĩnh vực M&A quan tâm.

Hiện tại, vẫn còn sớm để đánh giá những thương vụ trên có cho mùa vụ bội thu hay không, nhưng FPT sẽ dành 50 triệu USD cho M&A trong năm nay. Tập đoàn tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mua bán - sáp nhập với những công ty về công nghệ, thị trường hoặc dịch vụ để không chỉ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng mà còn viết tiếp giấc mơ còn dang dở.

Thanh Nga

Ý kiến

()