Chúng ta

Lương tối thiểu của kỹ sư CNTT tại Nhật là 2.000 USD

Thứ sáu, 15/4/2016 | 10:36 GMT+7

Số tiền nhận được hằng tháng sau tốt nghiệp của các học viên BrSE phụ thuộc vào khả năng của mỗi người. Trong đó, đối với người mới ra trường, thu nhập một năm khoảng trên dưới 600 triệu đồng và tăng lên dựa theo kinh nghiệm làm việc của ứng viên. 

Nhật Bản đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư cầu nối, những người có kinh nghiệm về chuyên môn và thành thạo tiếng Nhật. Giúp các công ty Nhật Bản có thêm nguồn kỹ sư CNTT trẻ, trong giai đoạn 2015-2020, FPT Software triển khai Chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối. Theo đó, sẽ có 5.000 học viên được đào tạo tại Nhật Bản trong 12 tháng tại hệ thống trường Meros và 5.000 học viên được đào tạo theo chương trình nội bộ của FPT Software.

Cựu học viên BrSE khóa 1 Phùng Hòa Bình cho biết, tại Nhật Bản, mức lương của ứng viên mới đi làm phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng tiếng Nhật, kinh nghiệm làm việc, khả năng học hỏi, sự phù hợp với công ty, mức độ quan trọng của vị trí ứng tuyển… Thông thường, ứng viên không cần lo lắng nhiều vì luật pháp nước này đã quy định mức lương tối thiểu. Đối với người mới ra trường thì thu nhập một năm vào khoảng trên dưới 600 triệu đồng.

Giám đốc chương trình Quách Liễu Hoàn cho rằng, điều quan trọng nhất là ứng viên cần xác định rõ mục tiêu muốn đạt được trong ngắn hạn và dài hạn sau khi tham gia chương trình

Giám đốc chương trình 10.000 BrSE Quách Liễu Hoàn cho rằng, điều quan trọng nhất là ứng viên cần xác định rõ mục tiêu muốn đạt được trong ngắn hạn và dài hạn sau khi tham gia chương trình.

Khi đi xin việc ở Nhật, mọi người sẽ được nhận chế độ giống với người Nhật, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Mức lương cơ bản là 2.000 USD/ tháng ngoài ra có hỗ trợ một phần hoặc toàn phần tiền tàu và tiền thuê nhà nên thực tế mức lương cơ bản rơi vào khoảng 2.500 USD/tháng. Những ứng viên có khả năng kỹ thuật cao vượt trội hẳn thì sẽ nhận mức lương cao hơn khoảng 3.000 USD/tháng. 

Về kinh nghiệm xin việc tại Nhật, Hồ Anh Đức, cựu học viên khóa 2, đang làm việc tại SBI Holding, chia sẻ, ứng viên cần có sự lạc quan vì thực tế xin việc rất khó khăn. Thất bại, trượt phỏng vấn liên tục, hay việc cạnh tranh với quá nhiều bạn trong cùng một khóa, nên nếu không có sự lạc quan, ứng viên dễ bị chán nản dẫn đến kết quả xấu. "Phải có sự tự tin. Khi bạn nghĩ trong đầu: Sẽ làm được! hoặc Nhất định lần này mình sẽ đậu! thì các bạn sẽ có thêm 20% khả năng đậu. Một thái độ cực kì nghiêm túc trong việc xin việc tại Nhật Bản, chính là thể hiện ở việc chuẩn bị một bộ CV hoàn chỉnh, ăn mặc chỉnh tề, cách đi đứng phải được luyện tập thường xuyên sao cho tự nhiên nhất, chuẩn Nhật nhất có thể", Đức nói.

Công việc ở Nhật thường tỉ lệ thuận với thời gian và khả năng. Khi ứng viên quen với công việc thì sẽ được làm những việc có vai trò quan trọng hơn trách nhiệm hơn. Một lưu ý là môi trường này là các công ty Nhật đòi hỏi ứng viên đáp ứng kỹ năng kỹ thuật, lẫn khả năng giao tiếp làm việc bằng tiếng bản địa. Bởi vậy, ứng viên cần phải cố gắng trong quá trình học tiếng Nhật ở Việt Nam cũng như ở Nhật, và cả sau khi đậu phỏng vấn vào làm việc tại các công ty địa phương. 

Hồ Anh Đức, học viên khóa 2 đặc cách tốt nghiệp trước 03 tháng hiện đang làm việc tại SBI Holdings Nhật Bản.

Từ trái qua: Phùng Hòa Bình, Nguyễn Việt Linh, cựu học viên BrSE khóa 1 đang làm việc tại Nhật Bản. Hồ Anh Đức, học viên khóa 2 đặc cách tốt nghiệp trước 3 tháng hiện đang làm việc tại SBI Holdings Nhật Bản.

Khi tham gia chương trình 10K BrSE của FPT Software, ứng viên sẽ được chuẩn bị về kỹ năng xin việc cũng như tìm kiếm việc làm phù hợp với năng lực chuyên môn, trước khi tốt nghiệp khoảng 4 tháng và sau khi tốt nghiệp. Công ty sẽ sắp xếp và tổ chức các chương trình hội chợ việc làm, hướng dẫn cách viết CV xin việc, được phỏng vấn và gặp gỡ trực tiếp với các nhà tuyển dụng Nhật Bản. Sau khi tốt nghiệp, học viên có quyền lựa chọn nơi làm việc phù hợp nhất với định hướng và mong muốn của mình.

Ngoài ra, để tăng thêm thời gian học tập tiếng Nhật cho học viên, chương trình đang nghiên cứu triển khai thêm thời gian đào tạo 3 tháng tập trung tại Việt Nam, dự kiến sẽ áp dụng cho khóa tháng 10/2016. Như vậy tổng thời gian đào tạo dự kiến sắp tới của chương trình sẽ là 1 năm 3 tháng. Trong đó có 3 tháng đào tạo tại Việt Nam và 1 năm đào tạo tại Nhật Bản.

Trước đó, sau khi hoàn tất thủ tục nhập học, chương trình cũng giúp học viên tìm kiếm việc làm thêm. Ở Nhật có rất nhiều công việc để lựa chọn, nhưng để có thời gian học thì ứng viên nên chọn làm quán ăn. Công việc tương đối nhẹ nhàng mà có thời gian giao tiếp với người Nhật . 

Nguyễn Việt Linh, cựu học viên khóa 1, Kỹ sư cầu nối tại công ty GNEXT Nhật, tiết lộ, lương trung bình cho mỗi giờ làm thêm ở Tokyo là khoảng 200.000 đồng, mỗi tuần bạn được làm tối đa 28 tiếng theo luật của Nhật. Tính ra nếu đi làm đều mỗi tháng bạn nhận được khoảng hơn 20 triệu đồng.  Đối với Linh, sau khi kết thúc một năm, ngoài số tiền chi phí cho cuộc sống mới ở Nhật sau khi tốt nghiệp thì cậu còn dư ra một khoản bằng khoảng 20% khoản vay. 

Các học viên khóa 1 của chương trình BrSE đều đã tìm được việc làm tại Nhật và Việt Nam sau khi tốt nghiệp.

Các học viên khóa 1 của chương trình BrSE đều đã tìm được việc làm tại Nhật và Việt Nam sau khi tốt nghiệp.

Giám đốc chương trình Quách Liễu Hoàn cho rằng, điều quan trọng nhất là ứng viên cần xác định rõ mục tiêu muốn đạt được trong ngắn hạn và dài hạn sau khi tham gia chương trình là gì. Bởi nếu chỉ nhắm vào thu nhập thì ứng viên sẽ giới hạn các cơ hội để có thể học tập/phát triển hơn trong sự nghiệp tương lai. Điều này cũng làm ứng viên dễ nản lòng, bỏ cuộc khi gặp khó khăn.

Hiệu trưởng trường Nhật ngữ Lapis, đại diện Học viện Ngôn ngữ MEROS (Nhật Bản) Nguyễn Thị Bích Thuỳ cam kết, học viên tham gia 10K BrSE sẽ được bố trí học 4 tiết/ ngày và học từ thứ 2 đến thứ 6. Trường sắp xếp ký túc xá cho học viên. Tuy nhiên, tùy theo nhu cầu và chi phí của mình, học viên có thể lựa chọn phòng từ 1-4 bạn/phòng. Trong quá trình học tập và sinh hoạt tại Nhật, nếu có sự khó khăn nào học viên trao đổi với trường để được hỗ trợ. "Đây là chương trình đặc biệt được thế kế riêng cho chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối, do đó thời gian đầu các bạn sẽ được tổ chức thành lớp riêng cho các học viên cùng tham gia chương trình. Tuy nhiên, nếu các bạn có trình độ tiếng Nhật cao hơn trong lớp sẽ được xếp vào các lớp khác có những học viên đến từ nhiều nước khác nhau".

Nội dung học được xây dựng theo tiêu chí đảm bảo: trình độ tiếng Nhật tương đương N2, có thể xin được việc làm ở Nhật, có thể làm việc được ở một môi trường nhiều quy tắc và lễ nghi là Nhật Bản và đủ vốn từ vựng cơ bản để có thể làm việc trong lĩnh vực IT.

10.000 Kỹ sư Cầu nối là chương trình trọng điểm của FPT Software trong giai đoạn 2015-2020. Điều kiện tham gia là các ứng viên phải tốt nghiệp đại học hoặc chuẩn bị tốt nghiệp chuyên ngành CNTT, Lập trình phần mềm, kỹ thuật máy tính, điện tử viễn thông hoặc có chứng chỉ FE (Fundamentals of Engineering Certification) là chứng chỉ cơ bản đạt chuẩn kỹ sư CNTT của Nhật Bản. 

Về tài chính, FPT Software sẽ bảo lãnh cho học viên. Nếu học viên có thể tự chuẩn bị được tài chính, không cần vay ngân hàng thì không vấn đề gì. Học viên sẽ vẫn được hưởng các quyền lợi như những người khác khác khi tham gia chương trình. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là học viên cũng phải tuân thủ các Điều lệ chương trình giống như mọi người.

Hiện, chương trình đã đưa hơn 400 học viên sang Nhật đào tạo theo 3 thời điểm nhập học là tháng 4, tháng 7 và tháng 10; đào tạo gần 700 Kỹ sư cầu nối theo chương trình đào tạo nội bộ của công ty. Tính đến tháng 4/2016, chương trình đã đưa hơn 100 học viên sang Nhật đào tạo.

Những chia sẻ của các diễn ra nằm trong khuôn khổ buổi tư vấn trực tuyến Chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE) với sinh viên CNTT, diễn ra vào 14h ngày 13/4 trên báo Dân Trí. Khách mời của chương trình là Giám đốc Chương trình 10.000 Kỹ sư Cầu nối Quách Liễu Hoàn (FPT Software); Hiệu trưởng trường Nhật ngữ Lapis Nguyễn Thị Bích Thuỳ cùng 3 học viên đã tốt nghiệp khóa 1, gồm: Phùng Hòa Bình, Kỹ sư Cầu nối tại SBI Holdings; Nguyễn Việt Linh, Kỹ sư Cầu nối tại GNext; và Hồ Anh Đức, Kỹ sư CNTT tại SBI Holdings.

Tiểu Thanh

Ý kiến

()