Chúng ta

Kỷ nguyên SMAC đe dọa sự tồn tại của báo in

Thứ ba, 27/1/2015 | 08:09 GMT+7

"SMAC đã thay đổi nguy hiểm và thách thức cho truyền thông và quảng cáo", Tổng biên tập báo điện tử VnExpress, báo cáo viên chương trình TGB on Seminar Leadership số 7, nhận định.

Ở Việt Nam, vào những năm 2000 trở về trước, khi Internet chưa được phát triển mạnh, độc giả biết đến thế giới bên ngoài qua con đường duy nhất là báo chí. Báo chí khi ấy tồn tại ở dạng "đóng gói", theo đó, mỗi người sẽ tự tìm thấy những chuyên mục bản thân ưa thích trong vô vàn nội dung được đăng tải.

Sự khan hiếm thông tin đã đưa báo chí truyền thống giữ vị thế cao trong nhiều năm. Tuy nhiên, ngày nay, cùng với sự phát triển của Internet và công nghệ, mà chủ yếu là SMAC (Social - Mobility - Analytic - Cloud), vị thế đó đã thay đổi hoàn toàn.

DSCF1122-JPG-3468-1422269361.jpg

Anh Thắng đánh giá SMAC đã thách thức tới truyền thông một cách nguy hiểm.

"Những phương tiện truyền thông bằng nhiều hình thức sẽ thay thế báo chí trong việc cung cấp thông tin. Chỉ khoảng 5 năm nữa, nội dung báo chí không còn được đóng gói mà sẽ được khu biệt lại giới hạn, những nội dung khác sẽ do những hình thức khác đảm nhận", anh Thang Đức Thắng nói.

Sự suy kiệt của các tờ báo giấy khi ấy không còn là câu chuyện đồn đoán mà được báo trước bởi chính SMAC. Theo khảo sát của Ofcom, tỷ lệ người đọc báo giấy thấp và không xuất hiện trong lứa tuổi 16-32, chỉ xuất hiện chủ yếu ở độ tuổi từ 54 trở lên. Để thoát khỏi sự "xóa sổ lạnh lùng" này, trên thế giới đang hình thành 3 hình mẫu tòa soạn: "The Supermarket Intend" (nội dung có chủ đích theo người đọc); "The Supermarket Interest" (nội dung thú vị) và "The niche model" (nội dung ngách - chuyên sâu).

Đối với quảng cáo, SMAC cũng làm thay đổi hình thức này, tuy nhiên theo kịch bản có lợi hơn. Khảo sát của Tổ chức các Tổng Biên tập thế giới cho thấy, số người đọc báo số cao hơn rất nhiều so với báo in. Đặc biệt, tỷ lệ đọc báo số ở Việt Nam rất cao.

Trước khi SMAC xuất hiện, việc bán hàng (sale) và marketing được chia làm 2 mảng độc lập. Chỉ có duy nhất trong mô hình bán lẻ (shop), đâu đó nhen nhóm mô hình sale và marketing mới được kết hợp với nhau, tạo ra hiệu quả cao hơn. Khi có SMAC, xu hướng kết hợp hai hình thức trên báo số đã thay đổi tư duy marketing.

Nếu như trước đây trên báo in, quảng cáo được hiển thị ở tất cả vị trí thì hiện nay, chiến thuật hiển thị đã nhường chỗ cho các mục tiêu cần thiết. "Do thời đại thay đổi, dù SMAC không tác động trực tiếp vào báo chí mà tác động vào môi trường xung quanh nó, nhưng chính môi trường đó không chấp nhận cho báo chí truyền thống, bởi vậy, không gì có thể cứu vãn được báo in", Báo cáo viên khẳng định.

Vậy tương lai của VnExpress sẽ thế nào, hành vi đọc của mọi người ảnh hưởng thế nào đến trang báo, Facebook đe dọa báo chí ra sao... là những câu hỏi được gửi tới diễn giả.

DSCF1124-JPG-9003-1422269361.jpg

Chương trình thu hút sự quan tâm của nhiều thành viên FPT.

Theo anh Thắng, khoảng hơn 100 trang thông tin hiện nay ở Việt Nam đều đang đi theo chiến thuật "câu view" bằng những chủ đề gây sốc. VnExpress đã lựa chọn hướng đi khác biệt, tập trung đi sâu vào nhu cầu tin tức của độc giả.

Hiện nay, với khoảng 1,3 tỷ người dùng, mạng xã hội Facebook trở thành đối thủ đáng gờm của báo chí. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất giữa hai chủ thể này là Facebook chủ yếu là Information (thông tin), trong khi báo chí là tin tức chính thống đã được kiểm chứng. "Kẽ hở của Facebook được các tòa báo hiện nay như VnExpress khai thác, phát triển là những tin bài chuyên sâu, thuộc tính chuyên gia", anh Thắng nói.

Đưa ra cái nhìn tổng quan cho chủ đề này, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh tới sự phân tầng trong việc đưa tin trên báo chí với xu hướng cá nhân hóa của độc giả. Theo đó, anh Bình cho rằng SMAC đã tác động đến truyền thông theo cách làm nó phát triển mạnh mẽ và chuyên sâu hơn.

Với xu hướng cá nhân, SMAC cũng đã thay đổi rõ ràng vai trò của phóng viên. Họ không còn là cầu nối giữa chuyên gia với độc giả mà phải trở thành chuyên gia trong chính lĩnh vực của mình. "Vậy VnExpress tuyển chuyên gia về đào tạo viết báo hay ngược lại" là câu hỏi khiến anh Thắng có chút băn khoăn: "Đến nay chưa có lời giải, nhưng sau này có thể là chọn xu hướng chuyên gia".

DSCF1144-JPG-3247-1422269361.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trao đổi với anh Thang Đức Thắng về xu hướng cá nhân hóa trong báo chí hiện đại.

"Sự ảnh hưởng của SMAC đến báo chí cũng giống như cuộc chiến giữa Coca và Pepsi: Khi Coca tiến một bước, Pepsi sẽ lùi một bước. SMAC có thể chiếm nhiều thứ, nhưng báo chí vẫn luôn sống", Báo cáo viên chốt lại.

Thầy Trương Công Duẩn, Trưởng phòng Phát triển và Đào tạo, ĐH FPT, đánh giá cao phần chia sẻ của diễn giả. "Bản thân tôi làm công tác tuyển sinh, và truyền thông là mảng tôi rất quan tâm. Chúng tôi cũng đang tham gia chương trình đào tạo kỹ sư cầu nối cho Nhật Bản, vì vậy, xu hướng chọn chuyên gia về viết báo hay ngược lại cũng là vấn đề tôi đang trăn trở với công việc tuyển sinh của mình".

Phụ trách Marketing của FPT Gem Nguyễn Thị Thắm cho biết, những thông tin mà Báo cáo viên đem lại rất bổ ích. Với xu hướng độc giả lựa chọn chủ đề, Thắm cho biết cô đang ấp ủ kế hoạch quay các clip nhỏ về chương trình và học viên để đăng trên Youtube như một minh chứng sống động về sự hấp dẫn của khóa đào tạo. "Anh Thắng chia sẻ đúng cách nhìn của một chuyên gia. Những tham chiếu, khảo sát đã cung cấp cho người nghe nhiều thông tin thật bổ ích và giá trị", Bảng nhãn FPT 2013 nói.

Seminar số 7 với chủ đề "Truyền thông trong kỷ nguyên SMAC" đã diễn ra trong vòng 2 giờ vào chiều ngày 26/1, tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội) với sự tham gia của 70 thành viên.

Thanh Nga

Ý kiến

()