Chúng ta

Học nấu ăn, cắm hoa trước khi đi toàn cầu hóa

Thứ tư, 3/12/2014 | 11:00 GMT+7

Nguyễn Thị Bích, sinh viên năm 4, ĐH Công nghệ Hà Nội, chưa từng nhìn thấy giá trị của thất bại cho đến khi tham gia chương trình CEO Talk tại ĐH Ngoại thương, sau phần chia sẻ từ lãnh đạo FPT chiều tối ngày 2/12.

Năm 1999, sau Hội nghị Diên Hồng với khẩu quyết “Xuất hay là chết”, FPT mạnh dạn đi toàn cầu hóa, đánh dấu sự ra đời của FPT Software. Để chuẩn bị cho làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất, Trưởng Ban Nhân sự FPT Trịnh Thu Hồng khi đó được giao một nhiệm vụ quan trọng, là lựa chọn những người giỏi nhất cho việc đi sứ.

“Sau cuộc thi phát động toàn công ty, 5 người xuất sắc được vào lớp "Phi công vũ trụ" (tên do chị Hồng đặt) và trải qua chương trình huấn luyện đặc biệt, kéo dài trong 6 tháng. Các bạn đã được học cắm hoa, nấu ăn, khiêu vũ, lái xe và... hôn tay bạn gái”, chị Hồng nhớ lại.

1g-8207-1418102449.jpg

Trưởng Ban Nhân sự FPT Trịnh Thu Hồng và Giám đốc FSU1 Hoàng Việt Anh chia sẻ về con đường toàn cầu hóa của FPT sau 15 năm.

Thời ấy, toàn cầu hóa chưa được định hình trong mỗi người FPT, chỉ được hiểu một cách nôm na là ra nước ngoài làm việc. Chuẩn bị cho công việc mới, thay vì đào tạo chuyên môn, "những phi công trẻ" được học nhiều môn "tưởng chừng chả liên quan" tới công việc, nhưng theo Giám đốc FSU1 - FPT Software Hoàng Việt Anh, một trong 5 thành viên của lớp, đó chính là những kỹ năng và kinh nghiệm để các chiến binh tồn tại ở nước ngoài.

“Mục đích của chương trình là trang bị những kỹ năng cần thiết. Công việc nấu ăn, cắm hoa tưởng đơn giản nhưng thực tế lại rèn luyện ý chí và tính kiên trì rất tốt, cũng là những kỹ năng cần có khi các bạn ra môi trường quốc tế. Những việc vốn được cho là thế mạnh của chị em nhưng các anh em vẫn làm được. Dù xấu hay đẹp, họ đã vượt qua chính mình. Tạo cho các bạn niềm tin sẽ làm được - đó mới là đích đến thực sự của chương trình", chị Hồng lý giải.

Cùng với những môn học thú vị, học viên của lớp phi công còn phải trải qua thử thách “thác số và cầu vượt” - đó là giải bài tập do đích thân TGĐ FPT thời ấy, nay là Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, ra đề. Mặc dù chưa từng được trải nghiệm thực tế tại môi trường nước ngoài, cả 5 người đều đạt kết quả rất cao với đề bài làm sao để có được khách hàng nước ngoài và làm sao thuyết phục được khách hàng đó?

Hiện tại, những phi công trong lớp này đều là những người thành danh trong và ngoài FPT. Ngoài anh Việt Anh còn có ISMS Manager Phạm Thế Minh và Giám đốc FPT USA Bùi Hoàng Tùng. Hai người còn lại đã ra nước ngoài lập nghiệp.

Trong suốt 15 năm toàn cầu hóa, từ gần 20 thành viên ban đầu, đến nay, FPT có hơn 500 CBNV đang làm việc tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tham vọng tiếp theo, tập đoàn đặt mục tiêu lọt Top 500 Forbes vào năm 2024.

3-00-2478-1418102449.jpg

Hơn 300 sinh viên khối ngành Kinh tế, ĐH Ngoại thương Hà Nội, đã tham gia chương trình.

"Với niềm tin ban đầu là "Xuất hay Chết", FPT đã khẳng định được vị thế của mình trong và ngoài nước. Chặng đường 15 năm không quá ngắn và không quá dài, nhưng nó thể hiện quyết tâm hiện thực hóa ước mơ, đam mê của mỗi người FPT", chị Hồng nhận định.

Theo Giám đốc FSU1, thành công của FPT nói chung và FPT Software nói riêng không phải xuất phát từ một cá nhân mà là ghi nhận công sức của cả tập thể. Tinh thần làm việc teamwork là một trong những điều quan trọng giúp FPT đi tới thành công trên hành trình vươn ra thế giới.

Để có thể xóa bỏ những "rào cản" ở môi trường quốc tế, anh Việt Anh lưu ý, các bạn trẻ cần chuẩn bị tâm thế thay đổi để thích ứng với môi trường toàn cầu hóa. Trong đó, ngoài kiến thức ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm thì vốn hiểu biết xã hội thực sự cần thiết. "Chúng ta đi gặp khách hàng không thể chỉ nói chuyện công việc mà còn phải xây dựng mối quan hệ với họ, biết và tìm hiểu sở thích của khách hàng, câu chuyện sẽ dễ dàng tiếp cận hơn", anh nói.

Nhìn lại chặng đường đã qua với rất nhiều dự án lớn, Giám đốc FSU1 cho rằng, bản thân anh có may mắn được làm việc tại FPT ngay từ khi mới ra trường, lại đúng thời điểm CNTT đang phát triển. Hiện tại, với sự bùng nổ của SMAC và làn sóng toàn cầu hóa thứ 3, FPT mong muốn tiếp tục trao cơ hội này cho các bạn sinh viên trẻ. Đây chính là mục tiêu mà chương trình Sinh viên thực tập tài năng FPT hướng tới.

3-9119-1418102450.jpg

Ba "chiến binh" trẻ của FPT (từ phải qua: Trần Đình Tiến, Nguyễn Trọng Khôi và Nguyễn Viết Hòa) đại diện cho lớp người trẻ được tập đoàn giao phó những dự án mới, cơ hội phát triển ở môi trường toàn cầu hóa.

"Ngoài kiến thức cơ bản, các bạn chỉ cần đam mê, dám thử sức và muốn tạo sự khác biệt cho bản thân", chị Hồng nhấn mạnh.

FPT đang trao cơ hội khai phá bờ cõi cho những người trẻ. Trần Đình Tiến (FPT IS), Bảng nhãn FPT 2014, là một trong những người có cơ hội thử sức tại môi trường quốc tế ngay sau khi vào FPT IS 2 tháng. Trải qua nhiều dự án khó khăn và thách thức, hiện tại, với công việc Quản trị dự án, triển khai hệ thống và quản lý đối tác, anh đã tạo cho mình sự tự tin cần thiết của người lãnh đạo toàn cầu trẻ.

Tương tự, Nguyễn Viết Hòa, cán bộ dự án toàn cầu FPT Telecom, lứa sinh viên tài năng 2012, đã được trải nghiệm tại đất nước Myanmar, sau 1,5 năm làm trợ lý cho Phó TGĐ FPT Chu Thanh Hà. Anh đã học và trưởng thành rất nhiều khi xung phong rời Việt Nam để đương đầu với những nhiệm vụ mà không có người hướng dẫn, trong khi thời gian và yêu cầu thì cấp bách.

"Những anh chị tham gia chương trình CEO Talk hôm nay đều rất trẻ, nhưng họ đã có những thành công nhất định. Chia sẻ của mọi người đã giúp em thấy được giá trị của đam mê. Thành công của họ không phải đơn giản mà có được. Dù xuất phát điểm của bạn ra sao thì quan trọng là bạn dám làm, dám thử, không sợ thất bại", Bích chiêm nghiệm.

Đi làm từ khi là sinh viên, nhưng khi buộc phải ưu tiên cho những mục tiêu của con đường học thuật, cô bị mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bích coi đây là một trong những thất bại của mình và đến nay, cô vẫn chưa vượt qua được.

Chia sẻ về vấn đề này, Bảng nhãn FPT 2012, Giám đốc FPT GEM Nguyễn Trọng Khôi cho hay, anh từng làm mất một số tiền khá lớn với dự án kinh doanh thời sinh viên. Bài học lớn nhất mà Khôi rút ra được từ phi vụ này là ngoài sản phẩm tốt, cần phải hiểu khách hàng muốn gì, thị trường cần gì. Từ đó, trong mỗi công việc, Khôi luôn có cái nhìn thấu đáo trước khi đưa ra quyết định. Bí quyết để căn bằng cuộc sống và lấy lại tinh thần của Khôi sau mỗi lần thất bại chính là “chia nhỏ cuộc sống ra làm nhiều khoang”.

Trong hơn 2 giờ chia sẻ, CEO Talk đã đem lại nhiều thông tin thú vị cho hơn 300 sinh viên khối ngành Kinh tế của các trường Ngoại thương, Công nghiệp, Học viện Ngân hàng… Nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề làm sao để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu đã được diễn giả giải đáp thỏa đáng.

Ấn tượng với văn hóa dân chủ của tập đoàn, Lương Đình Long, sinh viên năm 3, ĐH Ngoại thương, cho biết: “Trước em cứ nghĩ mình phải làm việc ở một công ty đa quốc gia thật oách, nhưng giờ em đã nhận ra, giá trị của mỗi người không nằm ở vị trí và tên của doanh nghiệp họ làm, mà quan trọng hơn là họ đã cống hiến thế nào cho công việc”. 

Còn Nguyễn Thị Bích, sau chương trình này đã nghiệm ra rằng: "Thất bại chính là cơ hội để đi tới thành công. Từ những va vấp ban đầu, bản thân sẽ nhận ra những điều còn thiếu sót để bồi đắp".

CEO Talk là chương trình giao lưu giữa lãnh đạo Tập đoàn FPT với sinh viên các trường đại học trên toàn quốc do Ban Nhân sự FPT tổ chức từ năm 2013, nhằm giải đáp thắc mắc của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp và con đường phát triển trong tương lai. Đồng thời giúp sinh viên có cái nhìn thực tế, tiếp cận những góc nhìn khác nhau về việc lựa chọn nghề nghiệp từ kinh nghiệm thực tế của lãnh đạo trẻ FPT.

Đến nay, FPT đã tổ chức 9 chương trình “Chat với CEO” với gần 9.000 sinh viên tham gia ở Hà Nội và TP HCM. 2014 là năm đầu tiên chương trình được tổ chức tại Đà Nẵng (hồi tháng 9), thu hút hơn 600 sinh viên.

Thanh Nga

Ý kiến

()