Chúng ta

Học cách thích ứng văn hóa, FPT thẳng bước tiến ra toàn cầu

Thứ năm, 16/10/2014 | 15:06 GMT+7

Các cán bộ quản lý FPT kỳ vọng khóa học "Quản lý đội ngũ đa quốc gia" sẽ mang lại kinh nghiệm thích ứng với môi trường đa văn hóa, xây dựng quan hệ, giao tiếp và đàm phán với đối tác nước ngoài.

> Cố vấn Chính phủ Pháp chỉ cách toàn cầu hóa

FPT đã Toàn cầu hóa được hơn 15 năm. Trong quá trình hội nhập, nhiều cán bộ quản lý onsite cho biết, người Việt Nam thường mất nhiều thời gian hơn để hiểu cách giao tiếp, tiếp cận vấn đề, xử lý công việc và yêu cầu của các đối tác, khách hàng đến từ các nền văn hóa khác.

Là một trong những người tiên phong đi "mở cõi" ở xứ Chùa Vàng, anh Lê Xuân Thủy, FPT Trading Myanmar, cho hay: Việc làm ăn ở nước bạn thường gặp khó khăn khi tìm hiểu sâu về hoạt động, cấu trúc, nhân sự, quy trình của đối tác trước khi thực hiện M&A, quá trình tái cấu trúc và đồng bộ hoạt động quản lý, kinh doanh, quản lý nhân sự cũng có nhiều vướng mắc. Đặc biệt, khi phải làm việc với đội ngũ đa quốc tịch, điểm khó là tìm hiểu năng lực và sự khác biệt căn bản của đội ngũ nhân sự mới để thích ứng và xây dựng môi trường làm việc phù hợp.

Để giải quyết những khó khăn phát sinh và cung cấp các kiến thức cần thiết khi đi ra toàn cầu, FLI sẽ tổ chức khóa học "Quản lý đội ngũ đa quốc gia” vào ngày 17-18/10, tại khách sạn Crowne Plaza, 36 Lê Đức Thọ, Hà Nội. Khóa học do Học viện Lãnh đạo FPT (FLI) tổ chức, nằm trong chương trình đào tạo Toàn cầu hóa dành cho các cán bộ quản lý cấp cao của tập đoàn.

yk-1-994576-1413446801.jpg

Cán bộ FPT sẽ được chia sẻ kinh nghiệm quản lý đội ngũ đa quốc gia. Ảnh: Sóng Sánh.

GS Phan Văn Trường sẽ giải đáp trong khóa học “Quản lý đội ngũ đa quốc gia” này. Ông là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đàm phán với hơn 37 năm kinh nghiệm và đã trải qua hơn 40 cuộc đàm phán vòng quanh thế giới.

Với kinh nghiệm của GS Trường người FPT sẽ nắm được những vấn đề cơ bản của môi trường kinh doanh quốc tế, quan hệ chính phủ và rủi ro chính trị, cách đi toàn cầu hóa, lập kế hoạch chiến lược toàn cầu và truyền thông trong môi trường đa văn hóa.

"Hy vọng GS Phan Văn Trường sẽ giúp đội ngũ onsite biết cách thích ứng và xây dựng môi trường đa văn hóa phù hợp, đưa ra các tình huống thực tế gần gũi với hoạt động của FPT đang có hoặc đang hướng đến", anh Thủy bày tỏ.

Chị Hoàng Thị Thu Hương, ĐH FPT, lại quan tâm đến những đặc điểm nổi bật của các khối thị trường, luật pháp và các đặc điểm văn hoá đa quốc gia. Chị cũng đề xuất, ngoài các tình huống thực tế thì giảng viên nên áp dụng phương pháp giảng dạy kiến tạo để buổi học thu hút hơn.

"Khó nhất là làm thế nào để tìm đúng người quyết định thực sự trong việc xin giấy phép, hợp tác đầu tư kinh doanh với đối tác nước ngoài. Hy vọng giảng viên sẽ chỉ những kinh nghiệm xây dựng mối quan hệ với người chủ chốt ở nước sở tại, kể cả nhân sự nội bộ và đối tác...", anh Hoàng Trung Kiên, Phó TGĐ FPT Telecom, cho hay.

Là người "nằm vùng" của FPT Telecom tại Campuchia, anh Nguyễn Hoàng Ân đã gặp nhiều tình huống khó xử liên quan đến văn hóa, cách sống và làm việc của người bản địa. Nhân viên và cả cán bộ quản lý nhóm không đồng ý đi làm ngày lễ dù có chế độ đãi ngộ phù hợp, trong khi đặc thù của ngành hàng viễn thông cần phải bảo trì, hỗ trợ kỹ thuật 24/7. Người Campuchia thường làm việc ở văn phòng, không thích phải ra bên ngoài nhiều như sale hay kỹ thuật triển khai, dù công việc này có lương cao hơn.

Ngoài mong muốn được chia sẻ cách xử lý tình huống trên, cách giao tiếp đa văn hóa, đàm phán với đối tác, anh Ân cũng muốn được tìm hiểu thêm về quan hệ chính phủ và rủi ro chính trị để tự tin hơn khi làm việc ở nước ngoài.

Mọi thắc mắc về chương trình có thể liên hệ với SanhPT@fpt.com.vn.

Tử Quyên

Ý kiến

()