Chúng ta

Hiệp hội thương mại điện tử châu Á thăm Sendo

Thứ sáu, 27/11/2015 | 09:28 GMT+7

Một số công ty thuộc Hiệp hội thương mại điện tử châu Á (ECCA - E-Commerce Asia Association) vừa đến thăm và tìm hiểu về mô hình cũng như tình hình phát triển của Sàn thương mại điện tử Sendo. 

Các khách mời gồm Sumitomo Mitsui Card, Veritrans, Digital Garage, Tập đoàn Credit Saison, Tập đoàn Yamato Financial, Vodaless và đặc biệt là SBI Vens Capital (công ty cổ đông chiến lược của Sendo). Đại diện các công ty này đã tham quan văn phòng và môi trường làm việc tại Sendo. Song song đó là tìm hiểu mô hình và tình hình phát triển của sàn thương mại điện tử lớn thứ hai Việt Nam.

Cũng trong chuyến thăm này, Sendo và ECCA cùng tham gia hội thảo mang tên “Hợp tác thương mại điện tử Việt Nam - Nhật Bản” với sự tham dự của Cục trường Cục Thương mại điện tử Việt Nam, Cục trưởng Cục Chính sách thương mại Nhật Bản. Về phía Sendo có sự tham gia của anh Nguyễn Đắc Việt Dũng (Chủ tịch), anh Trần Hải Linh (TGĐ) và anh Nguyễn Phương Hoàng (Phó TGĐ kiêm Giám đốc Công nghệ). 

1-6012-1448550311.jpg

ECCA cùng Sendo tham gia Hội thảo "Hợp tác thương mại điện tử Việt Nam - Nhật Bản". Ảnh: ECCA

Phía Nhật Bản chia sẻ cả hai quốc gia đều nằm trong tổ chức APEC và mới đây là TPP nên được hỗ trợ tốt về giao thương, trong đó có thương mai điện tử. Tuy nhiên, phía Nhật nhìn nhận cái khó khăn là khi giao thương điện tử xuyên biên giới thì cần thanh toán qua thẻ tín dụng. Trong khi đó, hình thức thanh toán này có thể để lộ thông tin cá nhân. Vì thế, ECCA kiến nghị cả hai bên cần tham gia vào tổ chức bảo vệ an ninh thông tin cá nhân của khối APEC hoặc TPP để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng cũng như lợi ích của chính mình.

Cũng qua đây, ECCA khẳng định Việt Nam nằm trong 5 nước được dự báo sẽ phát triển mạnh về thương mại điện tử trong thời gian tới cùng với Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin Trần Hữu Linh cho biết, anh rất phân vân về vấn đề cá nhân hoặc tổ chức ở Việt Nam mua hàng từ nước ngoài và bán hàng ra nước ngoài. “Việc mua hàng từ nước ngoài cơ bản là có tồn tại ở Việt Nam nhưng khâu logistic khá nan giải khi bị vướng các vấn đề nhập khẩu khai báo nên chưa thấy doanh nghiệp Việt bán hàng ra nước ngoài”.

2-4574-1448550311.jpg

ECCA chụp ảnh lưu niệm tại tòa nhà FPT Tân Thuận. Đại diện phía Nhật bắt tay cùng chủ tịch Sendo Nguyễn Đắc Việt Dũng. Ảnh: ECCA

Khi đại diện phía Việt Nam đặt vấn đề làm cách nào để phát triển nhanh về thương mại điện tử tại một quốc gia, phía Nhật cho rằng chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ về văn hóa và luật pháp ở nước sở tại cũng như liên doanh với các doanh nghiệp bản địa. “Ví dụ chúng tôi liên doanh với Sendo khi tham gia thị trường Việt Nam”, phía Nhật bày tỏ.

Hiện Sendo là một trong những sàn thương mại điện tử đứng đầu Việt Nam. Mỗi tháng Sendo có hơn 100.000 giao dịch thật sự với khoảng 70.000 shop tham gia. Số lượng sản phẩm tại đây luôn đạt trên con số 2 triệu.

Năm ngoái, theo Báo cáo thương mại điện tử của Chính phủ, Sendo được xếp thứ 2 về giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam với 14,4%.

>> TGĐ Sendo giao lưu trực tuyến cùng độc giả Nhịp cầu đầu tư

Yến Nhi

Ý kiến

()