Chúng ta

Hãng công nghệ Ấn Độ bị kiện vì sa thải nhiều người Mỹ

Thứ sáu, 15/3/2019 | 18:01 GMT+7

Công ty CNTT lớn nhất châu Á - Tata Consultancy Services (TCS) đã phải hầu tòa trong một vụ kiện tập thể với cáo buộc phân biệt đối xử với người lao động không phải là người Nam Á ở Mỹ.

Theo Quartz, 3 cựu nhân viên TCS, đứng đầu là một người Mỹ, khởi kiện công ty này do bị sa thải vì chủng tộc và nguồn gốc quốc gia. Luật sư nguyên đơn đã chỉ ra có 12,6% nhân viên không phải người Nam Á bị TCS sa thải, so với ít hơn 1% nhân viên Nam Á. Trong đó, từ năm 2011 đến 2014, TCS đã sa thải 78% số lao động không phải là người Nam Á, so sánh với 22% người Nam Á.

Trong quá trình tố tụng, nhiều nhân viên không phải người Nam Á đã chia sẻ về thái độ thù địch họ phải đối mặt tại TCS. Chẳng hạn, Masoudi, một kỹ sư phần mềm người Iran, cho biết ông chủ và đồng nghiệp Ấn Độ đã chế giễu và đưa ra những lời bình phẩm phân biệt chủng tộc về người Hồi giáo với anh này, và cuối cùng, đuổi anh ra khỏi đội dịch vụ Apple.

img-91071-tcs-bg-2921-1552646781.jpg

Tata Consultancy Services đã phải hầu tòa khi đuổi nhiều nhân viên Mỹ. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, TCS phủ nhận họ có hành vi thiên kiến bất hợp pháp khi hoạt động tại Mỹ. TCS khẳng định tuyển dụng và giữ chân nhân viên hoàn toàn dựa trên năng lực của họ và nhu cầu kinh doanh của công ty.

Theo lập luận của luật sư bào chữa, TCS là một trong những công ty tạo công ăn việc làm nhiều nhất ở Mỹ. Họ đã thuê hơn 12.500 người địa phương từ năm 2012 đến 2016, tuyển dụng từ hơn 75 trường đại học ở Mỹ. TCS còn có một chương trình cộng đồng mang tên GoIT tại Bắc Mỹ, từ 2009 cung cấp hơn 100.000 giờ đào tạo kỹ năng miễn phí cho sinh viên. Trên hết, dữ liệu việc làm của công ty cho thấy số người Mỹ được thuê đã tăng 400% từ năm 2011.

“Không phân biệt chủng tộc hoặc quốc gia, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào người dân, đào tạo kỹ thuật liên tục và giúp họ thành công tại TCS”, phát ngôn viên công ty tuyên bố.

Cuối cùng, bồi thẩm đoàn đã kết luận công ty có trụ sở tại Mumbai không phân biệt đối xử có chủ đích dựa trên chủng tộc hoặc nguồn gốc quốc gia.

Dù TCS thắng kiện, bồi thẩm đoàn vẫn nhắc nhở một số công ty Ấn Độ có thể có thành kiến với lao động Mỹ, như Inf Infosys, Wipro, Tech Mahindra, HCL Tech, Cognizant. Trường hợp của mỗi công ty sẽ được xét riêng và họ có thể thua kiện nếu những người khiếu nại có thể chứng minh thật sự bị phân biệt đối xử. Các hãng công nghệ thông tin Ấn Độ cũng đã và đang bị chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu thuê thêm người Mỹ trên đất Mỹ.

Hiện ở Mỹ, nhiều công ty đang vật lộn tìm nhân viên giỏi với giá cả phải chăng. Trong khi những người Mỹ có tài năng yêu cầu mức lương quá cao, Ấn Độ gần đây có một lực lượng lao động trẻ gia nhập ngành CNTT với kỹ năng tốt. Đó nguyên nhân của tỷ lệ lao động không cân bằng không chỉ tại TCS mà còn các công ty công nghệ khác.

Tata Consultancy Service là một hãng của tập đoàn công nghiệp lớn nhất Ấn Độ Tata Group. Thành lập năm 1968, TCS đặt trụ sở tại Mumbai, Ấn Độ rồi nhanh chóng trở thành một trong những nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, TCS đồng thời cũng là công ty cung cấp dịch vụ thuê ngoài (outsource) lớn nhất hành tinh.

Có chi nhánh tại 142 quốc gia khác nhau, lợi nhuận khổng lồ thu về đã khiến TCS trở thành công ty con hoạt động thành công nhất của tập đoàn Tata. TCS có định giá khoảng 100 tỷ USD, phần lớn doanh thu của hãng đến từ Mỹ và từ mảng dịch vụ tài chính. Với tốc độ tăng trưởng rất nhanh, TCS được cho là sẽ sớm vươn lên hàng top trong ngành dịch vụ phần mềm.

>> CIO công ty Fortune 500 làm Tư vấn trưởng Chuyển đổi số cho FPT

Hà An

Ý kiến

()