Chúng ta

Hai 'vũ khí' tối thiểu cần có khi toàn cầu hóa

Thứ ba, 29/9/2015 | 09:17 GMT+7

"Đi ra nước ngoài là một cuộc phiêu lưu với nhiều rủi ro. Chúng ta chỉ nên toàn cầu hóa khi có tối thiểu hai thứ vũ khí: Sản phẩm xuất sắc và hệ thống hỗ trợ đắc lực", Giáo sư Phan Văn Trường chia sẻ.

Trong buổi học về Văn hóa Kinh doanh châu Á, CBNV FPT đã được nghe những chia sẻ thú vị của GS. Phan Văn Trường - chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế, cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế, cố vấn HĐQT Công ty Xây dựng Hòa Bình. Với kinh nghiệm từ hành trình 40 năm bôn ba đến 80 quốc gia trên thế giới, giáo sư đã mang đến cho CBNV nhiều câu chuyện thực tế và các bài học kinh nghiệm hữu ích về con đường toàn cầu hóa.

o-Tr-2-top_1443418212.jpg

Ngày 25-26/9, Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) đã tổ chức khóa học Văn hóa Kinh doanh châu Á cho hơn 30 CBNV FPT tại FSoft House, D15, làng Quốc Tế Thăng Long, Cầu Giấy, Hà Nội. 

Chia sẻ về vấn đề quốc tế hóa của các ông ty Việt Nam, GS. Phan Văn Trường cho hay, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu thấy thị trường trong nước chật hẹp. Đa số đều nghĩ đến việc "mở rộng bờ cõi" sang các nước láng giềng vì họ cho đó là một bước khởi đầu hợp lý. Sự lựa chọn đầu tiên thường là Campuchia -, một thị trường tương đối nhỏ, nơi cư ngụ của rất đông người Việt Nam - được xem như một cơ hội thử sức vừa tầm và thuận lợi. Tiếp đó là Malaysia - một nước giàu đang phát triển mạnh và rất cần lao động Việt sang "tiếp tay". Myanmar vừa mở cửa, cần nhập khẩu đủ thứ và cũng muốn mời Việt Nam sang để dò đo sức lực. Rồi Thái Lan, Trung Quốc… nhưng các nước này cho ít cơ hội hơn. Có nhiều doanh nghiệp năng động còn đi cả châu Phi và Nam Mỹ để đặt nền móng.

"Chính sách lan rộng để mở đường và "luyện tay"là điều tất nhiên, không có gì phải bàn cãi. Trong công cuộc quốc tế hóa, công ty có thể nhắm nhiều mục đích như: Mở rộng thị trường, tăng thu nhập, tăng lợi nhuận, xây dựng doanh nghiệp đa quốc gia, đào tạo CBNV cho họ cơ hội chạm trán với đất lạ", giáo sư phân tích.

Tuy nhiên, theo ông, những nước láng giềng chưa thể đem lại những thứ mà các doanh nghiệp Việt Nam chờ đợi bởi đây là các thị trường nhỏ, ẩn chứa rủi ro cao về nợ xấu, tham nhũng, xa trụ sở chính, nhân viên "tập tễnh"... Chi phí thiết lập cơ sở, chi phí di chuyển cho nhân viên cao. Hơn hết, các công ty Việt Nam đều thiếu quân chịu đi nước ngoài bởi nhiều khó khăn về đời sống, ẩm thực, ngôn ngữ, gia đình, phong tục tập quán, trường học cho con cái... Rút cuộc, phần lớn doanh nghiệp làm việc tại nước ngoài không có thêm nhiều doanh thu, lợi nhuận. Nhân viên cũng không học hỏi được nhiều, trong khi đó phí tổn rất cao.

Giáo sư Trường nhấn mạnh, để đi ra nước ngoài, người Việt Nam nói chung và người FPT nói riêng cần hiểu thật kỹ thị trường từ nhu cầu sản phẩm, giá cả, đối tác, sự hỗ trợ... Bên cạnh đó phải quan tâm đến mối bang giao của nước sở tại với Việt Nam, sức mua của thị trường, sức hút của sản phẩm hoặc thành tích của công ty có dễ thuyết phục khách hàng hay không. Ngoài ra, cần có sẵn đội ngũ nhân viên có động lực xuất cảnh mạnh, khả năng sẵn sàng giải quyết rủi ro cao. 

o-Tr-1.jpg

GS. Phan Văn Trường nhấn mạnh các điều kiện cần và đủ để toàn cầu hóa thành công.

Quan trọng hơn, để việc toàn cầu hóa thành công, chính Chủ tịch hoặc TGĐ doanh nghiệp nên dẫn đầu cuộc xuất khẩu. Việc này tạo uy tín cho công ty, giúp hỗ trợ nhân viên, xây dựng một hình ảnh đẹp trong mắt cấp dưới và khách hàng. Nếu đưa quân đi "viễn chinh" cần đào tạo bài bản và ưu tiên cho họ về mọi mặt, tránh tình trạng "xa mặt cách lòng". Họ cần được tăng lương, tặng nhà kèm các hỗ trợ thiết thực về trường học, xe, phụ cấp... Hơn hết, phải coi việc đi nước ngoài là một trong những điều kiện bắt buộc để được thăng chức. Điều đó sẽ khuyến khích đội quân đi toàn cầu hóa làm việc tích cực và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chú ý phát triển sản phẩm có sức thu hút, độc đáo, thời trang, giá cả hợp lý, công nghệ đặc sắc. Thêm nữa, trước khi tràn vào thị trường nước bạn, doanh nghiệp cần chắc chắn đã hoàn thành việc mô phỏng tác dụng của sản phẩm trên thị trường và đạt được kết quả tốt. Tiếp đó là việc tìm hiểu mối bang giao chính trị, thương mại, pháp lý, quan thuế giữa hai nước để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp khi "dấn thân" vào thị trường mới. 

"Đi ra nước ngoài là một cuộc phiêu lưu với nhiều rủi ro. Thông thường, các công ty đi ra nước ngoài không cộng hết chi phí, thường rơi vào thế bị động, nằm trong tay của trung gian hoặc các nhóm lợi ích ở nước sở tại, không có hệ thống bảo vệ cố hữu... Tóm lại, chúng ta chỉ nên đi ra nước ngoài khi có tối thiểu hai thứ vũ khí: Sản phẩm xuất sắc và hệ thống hỗ trợ đắc lực", Giáo sư Trường cho hay.

Quốc tế hóa không phải là một cuộc chơi ngắn hạn. Chỉ nên quốc tế hóa nếu doanh nghiệp có ý định đầu tư lâu dài, luôn có sẵn sản phẩm mới và hệ thống hỗ trợ ngày càng hùng hậu với mục tiêu cuối cùng là trở thành một công ty nội tại ở nước đó. Nếu doanh nghiệp nào chỉ muốn quốc tế hóa để kiếm tiền của nước bạn đem về tức là đã thất bại từ trong trứng nước. Chính sách sáp nhập phải được Hội đồng Quản trị bật đèn xanh ngay từ "nguyên thủy" để nâng tầm công ty. Khi sáp nhập được với một đơn vị nào đó, chúng ta không chỉ đơn thuần có thêm công nghệ hay nhân sự mà còn có cả thị trường, khách hàng.

"Hãy sáp nhập với đơn vị nào có thể giúp chúng ta trở thành số 1 ở thị trường đó. Khi ấy, mọi hợp đồng sẽ tự đến tay, việc kinh doanh sẽ rất thuận lợi. Điều quan trọng cuối cùng là cần có một chính sách nhân sự quốc tế hợp lý, tuy tốn kém nhưng sẽ có một đội quân hùng hậu sẵn sàng ra trận mang chiến thắng về cho tổ chức", GS. Phan Văn Trường nhắn nhủ.

Sau khóa học, hầu hết học viên đều đánh giá cao những kiến thức mà giảng viên chia sẻ. "Tôi rất tâm đắc với những câu chuyện và bài học kinh nghiệm của giáo sư khi kinh doanh tại thị trường nước ngoài. Những điều cần thiết phải chuẩn bị cho hành trình ra biển lớn của giáo sư giúp ích rất nhiều cho tôi trong công việc sau này. Giảng viên có cách nói chuyện đi vào lòng người, thoải mái, ấm áp và gần gũi. Hy vọng sẽ lại được lắng nghe những câu chuyện của ông trong một ngày gần nhất", chị Đoàn Thị Thu Hường, FPT Software, bày tỏ.

Tử Quyên

Ý kiến

()