Chúng ta

Giám đốc M&A Bùi Hoàng Tùng: ‘Tôi thích hình tượng người mở cửa’

Thứ sáu, 13/7/2018 | 12:18 GMT+7

10 năm trước, anh Bùi Hoàng Tùng xung phong mở cửa thị trường Mỹ và FPT USA (FUSA) là công ty CNTT 100% vốn Việt Nam đầu tiên được thành lập tại xứ cờ hoa trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Một thập kỷ sau, anh lại mở cánh cửa M&A đầu tiên của FPT tại thị trường phát triển bậc nhất thế giới này.

Giám đốc M&A Bùi Hoàng Tùng chia sẻ với Chúng ta về thương vụ lịch sử này.

- Cơ hội M&A với Intellinet đến với anh như thế nào?

- Thương vụ M&A gần nhất mà FPT thực hiện là một công ty của Đức cách đây 5 năm và thời điểm đó, FPT là công ty CNTT đầu tiên của Việt Nam thực hiện mua bán sáp nhập một công ty CNTT châu Âu. Trong những năm gần đây, FPT liên tục tìm kiếm, nghiên cứu nhiều đối tác tại châu Âu, Nhật Bản, Mỹ để thực hiện đầu tư như chiến lược M&A đã công bố.

Việc tìm kiếm các cơ hội M&A không khác gì đi sales cả. Đầu tiên tôi xác định mục tiêu M&A: quy mô, khách hàng, tăng trưởng, ban lãnh đạo, dịch vụ, công nghệ, vị trí địa lý… Sau đó đi tìm mục tiêu qua 2 kênh: (1) trực tiếp tới những công ty đó; (2) gián tiếp qua kênh những công ty môi giới về M&A.

Sau nhiều lần “tìm hiểu”, cơ hội đã đến khi chúng tôi gặp Intellinet. Rất có duyên là tôi liên lạc được với Frank Bell (nhà sáng lập kiêm Chủ tịch của Intellinet); đồng thời tham gia một sự kiện về M&A của công ty môi giới 7Miles - là công ty đại diện của Intellinet.

tungbh-3214-1531456644.jpg

"Kiến trúc sư trưởng" của thương vụ M&A nghìn tỷ của FPT tại Mỹ - Giám đốc M&A Bùi Hoàng Tùng. 

Intellinet là đơn vị tư vấn công nghệ hàng đầu tại khu vực Bắc Mỹ với trụ sở chính đặt tại Atlanta. Với doanh thu 30 triệu USD năm 2017, Intellinet được Consulting Magazine đánh giá là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Rõ ràng, Intellinet là một đối tác hấp dẫn với những công ty công nghệ.

Khi tôi chia sẻ về cơ hội này, lãnh đạo FPT Software đã phản hồi rất tích cực. Tôi cùng anh Nguyễn Khải Hoàn, Giám đốc Tài chính FPT Software; anh Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc FPT Canada, mất 2 tuần làm việc, tìm hiểu về Intellinet, sau đó trình bày với Exco của FPT và được "bật đèn xanh" để đi tiếp.

- Điều gì khiến anh tin rằng M&A với Intellinet sẽ mang đến các cơ hội cho FPT tại Mỹ?

- Những điều mà tôi tìm thấy được ở Intellinet: dịch vụ tư vấn công nghệ thông tin cao cấp; đội ngũ lãnh đạo gắn kết, đội ngũ chuyên gia tư vấn đông đảo; số lượng khách hàng ấn tượng; chiến lược phát triển chuyển đổi số; hình ảnh và tên tuổi của Intellinet. Và quan trọng nhất, chúng tôi tìm thấy động lực kết hợp giữa hai bên sẽ mang tạo ra, tăng thêm những dịch vụ trọn gói cho chuyển đổi số cho các công ty lớn nhất tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung. 

“Bùi Hoàng Tùng là ‘kiến trúc sư trưởng’ và đóng góp nhiều nhất cho thương vụ này. Bên cạnh đó, cần kể đến đội ngũ lãnh đạo của FPT Software - những người phải đi sâu đánh giá tất cả năng lực, đưa ra kế hoạch sau khi sáp nhập. Và cũng không thể không nhắc tới đội ngũ cán bộ tài chính, vì khi sáp nhập chúng ta phải bỏ tiền, giá và điều kiện thanh toán là câu chuyện rất dài. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cảm ơn tất cả các bạn ấy vì đã làm nên một thương vụ lịch sử cho FPT'' - Bùi Quang Ngọc, CEO FPT.

- Quá trình "cưa" Intellinet diễn ra như thế nào, thưa anh?

- Intellinet đang trong giai đoạn tìm đối tác phù hợp, chia sẻ về tầm nhìn, chiến lược để đồng hành trong giai đoạn tăng trưởng mới. Trước một danh sách dài những công ty có ý định tìm hiểu, Intellinet chọn ra 8 ứng viên, gồm FPT và 7 công ty khác.

Trong thời gian trao đổi và tìm hiểu kỹ về nhau, FPT chủ động mời các lãnh đạo của Intellinet sang Việt Nam làm việc để hiểu rõ về tập đoàn. Intellinet đánh giá cao việc làm này của FPT. Qua đó họ cảm nhận là có sự hòa hợp giữa hai bên.

Quá trình đàm phán thực sự như bộ phim tâm lý, tình cảm Mỹ: vui buồn lẫn lộn, căng thẳng, có những lúc xác định là không đi tiếp nữa. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn là kết thúc có hậu.

Sau hơn 7 tháng tìm hiểu và 160 cuộc họp liên quan, FPT đã đàm phán thành công, trở thành đối tác chiến lược sở hữu hơn 90% cổ phần của Intellinet và là công ty CNTT Việt Nam đầu tiên mua một công ty tư vấn công nghệ Mỹ. 

kyket-3737-1531456644.jpg

FPT là doanh nghiệp CNTT đầu tiên thực hiện M&A tại Mỹ.

- Cảm xúc của anh khi hai bên đàm phán thành công?

- Cảm xúc chỉ là hơi vui thôi. Tôi hay nói với mọi người là chỉ sau khi FPT bấm nút chuyển tiền thì mới coi là thành công. Sau hôm đàm phán thành công, ngoài ban lãnh đạo FPT, FPT Software, tôi ngay lập tức chia sẻ thông tin và cám ơn đến phu nhân của anh Nguyễn Khải Hoàn và vợ tôi - những người phụ nữ đã phải chia sẻ, chịu đựng việc sinh hoạt đảo lộn của bọn tôi trong suốt thời gian qua. Họ khuyên chúng tôi là “xong rồi thôi, không đi mua công ty nào nữa nhé”.

 - Intellinet chỉ là một điểm đầu tiên trong hành trình chinh phục của anh. Tiếp theo, anh sẽ nhắm đến những đối tượng và thị trường nào để thực hiện M&A?

- Thương vụ Intellinet là điểm đầu của một giai đoạn mới của FPT Software nói chung, FUSA nói riêng trong việc nâng tầm năng lực cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể trong đó, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số cho các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Kế hoạch tiếp theo nằm trong lộ trình chiến lược M&A để FPT Software đạt 1 tỷ USD tập trung vào thị trường chiến lược là Nhật, Mỹ, Đức lấy chuyển đổi số làm trọng điểm.

- Qua thương vụ lần này, anh đã rút được những kinh nghiệm, bài học gì cho các cuộc mua bán, sáp nhập tiếp theo?

- Phải nói thẳng là tôi yêu thích việc này mặc dù chưa kinh nghiệm. Anh Trương Gia Bình động viên: “Anh tin em làm việc mới này thành công”. Anh Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch FPT Software) thì chỉ nhắc một câu: “Get thing done”. Còn anh Nguyễn Thế Phương (Phó TGĐ FPT) gửi cho quyển sách vỡ lòng về M&A.

Có quá nhiều thứ học được từ vụ này. Từ việc lập team nội bộ, tư vấn M&A, đội luật sư; quy trình từ lúc tìm kiếm mục tiêu đến việc tìm hiểu, đàm phán thương thảo, cấu trúc thương vụ, các loại hợp đồng; xây dựng lòng tin và chiến lược giữa hai bên; hiểu rõ mong muốn, suy nghĩ của lãnh đạo hai bên về thương vụ; tỏ rõ chuyên nghiệp…

- Anh thấy điểm gì vẫn giữ nguyên ở bản thân mình sau 10 năm, thời điểm anh nhận "ấn kiếm" đi mở cõi, gây dựng FUSA thành một thế lực và hiện tại trong vai trò là người tìm kiếm các cơ hội M&A cho FPT/FPT Software?

- Tôi nghĩ điểm không thay đổi ở bản thân là tinh thần “đếch biết gì cũng tiến”, tính nhẫn nại kiên trì và yêu thích việc mình đang làm.

- Nhiều người FPT khi nói về anh đều nghĩ đến "người gõ cửa". Anh nghĩ sao về hình tượng đó?

- Tôi thích hình tượng là "người mở cửa", làm những việc mới có ảnh hưởng lớn tới tập đoàn. Tôi thích mấy câu của Lão Tử và luôn tâm niệm:

Hãy làm những việc khó khi nó còn dễ

Hãy làm những việc lớn khi nó còn nhỏ

Chặng đường dài ngàn dặm luôn khởi đầu bằng một bước chân”.

>> Chủ tịch FPT: ‘Thương vụ mua Intellinet có thể đến 50 triệu USD’

Ngày 12/7, FPT đã mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet) trong mục tiêu cung cấp những giá trị cao hơn cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu và mở rộng hơn nữa quy mô hoạt động tại thị trường Mỹ. Intellinet được Consulting Magazine đánh giá là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ.

Triệu Mẫn thực hiện

Ý kiến

()