Chúng ta

‘Giải thưởng Sao Khuê ghi nhận thành công của R&D’

Thứ hai, 22/4/2013 | 08:43 GMT+7

Các sản phẩm, dịch vụ mới được “gắn sao” của FPT tại giải Sao Khuê 2013 là FPT.ePOS, Fshare và Cloud IP Camera đều có thời gian dài nghiên cứu và phát triển.
> FPT giành 9 giải Sao Khuê 2013

Tối ngày 21/4, lễ trao giải Sao Khuê 2013 được diễn ra tại trường quay S4, Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC. FPT tiếp tục là đơn vị dẫn đầu Sao Khuê mùa giải thứ 10 khi có tới 9 sản phẩm, dịch vụ được tôn vinh.

Ngoài những sản phẩm, dịch vụ truyền thống như: ADSL, Data Center, Tên miền, Dịch vụ Đào tạo CNTT… năm nay, ba sản phẩm mới của FPT được “gắn sao” là giải pháp Hệ thống bán hàng tập trung cho doanh nghiệp viễn thông - FPT.ePOS (FPT IS), Dịch vụ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trực tuyến Fshare và Dịch vụ Giám sát 24/7 Cloud IP Camera (FPT Telecom).

Đây là những sản phẩm được FPT IS và FPT Telecom nghiên cứu trong thời gian dài, bước đầu đã cho kết quả ấn tượng.

FPT Telecom đạt 6 giải ở mùa Sao Khuê thứ 10. Ảnh: Phong Anh.

FPT Telecom đạt 6 giải ở mùa Sao Khuê thứ 10. Ảnh: Phong Anh.

FPT.ePOS được FPT IS TES, công ty thành viên của FPT IS, xây dựng từ năm 2005 - là một giải pháp tổng thể cho mảng nghiệp vụ Quản lý chuỗi cung ứng bán hàng tại các doanh nghiệp viễn thông. Giải pháp này đã được FPT IS thương mại hóa thành công, chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường Việt Nam.

Không chỉ có vậy, đây là một trong số ít giải pháp phần mềm của Việt Nam có được thị phần ở thị trường nước ngoài. Hiện tại, 9 mạng viễn thông di động tại khu vực sử dụng FPT.ePOS và FPT IS đang tiếp tục đầu tư vào FPT.ePOS nhằm mở rộng thị trường tại các nước trong khu vực châu Á, châu Phi.

Hai trong số 6 sản phẩm, dịch vụ của FPT Telecom được vinh danh lần này đều là những sản phẩm mới. Theo PTGĐ FPT Telecom Hoàng Trung Kiên, việc các dịch vụ mới được “gắn sao” năm nay ghi nhận sự thành công của công ty trong mảng R&D.

“Ngoài những dịch vụ truyền thống, FPT Telecom liên tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm dịch vụ mới để cung cấp ra thị trường và được tiếp nhận. Các dịch vụ này đều gắn với mảng dịch vụ truyền thống và khai thác được thế mạnh của công ty”, anh khẳng định.

Nghiên cứu thành công và đưa ra thị trường vào tháng 6/2012, dịch vụ Cloud IP Camera - sản phẩm hợp tác giữa FPT Telecom và FPT Software, đã nhanh chóng chiếm được thị trường bởi tính năng sử dụng cũng như giá thành hợp lý.

PTGĐ FPT IS Lê Anh Tuấn nhận giải Sao Khuê cho sản phẩm FPT.ePOS. Ảnh: Phong Anh.

PTGĐ FPT IS Lê Anh Tuấn nhận giải Sao Khuê cho sản phẩm FPT.ePOS. Ảnh: Phong Anh.

Tới thời nay, Dịch vụ lưu trữ và chia sẻ dữ liệu trực tuyến Fshare đã có 1,3 triệu tài khoản, là dịch vụ có số lượng người dùng lớn nhất của FPT Telecom hiện nay.

Không chỉ dừng ở việc dùng để tải hoặc đưa dữ liệu lên Internet, PTGĐ FPT Telecom mong muốn, Fshare sẽ trở thành dịch vụ lưu trữ, chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng online.

Ngoài ba sản phẩm mới trên, 6 dịch vụ của FPT tiếp tục được “gắn sao” lần này gồm: Dịch vụ Lưu trữ / Tên miền FPT Telecom - Domain / Hosting; Dịch vụ Máy chủ Trung tâm Dữ liệu FPT Telecom - Data Center; Dịch vụ Internet Băng thông rộng ADSL và Dịch vụ Internet Cáp quang FTTH (FPT Telecom); Dịch vụ đào tạo CNTT hệ chính quy và Dịch vụ đào tạo CNTT hệ phi chính quy (ĐH FPT).

Năm nay, giải thưởng danh giá nhất cho các sản phẩm dịch vụ CNTT đã bước sang năm thứ 10. “Thông qua Sao Khuê, 10 năm qua, xã hội đã có cái nhìn chân thực hơn về sự phát triển của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT tại Việt Nam. Từ một ngành kinh tế mới, doanh thu chỉ vẻn vẹn hơn 50 triệu USD vào năm 2002, đến năm 2012 con số này đã lên 2,3 tỷ USD với hàng trăm nghìn lao động có trình độ cao, đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế và hiện đại hóa đất nước”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Đánh giá về chặng đường tiếp theo, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) Trương Gia Bình cho biết: “Tôi có một dự cảm lớn lao rằng, CNTT và Phần mềm có sứ mạng đặc biệt với sự phát triển của đất nước, sẽ làm rạng danh Việt Nam trong 10 năm tới”.

Anh nhìn nhận, điện toán đám mây, công nghệ di động, dữ liệu lớn sẽ giúp Việt Nam "lột xác" giống như sự cố Y2K (sự cố máy tính toàn cầu) đã biến Ấn Độ thành cường quốc về CNTT.

Chương trình xếp hạng và công nhận danh hiệu Sao Khuê là hoạt động thường niên do Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm chọn lựa, đánh giá, xếp hạng các sản phẩm, dịch vụ tốt và ưu việt nhất của ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam.

Năm 2013, Sao Khuê có một bước chuyển đổi từ trao tặng sang đánh giá và công nhận danh hiệu. Sao Khuê đã trở thành “tín chỉ” chuyên ngành khẳng định và tôn vinh đẳng cấp chất lượng, tính ưu việt, tình hiệu quả cao nhất đối với các sản phẩm của ngành phần mềm, dịch vụ CNTT Việt Nam.

Có 65 sản phẩm, dịch vụ được “gắn sao” tại lễ kỷ niệm 10 năm Sao Khuê 2013. Mạng xã hội Y tế - YTON.VN của Công ty Cổ phần Cung cấp Giải pháp và Dịch vụ Công nghệ cao Việt Nam (HSP) là sản phẩm duy nhất được xếp hạng 5 sao.

Triệu Mẫn

Ý kiến

()