Chúng ta

‘Giá nhân công CNTT của Việt Nam chỉ bằng 2/3 so với Ấn Độ’

Thứ ba, 15/4/2014 | 11:09 GMT+7

Trước làn sóng các doanh nghiệp trên thế giới đang tìm cách giảm chi phí dành cho công nghệ bằng cách thuê ngoài, Chủ tịch FPT tin rằng tập đoàn nói riêng và Việt Nam nói chung hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu ấy.
> FPT Software HCM - hành trình đến số 1

Trả lời phỏng vấn của The Wall Street Journal, anh Bình cho biết, lợi nhuận của tập đoàn từ mảng gia công phần mềm tăng trưởng trung bình 31% mỗi năm trong suốt thập kỷ qua và FPT vẫn nhìn thấy khả năng tăng trưởng hơn nữa.

d

Theo Chủ tịch FPT, cuộc chạy đua để trở thành một nhà cung cấp nguồn nhân lực CNTT hấp dẫn tại các thị trường mới nổi dự kiến ​​sẽ kéo dài trong nhiều năm tới; và để cạnh tranh với những đối thủ mạnh, các công ty Việt Nam cần kết nối rộng hơn nữa nhằm cùng với FPT cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực. Ảnh: V.N.

Nhu cầu gia công phần mềm cho các khách hàng lớn trên thế giới vẫn gia tăng mạnh mẽ do chi phí tăng cao ở Ấn Độ và Trung Quốc - hai thị trường gia công lớn nhất. “Về giá gia công tại offshore (thuê gia công ở nước sở tại), nếu so với Ấn Độ, tính bình quân chi phí tại Việt Nam chỉ bằng 2/3”, anh Bình cho biết.

Thị trường phần mềm và nội dung số của Việt Nam đạt 2,4 tỷ USD trong năm 2013, và với hơn 70% dân số cả nước trong độ tuổi lao động, từ 15-64, theo điều tra dân số và nhà ở trong năm 2012, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động. Ngoài ra, Hà Nội và TP HCM hiện đang đứng trong top 10 thành phố mới nổi có thị trường Internet phát triển nhất.

Theo The Wall Street Journal, từ những số liệu trên, nhu cầu về sản phẩm CNTT và Internet trong nước là rất mạnh mẽ. Là công ty CNTT lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM, với 17.420 nhân viên, FPT được xác định sẽ tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và ở nước ngoài theo hướng hình thành liên minh mới với các công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới.

Anh Bình có buổi trò chuyện với The Wall Street Journal về tiềm năng của thị trường:

- Vị trí của FPT tại Việt Nam cũng như các thị trường khác với ngành CNTT phát triển hơn rất nhiều?

- FPT là công ty niêm yết không thuộc sở hữu của Nhà nước [Nhà nước nắm 6% cổ phần FPT]. Chúng tôi là công ty CNTT lớn nhất và là nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn thứ ba tại Việt Nam, sau VNPT và Viettel.

Là công ty hàng đầu tại Việt Nam với doanh thu tăng 25% mỗi năm trong suốt một thập kỷ qua, trong đó, riêng các hoạt động ủy thác và phát triển phần mềm cho thị trường nước ngoài tăng hơn 31% mỗi năm, tập đoàn FPT nhìn thấy khả năng tăng trưởng cao, đặc biệt là tại các thị trường phát triển như Nhật Bản và Mỹ.

Năm vừa qua, lần đầu tiên hoạt động kinh doanh và xuất khẩu phần mềm của FPT vượt mốc 100 triệu USD, trong đó Nhật Bản chiếm 52%, Mỹ - 27%, và các nước châu Á-Thái Bình Dương là 12%.

Việt Nam chiếm 12% thị phần gia công phần mềm tại Nhật Bản, sau Trung Quốc và xếp trên Ấn Độ, với 9%. Doanh thu tại Nhật Bản của FPT tăng 32% vào năm ngoái, với 130 khách hàng là các doanh nghiệp lớn.

Mỹ hiện là thị trường phát triển nhanh nhất của FPT, với ghi nhận tăng trưởng doanh thu là 62% trong năm 2013. Chúng tôi có mặt lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 2000 và hiện đã có 5 văn phòng tại đây. FPT đã thiết lập quan hệ với IBM, Microsoft, SAP, Oracle, Cisco, Apple và hiện có hơn 40 khách hàng, hầu hết trong số đó đều nằm trong danh sách Fortune 500.

Cạnh đó, khách hàng của chúng tôi trên thị trường toàn cầu bao gồm: tập đoàn ngân hàng tư nhân lớn nhất Đức, Hãng truyền hình vệ tinh lớn nhất Mỹ, Monsanto, Citigroup, Freescale, Hitachi, Panasonic, Toshiba, Fujitsu...

d

Anh Bình trao đổi với lãnh đạo công ty truyền hình vệ tinh lớn nhất Mỹ, đối tác của FPT Software, trong một hội thảo quốc tế. “Chưa bao giờ FPT có cơ hội ganh đua trong thế giới “thông minh” cùng với các tập đoàn công nghệ thông tin danh tiếng thế giới trên cùng một vạch xuất phát như hôm nay. Có rất nhiều việc phải làm và cần làm khẩn trương để đón bắt cơ hội này, FPT phải trở thành Tập đoàn toàn cầu hàng đầu về dịch vụ thông minh”, Chủ tịch FPT khẳng định. Ảnh: V.N.

- FPT hiện đang phải đối mặt với thách thức gì và làm thế nào để vượt qua?

- Việt Nam hiện có 30,6 triệu người sử dụng Internet, trong đó có hơn 84 triệu thuê bao băng thông rộng và 148 triệu thuê bao di động. Nhu cầu về dịch vụ CNTT đang phát triển rất nhanh trong những năm gần đây.

Việt Nam đã tạo được danh tiếng về phát triển CNTT tại các thị trường mới nổi nhờ tập trung vào giáo dục. Cả nước có 277 trường đại học và cao đẳng đào tạo CNTT, với 59.000 sinh viên. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc đào tạo đội ngũ lao động lành nghề về CNTT, đặc biệt là tiếng Anh và các ngoại ngữ khác như tiếng Nhật và tiếng Trung.

Để giúp giải quyết vấn đề này, Đại học FPT đã mở rộng các khoa của mình và hiện là trường đại học CNTT lớn nhất cả nước. 16.000 sinh viên của trường đã và sẽ tốt nghiệp với khả năng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ. Đối với nhiều sinh viên, trở thành một kỹ sư CNTT là một khát vọng lớn trong sự nghiệp bởi họ thấy trước con đường ổn định cho sự thành công.

Cuộc chạy đua để trở thành một nhà cung cấp nguồn nhân lực CNTT hấp dẫn tại các thị trường mới nổi dự kiến ​​sẽ kéo dài trong nhiều năm tới; và để cạnh tranh với những đối thủ mạnh, các công ty Việt Nam cần kết nối rộng hơn nữa với mục đích cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao.

- Vào tháng trước, trò chơi trên di động Flappy Bird đã lan truyền trên toàn thế giới. Điều này có giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam như một trung tâm công nghệ cao?

- Sự nổi tiếng của Flappy Bird chắc chắn sẽ tạo ra động lực cho thanh niên Việt Nam trong việc theo đuổi sự nghiệp CNTT như một phương tiện để thành công và giàu có.

Điều này cũng cho thế giới biết rằng Việt Nam đang sở hữu các tài năng trẻ, những người có khả năng đổi mới và tạo ra những điều mới mẻ, chứ không phải chỉ có giá nhân công rẻ. Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm công nghệ hấp dẫn hơn trong cộng đồng quốc tế.

Nghệ Nguyễn (Theo The Wall Street Journal)

Ý kiến

()