Chúng ta

FUNiX - một con đường khác

Thứ ba, 4/10/2016 | 08:28 GMT+7

“FUNiX là một thử nghiệm để đưa cách ta học và thành công ở đời thực vào sớm trong trường đại học. Đây là khát vọng của thế hệ FPT đầu tiên, những người được đời dạy cho tất cả”, anh Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng trường ĐH trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam, bày tỏ.

DSCF1618-620-8610-1475488712.jpg

FUNiX trực thuộc hệ thống FPT Education, là trường đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam thành lập năm 2015. 

Năm 2015, FUNiX ra đời đã tụ hội tinh hoa của phương pháp giáo dục hiện đại, xu thế phát triển của CNTT và kinh nghiệm 20 năm bước chân vào giáo dục của FPT.

Trước đó, năm 2006, khi thành lập ĐH FPT, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và Chủ tịch ĐH FPT Lê Trường Tùng cùng các cộng sự đã tâm huyết viết cương lĩnh giáo dục đại học, nhấn mạnh việc phải đưa thực tế công nghệ thành một phần chủ yếu của giáo trình và mỗi sinh viên phải có một mentor (người hướng dẫn) đang trực tiếp làm trong ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, không nhiều người thực sự hiểu được cương lĩnh đó khi chưa kinh qua “xương máu”  ở trường đời. Và Hiệu trưởng FUNiX là người may mắn được chung tay đắp nên hình hài thực tế của giấc mơ vì hai câu chuyện đã ám ảnh anh từ lâu. 

Ngày mới thành lập FPT Software, một công ty Nhật xin được phỏng vấn 7 kỹ sư. FPT Software đưa toàn hàng tuyển tham gia. Phỏng vấn xong, chỉ duy nhất anh Nguyễn Đức Quỳnh (GĐ FPT Software HCM), thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội, đạt tiêu chuẩn. Một lần khác, công ty Mỹ đòi phỏng vấn QA. FPT Software cử Hoàng Việt Anh, ngôi sao sáng nhất (hiện là TGĐ FPT Software) tham gia. Phỏng vấn qua điện thoại và có thêm cả dàn cổ động viên chỉ trỏ, mách nước, nhưng ứng viên… vẫn trượt.

Anh Nam nghiệm ra rằng, những sinh viên Việt Nam được đào tạo tốt nhất hóa ra chưa hẳn là người mà các công ty công nghệ trên thế giới đang cần. Nhưng theo thời gian, nhờ quyết tâm học hỏi và sự dẫn dắt khó tính của khách hàng - mentor mà nhiều thế hệ người FPT Software đã rất trưởng thành. Vì vậy, có thể coi FPT Software như một trường đại học lớn.

Từ giữa năm 2013, trước sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của MOOC (Massive Open Online Courses - Các khoá học mở miễn phí trên mạng), anh Lê Trường Tùng và Ban lãnh đạo ĐH FPT đặt quyết tâm thành lập một trường đại học trực tuyến. 

Tuy nhiên, dự án FUNiX giậm chân tại chỗ một thời gian dài do một phần vì thay đổi lãnh đạo và tổ chức ĐH FPT và phần nhiều là người đứng đầu chưa tìm được phương thức giáo dục mới phù hợp.

FUNiX chao đảo trong bối cảnh giáo dục Việt Nam và giáo dục trực tuyến thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Phoenix University - ngọn cờ của giáo dục trực tuyến Mỹ đang đi xuống và bị chỉ trích dữ dội. Tại Việt Nam, Topica ra đời từ năm 2007 cũng phải vật lộn để chứng minh cho sự vượt trội của giáo dục đại học trực tuyến. Lúc đó, anh Nam rón rén hỏi anh Tùng: “Làm khác hẳn đi được không anh?”. “Không làm khác thì làm làm gì” - câu trả lời chắc nịch của Chủ tịch ĐH FPT đã truyền thêm sức mạnh cho người đứng đầu FUNiX.

Y2K-0519-620-3944-1475488712.jpg

Hiện, FUNiX có gần 600 học viên, với độ tuổi 14-76 tuổi, đến từ 12 nước và vùng lãnh thổ. 

Vậy là dự án FUNiX ra đời với cương lĩnh “Dạy không quan trọng bằng dỗ. Học không quan trọng bằng hỏi”. FUNiX là ngôi trường 3 không: Không giảng đường, không thầy giáo và không sách giáo khoa. Tất cả dựa vào mentor, MOOC và Internet.

Khi bảo vệ dự án trên tập đoàn, anh Nam cảm nhận mọi người “nể” chứ chưa thực sự tin vào mô hình mới. Bước ngoặt thuyết phục Tập đoàn FPT đầu tư cho FUNIX là bài trình bày của anh Nam ngày 8/9/2015, tại Hội nghị chiến lược ở Vĩnh Yên. “FUNiX không có cố gắng làm tốt hơn, mà hoàn toàn đi một con đường khác”, anh Nam nói và đã thực sự gây ấn tượng. 

Năm ngày sau (14/9), anh Bình đồng ý thành lập dự án FUNiX theo tinh thần Thành Cát Tư Hãn và nhấn mạnh, FUNiX chính là giáo dục toàn thế giới. “Hãy tư duy FUNiX như một sân chơi cho trẻ nhỏ. Hãy nghĩ những người học như một đám trẻ. Mục đích của chúng ta là phải thiết kế một sân chơi sao cho những đứa trẻ đó cảm thấy thật hứng thú”, anh Bình khuyên.

Một thời gian sau, anh Tùng gửi cho FUNiX bài báo của giáo sư Richard Muller, ĐH U C Berkeley. Trong đó, giáo sư trình bày 15 nguyên tắc của một trường đại học tương lai - đại học Internet. Một trường đại học có chất lượng Mỹ và học phí của các nước thứ ba. “Thật may mắn, 15 điểm của giáo sư Muller gần như hoàn toàn trùng khít với triết lý đào tạo của FUNiX. Chúng tôi tự tin là đã đi đúng đường”, anh Nam chia sẻ.

Ngày 20/11/2015, FUNiX khai giảng khóa đầu tiên với 50 sinh viên. Trong lần ra mắt, anh Tùng thể hiện niềm tự hào: “FUNiX mở đầu cho xu thế giáo dục mới kết hợp Công nghệ Thông tin và Công nghệ Giáo dục trong môi trường mở. Đây là mô hình gắn kết chặt chẽ với chuyên gia/doanh nghiệp, góp phần thực hiện tầm nhìn iGSM (Industry Relevant - Global - Smart Education - Mega) của sự nghiệp giáo dục FPT”.

Sau gần một năm hoạt động, FUNiX đã nhận được tín hiệu tốt và sự ủng hộ từ dư luận xã hội cũng như nhà giáo dục, chuyên gia CNTT và sinh viên.

Chứng kiến rất nhiều cuộc thi khởi nghiệp với các đề án trở thành dự án chết do tác giả không có kỹ năng công nghệ, Hoàng Việt Hưng, sinh viên khóa 3 FUNiX, quyết định đi học để phá bỏ rào cản này. 

Học FUNiX không có giảng viên và giảng đường, Hưng được học qua Learning Managing System, hoàn toàn tự chủ việc học của mình. Khi gặp vướng mắc, mentor đưa ra câu trả lời đúng và trúng vấn đề vì đều là những nội dung họ trải nghiệm qua công việc thực tế. Bên cạnh đó, Hưng được sống trong một cộng đồng học viên rất mạnh, phục vụ mục tiêu xã hội và học tập. 

Mentor Nguyễn Vũ Hưng, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT và giáo dục, cũng cho rằng, việc đào tạo từ xa đã có ở Việt Nam và trên thế giới từ rất lâu. Internet, 3G, laptop, smartphone, máy tính bảng phát triển mạnh làm cho việc trao đổi thông tin trở nên nhanh, rẻ và dễ dàng hơn. Và FUNiX nắm lấy những cơ hội này. 

Cũng theo anh, tại FUNiX, sinh viên có thể chọn "món" cho mình, không quá nhiều, không hàn lâm mà thực tế để trang bị kiến thức sớm nhất cho bản thân vào nghề IT. Khi hướng dẫn sinh viên, anh Hưng chỉ định hướng cho họ và không làm hộ. 

“Việc kinh doanh là khó. Với giáo dục lại càng khó hơn, đặc biệt hình thức online. Tuy nhiên, tôi nghĩ FUNiX đang làm tốt, chậm nhưng chắc, thu hút được lượng sinh viên khá đều. Sợ nhất là mô hình này thất bại như đa số start-up đi đầu khác, để rồi các start-up về giáo dục online bước lên xác của kẻ đi trước đã ngã xuống đến với thành công”, mentor FUNiX trải lòng.

FUNiX trực thuộc hệ thống FPT Education, là trường đại học trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam thành lập năm 2015. Chương trình của FUNiX kéo dài 8 kỳ, mỗi kỳ 4 tháng, với học phí cả khóa học là 90 triệu đồng. Trong 8 kỳ học, sinh viên sẽ lần lượt trải qua các kiến thức cần thiết cho nghề nghiệp gồm: Công dân số, Lập trình viên ứng dụng Mobile, Lập trình viên Ứng dụng doanh nghiệp, Thông thạo môi trường làm việc CNTT, Kỹ sư phần mềm cơ bản, Thông thạo môi trường kinh doanh, Chuyên viên hệ thống thông tin, Bằng kỹ sư phần mềm.

FUNiX có gần 600 học viên, với độ tuổi 14-76 tuổi, đến từ 12 nước và vùng lãnh thổ. Gần 300 mentor đến từ 10 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đang hằng ngày hướng dẫn trực tiếp cho học viên trong quá trình học tập. Sinh viên Đào Huy Cương, sinh năm 1992, dù mới gia nhập FUNiX đã xin được việc làm tại FPT Software.


Lưu Vân

Ý kiến

()