Chúng ta

FPT toàn cầu hóa 'vì sợ hãi'

Thứ sáu, 12/8/2016 | 16:44 GMT+7

Lo lắng về nguy cơ tan rã tổ chức đã thôi thúc Chủ tịch Trương Gia Bình chọn hướng đi mới bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Từ đây, FPT đã khẳng định được vị thế của mình bằng việc tìm ra điểm khác biệt của tập đoàn.

Cuộc nói chuyện giữa Chủ tịch FPT Trương Gia Bình với Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) về chủ đề Tổ chức kinh doanh bắt kịp xu thế toàn cầu hóa, diễn ra vào ngày 11/8 tại tòa nhà FPT, đã thu hút hơn 50 doanh nghiệp trong ngành CNTT tham dự. 

Chủ tịch VIA Vũ Hoàng Liên chia sẻ lý do tổ chức sự kiện, FPT là doanh nghiệp ICT tư nhân lớn nhất tại Việt Nam. "Để có được quy mô lớn như ngày hôm nay, công ty chắc chắn có nhiều bài học quý. Buổi chia sẻ lần này là dịp để các doanh nghiệp có thể lắng nghe những câu chuyện của tập đoàn, qua đó rút ra bài học cho mình".

Phong thái thoải mái tự nhiên như mọi ngày, anh Bình cởi mở kể về quá trình vươn ra biển lớn của FPT. “Nỗi sợ hãi là khởi nguồn để FPT toàn cầu hóa”, anh nói.

Năm 1996, FPT đã có được vị trí tương đối trong nước. Ban lãnh đạo hiểu cần phải làm gì đó để tập đoàn không “tan rã”, tiếp tục lớn mạnh. “Cần phải tìm được một thách thức lớn hơn” là câu trả lời sau một cuộc nói chuyện với lãnh đạo IBM. Đó là lý do FPT quyết định ra nước ngoài vào năm 1998, với sự dịch chuyển trọng tâm sang xuất khẩu phần mềm. 

Anh Bình chia sẻ, nỗi sợ hãi chính là khởi nguồn để FPT quyết định toàn cầu hóa.

Anh Bình chia sẻ, nỗi sợ hãi chính là khởi nguồn để FPT quyết định toàn cầu hóa. Chủ tịch FPT luôn khẳng định, toàn cầu hóa là con đường duy nhất để FPT luôn phát triển và tăng trưởng mạnh.

Theo anh Bình, người Việt Nam có rất nhiều tố chất để toàn cầu hóa. Có thể hình dung về đặc tính người Việt giống như nước (thủy), uyển chuyển và có khả năng hòa nhập nhanh chóng. Bản năng này đem ra áp dụng tại nước ngoài ở mặt trận nào cũng thắng, từ người Nhật khó tính, đến người Mỹ thực dụng... Tuy nhiên, anh nhìn nhận, người Việt vẫn mang trong mình nỗi sợ hãi và tự ti, giống như việc "vì trồng lúa nên người nông dân không thể rời mảnh ruộng". Sự thiếu hụt không gian phát triển sẽ được toàn cầu hóa lấp đầy.

Trong quá trình ra nước ngoài, FPT đã phải "trả giá" khi là người tiên phong. Hai năm đầu thực hiện hướng đi này, công ty không có được hợp đồng, đánh đâu thua đấy. FPT khi ấy thậm chí còn không biết làm phần mềm. Con đường mò mẫm của tập đoàn tại nước ngoài được xem là liều lĩnh. Nhưng chính nhờ những cọ sát, FPT đã bắt đầu tìm được cách để có được những hợp đồng quốc tế.

Trong cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo của IBM, 20 giám đốc của hãng từ các châu lục khác đã đến dự và đặt ra câu hỏi lịch sử: “Why Việt Nam?”. “Digital waterfall” (Thác số) - người đứng đầu FPT trả lời. Đó cũng là thời điểm, FPT có được đơn hàng toàn cầu hóa đầu tiên, với hãng IBM.

Nhờ sự động viên của những "ông lớn" đi trước, công ty đã nuôi nấng và hiện thực hóa tham vọng Việt Nam sẽ trở thanh cường quốc về xuất khẩu phần mềm. Mặc dù đã có được vị thế vững chắc, FPT vẫn liên tục suy nghĩ về sự khác biệt của mình. Đó chính là IoT. Hiện, FPT hành xử bằng cách "bắn các viên đạn nhỏ để xây dựng năng lực, tìm hướng đi" để hòa mình vào cơn giông bão Internet và vạn vật của thế giới.

Xác định toàn cầu hóa như chiến lược lớn, sân chơi này cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Mỗi công ty đều có chiến lược riêng như FPT sang Mỹ, Viettel sang châu Phi... Tuy nhiên, tiềm năng lớn còn đến từ các nước đang phát triển. Nhiều hợp đồng toàn cầu hóa kỷ lục của FPT đã được ký tại những vùng đất này.

Sự kiện VIA-MeetUp 2016 do VIA tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông và cộng đồng CNTT-TT Việt Nam.

Sự kiện VIA-MeetUp 2016 do VIA tổ chức đã thu hút được sự quan tâm của giới truyền thông và cộng đồng CNTT-TT Việt Nam.

Chủ tịch FPT tổng kết, FPT thực hiện toàn cầu hóa theo hai hướng: Tập trung vào việc cung cấp các giải pháp dịch vụ CNTT theo xu hướng công nghệ mới cho các tập đoàn lớn trên toàn cầu và cung cấp các giải pháp dịch vụ đã được triển khai thành công tại Việt Nam sang thị trường các nước đang phát triển. Ở mức cao hơn, FPT cũng đã bắt đầu tư vấn cho khách hàng về IoT.

Là xu thế đang diễn ra sâu rộng trên toàn thế giới, toàn cầu hóa ảnh hưởng trực tiếp tới mô hình kinh doanh của các tổ chức kinh tế và chiến lược phát triển của các quốc gia. Bên cạnh những cơ hội, xu thế này cũng đặt ra thách thức, đòi hỏi đổi mới, sự thích nghi và năng lực cạnh tranh.

Anh Bình nhìn nhận, vấn đề nguồn lực trong ngành đang thiếu hụt trầm trọng, đặc biệt là đội ngũ thiết kế hệ thống và tư vấn cấp cao. Việt Nam cần khoảng 400.000 kỹ sư CNTT nữa mới đáp ứng "tầm bay" của đất nước. Nhu cầu nhân lực tăng cao trong nước sẽ dẫn tới nguy cơ mất đi ưu thế về giá. Bản thân Hiệp hội Vinasa đã đưa ra đề xuất về thuế, thu nhập của lập trình viên để tạo ra môi trường tốt hơn cho người làm nghề. Trong khi chờ lời giải từ các cơ sở đào tào về bài toán về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, các DN cũng có thể tự tìm cách. Còn FPT đã mở ĐH FPT, mở ĐH trực tuyến, FUNiX, để huy động nguồn lực tốt nhất. 

Trả lời cho câu hỏi về việc quản trị tổ chức khi tập đoàn ngày càng lớn mạnh, Chủ tịch FPT cho hay, FPT được phát sinh từ tình bạn. Tinh thần FPT được hiểu là tình yêu công ty, coi công ty như một trường học lớn, trường đời, trường tình. "Trong tôn chỉ của mình, FPT cố gắng tạo cơ hội cho mọi người được phát huy năng lực của mình", anh nói. 

Trong hơn 2 giờ trao đổi, Chủ tịch FPT đã giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp về khởi nghiệp, cơ hội, thách thức, lợi thế và bài học khi ra biển lớn, đặc biệt là trước những thay đổi nhanh chóng của các xu hướng công nghệ mới… Theo đó, thông điệp mà anh Bình nhắc tới chính là: Khởi nghiệp bắt đầu từ sự đam mê và người khởi nghiệp phải có suy nghĩ toàn cầu ngay từ phút đầu startup. Việt Nam đang sở hữu thế hệ vàng để khởi nghiệp. Hiện FPT đã mở sẵn platform để các nhóm start-up có thể kết nối, nhận hỗ trợ về dữ liệu (data), công nghệ nếu thiếu.

Giám đốc Vinacoma Phan Văn Hải đánh giá: "Những chia sẻ của anh Bình đã giúp tôi giải thích một số vấn đề chung nhất khi toàn cầu hóa, đồng thời giúp tôi có được góc nhìn nhất định trong các dự án của công ty".

FPT chính thức toàn cầu hóa vào năm 1999, với sự dịch chuyển trọng tâm sang xuất khẩu phần mềm. Sau 17 năm toàn cầu hóa, FPT hiện có mặt tại 19 quốc gia với gần 27.000 CBNV, trong đó có 1.134 CBNV người nước ngoài. 

Trong giai đoạn 2011-2014, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 30% mỗi năm. 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu toàn cầu hóa của FPT tiếp tục tăng trưởng cao với con số 34%, đạt 2.713 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 31%, đạt 377 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp lớn nhất là từ lĩnh vực Xuất khẩu phần mềm với doanh thu tăng trưởng 37% so với cùng kỳ năm trước.

Vào năm 2020, tập đoàn kỳ vọng doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 30%; Mức tăng trưởng doanh thu từ các dịch vụ số hóa cho khách hàng bình quân trên 70% mỗi năm.

Tiểu Thanh

Ảnh: Thùy Dương

Ý kiến

()