Chúng ta

FPT tiến chắc ở Myanmar

Thứ hai, 29/9/2014 | 08:01 GMT+7

FPT là một trong những công ty đầu tiên cắm lá cờ công nghệ ở Myanmar với nhịp bước vừa đủ để có thể am hiểu, trải nghiệm và thành công.
> ‘Trái ngọt’ từ ‘miền đất hứa’ Myanmar / FPT có hợp đồng dịch vụ đầu tiên tại Myanmar

Đang đảm nhiệm chức Phó phòng Kế toán, Công ty TNHH Phân phối Công nghệ Viễn thông FPT (F9, thuộc FPT Trading) tại Hà Nội và Kế toán trưởng chi nhánh F9 tại Hải Phòng, nhưng anh Phạm Lê Hào, Thám hoa FPT 2013, vẫn xung phong đi “mở đường” tại nơi được mệnh danh là “mảnh đất màu mỡ cuối cùng của khu vực châu Á”.

Để lại vợ đang mang bầu cô con gái đầu lòng, anh Hào gia nhập nhóm nhân sự FPT Trading tại Myanmar, gồm Nguyễn Văn Hưng - Trưởng đại diện, và Lê Xuân Thủy - phụ trách kinh doanh. Hơn một năm nay, ba “chiến binh” này chịu trách nhiệm phát triển nền móng cho mảng Phân phối.

Sau một thời gian có mặt ở thị trường này, FPT Trading đã đạt 5,6 triệu USD, tăng trưởng 123% so với kế hoạch.

“Sau hơn một năm nỗ lực, chúng tôi đã đạt được những thành công nhất định. Trong đó, quan trọng nhất là tạo sự tin tưởng lớn hơn đối với các đối tác. Mặt khác, về cơ bản, chúng tôi đã xây dựng, đào tạo đội ngũ nhân sự địa phương có khả năng tư duy, xử lý công việc tốt”, anh Hào chia vui.

Khi nói về nỗi niềm của “nơi sa trường”, Thám hoa FPT cho biết, “khó khăn lớn nhất là nỗi nhớ về hậu phương, nơi có vợ và con gái 8 tháng tuổi”. Dẫu vậy, những thành viên đầu tiên của tập đoàn đảm nhận công việc đầu tư, kinh doanh Myanmar vẫn lao động miệt mài và tin vào tương lại rộng mở của thị trường mới.

Chỉ sau một tháng ra mắt, hãng viễn thông Ooredoo đã đạt hơn một triệu thuê bao tại Myanmar, giá simcard cũng chỉ còn 1,5 USD từ kỷ lục 5.000 USD nhiều năm trước. "Điện thoại di động hiện là một phần hạ tầng nền tảng cho rất nhiều ngành công nghiệp, hỗ trợ thâm nhập các thị trường và định giá các dịch vụ tài chính. Tác động của việc này không thể đo đếm, nhưng chúng sẽ cải thiện hiệu suất cho nhiều ngành công nghiệp", Sean Turnell - chuyên gia kinh tế Myanmar tại Đại học Macquarie (Sydney, Australia) - cho biết trên BBC.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2012, Việt Nam xuất sang Myanmar trên 117,8 triệu USD. Con số này trong năm 2013 là gần 228 triệu USD, và chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2014 đã xuất trên 103,2 triệu USD, tăng 46,29% so cùng kỳ. Phát biểu trên báo Tuổi Trẻ ngày 4/8, bà Thân Thị Thảo, trợ lý Tổng lãnh sự, Lãnh sự quán Liên bang Myanmar tại TP HCM, cho biết: “Với dân số khoảng 58 triệu người cùng nền sản xuất chậm phát triển, khả năng tự cung tự cấp của nền sản xuất trong nước chỉ đáp ứng khoảng 15% nhu cầu tiêu dùng của người dân, Myanmar là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam”.

Theo bà Thảo, hiện GDP tính trên đầu người của Myanmar chỉ khoảng 300-400 USD mỗi năm, người tiêu dùng khá dễ tính, không đòi hỏi khắt khe về chất lượng mà ưu tiên giá rẻ nên cơ hội cho sản phẩm của Việt Nam là rất lớn.

Anh Hào nhận định, các mảng kinh doanh tập đoàn đang thực hiện có tiềm năng lớn tại Myanmar. Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Myanmar U Thaung Tin - đến hết tháng 6/2013, cả nước có khoảng 9,36 triệu người dùng điện thoại, và dự kiến sẽ có khoảng 75% - 80% người dùng điện thoại trong cả nước đến hết năm 2016.

“Cơ hội cho việc phát triển kinh doanh về CNTT của FPT Trading là rất lớn do cơ sở hạ tầng thông tin tại Myanmar vẫn còn thiếu, dân số trẻ (tuổi từ 15-54 chiếm 61,36%), áp lực cạnh tranh và sự đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài”, anh Hào nói và nhấn mạnh, Myanmar đã và đang có những cải cách dân chủ và kinh tế mạnh mẽ.

s

Chị Hoàng Thị Thu Hương (váy vàng) cùng các lãnh đạo FPT và đối tác trong lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) với Victoria University College (VUC) để thành lập trường mới mang tên Victoria FPT University (VFU).

Ngoài FPT Trading, ĐH FPT cũng thu được kết quả đầu tiên. Dự án của trường tại Myanmar bắt đầu từ tháng 3/2014 bằng lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) với Victoria University College (VUC) để thành lập trường mới mang tên Victoria FPT University (VFU). Người “xe duyên” đến thành quả này là chị Hoàng Thị Thu Hương, Giám đốc Đào tạo của ĐH FPT tại đất nước Chùa Vàng.

Trong dự án này, VUC sẽ chịu trách nhiệm tuyển sinh, vận hành và cơ sở vật chất trong khi ĐH FPT sẽ tổ chức giảng dạy, kể cả việc cử giảng viên từ Việt Nam sang. Hiện ĐH FPT chuẩn bị xong giáo trình, giảng viên cho chương trình đào tạo trong khi VUC đang tiến hành tuyển sinh.

Ngày 12/9, tại Yangon, FPT Myanmar và MMI đã ký kết hợp đồng triển khai hệ thống quản lý phân phối, bán hàng ( DMS) cho Tổng công ty và 7 chi nhánh với hơn 200 nhân viên bán hàng trên khắp các tỉnh, thành của Myanmar.

Chị Hương cho rằng, Myanmar mới mở cửa nên trình độ của người lao động chưa tốt, thiếu kỹ năng và kiến thức cần thiết để đáp ứng với môi trường làm việc quốc tế. Hạ tầng CNTT và viễn thông cũng hạn chế nhiều đến đầu tư, nhất là trong lĩnh vực giáo dục mà ĐH FPT định hướng là ngành kỹ thuật phần mềm. “Trong 169 trường đại học, cao đẳng của Myanmar, có tới 62 trường dạy về công nghệ và CNTT (chiếm gần 36%), nhưng chỉ có điều các bạn đang dạy những công nghệ đã lạc hậu của thế giới”, chị cho biết.

Trong nhóm chiến binh của các đơn vị tại Myanmar, FPT IS có thâm niên và số quân đông nhất. Hiện diện từ tháng 5/2012, FPT IS đã có những hợp đồng đầu tiên tại thị trường mới với đối tác MPT (Myanmar Post and Telecommunications). Mới đây, đơn vị vừa ký hợp đồng triệu USD triển khai core banking cho một ngân hàng tại quốc gia này. Hiện Công ty Hệ thống thông tin FPT có hơn 20 CBNV tham gia nhiều dự án khác nhau tại đây.

Ngày làm 18 giờ, họ luôn tất bật với các dự án và hội thảo trong lĩnh vực viễn thông, tài chính - ngân hàng, ERP cho doanh nghiệp… với mục tiêu biến Myanmar trở thành một trong những thị trường trọng điểm của FPT IS trong thời gian tới.

“CBNV FPT IS đều là những con người tài năng nhất được điều động từ các công ty thành viên sang Myanmar. Tôi thấy bất ngờ và ngưỡng mộ trước sự thay đổi nhanh chóng của FPT IS”, TGĐ FPT Myanmar Bùi Thị Hồng Liên đánh giá và cho biết, người FPT IS như đang lột xác để tiến ra toàn cầu với một tinh thần quyết tâm rất cao.

sulepagodayangonburma-485985-1413031504.

Chính phủ Myanmar đã đẩy mạnh mở cửa và số hóa nền kinh tế. Sau nhiều tháng đấu thầu, nước này đã cấp phép cho Ooredoo của Qatar và Telenor của Na Uy kinh doanh dịch vụ viễn thông tại đây. Họ là các công ty 100% vốn nước ngoài đầu tiên trong ngành viễn thông Myanmar. Cơ hội đã và đang mở ra với FPT.

Để khuyến khích CBNV FPT “đi sứ”, Chủ tịch FPT Myanmar Hoàng Minh Châu cho biết, các cán bộ của tập đoàn khi sang làm việc dài hạn tại đất nước Chùa Vàng sẽ được hỗ trợ về điều kiện làm việc, lương, chi phí... Chính sách mới của FPT Myanmar sẽ sớm được công bố.

Myanmar đang là nền kinh tế mới nổi hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Theo báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Myanmar có thể tăng quy mô nền kinh tế gấp 4 lần, lên 200 tỷ USD vào năm 2030. Thị trường Myanmar hiện gần giống Việt Nam khoảng hơn 10 năm trước. FPT cùng những người tiên phong khác tin rằng, tập đoàn sẽ có cơ hội được trải nghiệm thêm một lần nữa giai đoạn tăng trưởng thần kỳ ở đất nước này giống Việt Nam giai đoạn 2003-2007.

Tháng 2/2013, HĐQT FPT thông qua phương án mở Văn phòng đại diện tại Myanmar và bổ nhiệm anh Hoàng Minh Châu, thành viên Hội đồng Sáng lập FPT, làm Trưởng Văn phòng đại diện. Tháng 7 cùng năm, Công ty FPT Myanmar được thành lập với Chủ tịch là anh Hoàng Minh Châu và chị Bùi Thị Hồng Liên là TGĐ.

FPT Myanmar sẽ đại diện tập đoàn thiết lập quan hệ với chính phủ, bộ ngành và các hiệp hội ICT, khách hàng có nhu cầu ứng dụng CNTT tại quốc gia này. Ngoài FPT Trading, FPT IS, ĐH FPT…, FPT Software là đơn vị mới đây nhất đã cử cán bộ theo dõi thị trường này.

Nguyên Văn

Ý kiến

()