Chúng ta

FPT Telecom Thanh-Nghệ-Tĩnh gấp rút ứng phó bão Talas

Chủ nhật, 16/7/2017 | 22:29 GMT+7

Bão Talas hiện cách bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh 160 km. Ba chi nhánh FPT Telecom trong vùng ảnh hưởng của bảo đã hoàn thiện các phương án ứng phó trước 16h hôm nay (16/7) để đảm bảo an toàn cho con người cũng như hạ tầng của đơn vị.

Theo VnExpress, 20h ngày 16/7, tâm bão Talas cách bờ biển Thanh Hóa - Hà Tĩnh khoảng 160 km phía đông đông nam với sức gió tối đa lên 100 km/h, tương đương cấp 9-10. Hiện khu vực Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Cồn Cỏ (Quảng Trị), gió giật cấp 8. Một số nơi có mưa rất to như Hoành Sơn (Hà Tĩnh) 240 mm, Tân Mỹ (Quảng Bình) 200 mm, Cồn Cỏ (Quảng Trị) 290 mm.

Dự kiến đường đi của bão lúc 16h. Ảnh: NCHMF.

Dự kiến đường đi của bão lúc 16h. Ảnh: NCHMF.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, với hướng tây tây bắc, vận tốc 20 km/h, dự kiến bão đổ bộ vào Thanh Hóa - Hà Tĩnh vào đêm 16/7, rạng sáng 17/7 với cường độ gió giảm còn 75-90 km/h, cấp 8-9. Bão sẽ đi sâu vào đất liền, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực Trung Lào.

Hiện công tác ứng phó với cơn Talas của 3 chi nhánh FPT Telecom nằm trong vùng tâm bão đã hoàn tất. Tại Thanh Hóa, trời đang mưa nhỏ và gió đang mạnh dần lên, tuy nhiên các khu vực có hạ tầng chưa mất điện. Theo anh Lê Quang Bá, Giám đốc chi nhánh, hiện đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ vật tư ứng cứu, máy phát điện, trang thiết bị và cắt cử toàn bộ nhân sự hạ tầng kỹ thuật trực bão tại văn phòng.

th-cat-6594-1500215841.jpg

Anh em chi nhánh Thanh Hóa túc trực ứng cứu bão.

"Do bão đổ bộ buổi tối nên chi nhánh chỉ xử lý ứng cứu các POP bị mất điện hoặc các sự cố liên quan đến đài trạm, còn các sự cố liên quan đến cáp hạ tầng nếu không ảnh hưởng tới con người sẽ được xử lý vào sáng mai để đảm bảo an toàn cho anh em kỹ thuật", anh Bá cho hay.

Trong khi đó, từ hơn 16h trên địa bàn Nghệ An có mưa to đến rất to theo từng cơn, sức gió giật khoảng cấp 2 đến cấp 3, một số tuyến đường ngập nhẹ, một vài khu vực ở Vinh bị mất điện. Đến 21h, mưa to, gió mạnh lên khoảng cấp 5 cấp 6, khu vực Cửa Lò mất điện hoàn toàn, Thái Hòa và Cầu Giát mất điện một số nơi.

Anh Nguyễn Khắc Hiếu, GĐ chi nhánh, cho biết, do Nghệ An được xác định sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của bão số 2 nên ngay sau khi nhận được thông tin bão, đơn vị đã tổ chức họp khẩn để chuẩn bị phương án phòng chống bão. Ngoài viẹc gấp rút thành lập Ban Phòng chống Bão lụt, chi nhánh cũng lên các phương án phòng ngừa bão như kiểm tra, gia cố 100% tất cả các đài trạm của chi nhánh trên toàn tỉnh và đã hoàn tất trước 16h ngày 16/7. Đồng thời rà soát hạ tầng ngoại vi, đặc biệt là các tuyến Ring, các vị trí trọng yếu để phòng ngừa và giảm nhẹ thiệt hại khi bão đi qua. Chi nhánh cũng chuẩn bị vật tư dự phòng, máy phát điện và nhiên liệu ứng cứu trong trường hợp mất điện diện rộng xảy ra. Bộ phận hậu cần cũng chuẩn bị các nhu yếu phẩm cho bộ phận trực kỹ thuật trong quá trình bão vào đất liền.

Trong khi đó, tại Hà Tĩnh, mưa khá to và gió bắt đầu mạnh lên. Anh Phạm Trần Phúc Hậu, GĐ chi nhánh, cho hay, đơn vị cũng đã cắt cử xong các nhân sự chủ chốt trực tại văn phòng và theo dõi hệ thống, các nhân sự còn lại sẵn sàng trực online 24/24 để ứng cứu ngay khi có sự cố.

ht-c-5837-1500215841.jpg

Đội ngũ FPT Telecom Hà Tĩnh đã hoàn tất việc chuẩn bị vật tư ứng cứu.

"Anh em chi nhánh cũng đưa toàn bộ các trang thiết phục vụ ứng cứu ra để để vệ sinh, bổ sung nhiên liệu, kiểm tra kỹ càng trước khi bão về. Chúng tôi xác định phòng hơn chống nên mọi sự chuẩn bị đều phải kỹ càng", anh Hậu nhấn mạnh.

ht-cc-9421-1500215841.jpg

Một số tuyến đường của Hà Tĩnh đã bị ngập do mưa lớn.

Dự báo của cơ quan khí tượng, ảnh hưởng của bão Talas, từ ngày 16 đến 18/7, Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to. Trong đó Thanh Hóa, Nghệ An lượng mưa 250-350 mm; đồng bằng Bắc Bộ và Hà Tĩnh 150-250 mm. Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên 100-200 mm. Khu vực khác của Bắc Bộ và Quảng Bình - Thừa Thiên Huế 50-150 mm. 

Mưa lớn gây ngập úng tại các đô thị và thành phố của Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. 

Tử Quyên

Ảnh: Chi nhánh cung cấp

Ý kiến

()