Chúng ta

FPT Software bắt tay thực hiện 'nhiệm vụ bất khả thi'

Thứ năm, 30/10/2014 | 10:20 GMT+7

10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE) tại thị trường Nhật Bản vào năm 2018 của FPT Software được nhiều người coi là không tưởng. Tuy nhiên, FPT Software đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu khó này.
> Rút ngắn thời gian đào tạo BrSE bằng việc học tập trung / Thành công nhờ chăm chỉ

"Không quá khó hiểu với sự hồ nghi này, khi FPT Software trải qua 15 năm phát triển mới chạm mốc quân số hơn 6.000 người, trong khi chỉ còn 4 năm nữa, mục tiêu 10.000 BrSE phải hoàn tất", Trưởng phòng Đào tạo phát triển nguồn lực tiếng Nhật FPT Software Trần Đức Hải Triều nhìn nhận.

FPT Software đặt mục tiêu có 10.000 Kỹ sư cầu nối tại thị trường Nhật Bản vào năm 2018. Ảnh: Dương Thi.

FPT Software đặt mục tiêu có 10.000 Kỹ sư cầu nối tại thị trường Nhật Bản vào năm 2018. Ảnh: Dương Thi.

Tuy nhiên, cá nhân anh từng hoàn thành hai nhiệm vụ bất khả thi trong quá khứ nên anh thấy phấn khích khi bắt tay vào thực hiện dự án thách thức này. "Tôi nghĩ FPT Software sẽ đạt được mục tiêu này", anh quả quyết

Năm 2006, anh Triều cùng với Quản trị dự án đào tạo kỹ sư cầu nối FPT Software Nguyễn Thị Mai Anh nhận nhiệm vụ thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo BrSE đặc thù cho đơn vị. Theo đó, học viên chỉ cần tham gia khóa học tập trung trong vòng 9 tháng để đạt được trình độ Nhật ngữ N2 (2kyu) thay vì 4-5 năm học tại các trường đại học và trung tâm ngoại ngữ khác.

Thời điểm đó, nhiều người từng nghĩ đó là việc không tưởng. Nhưng FPT Software đã làm được. Đến nay, chương trình đạt được nhiều thành quả nhất định với khoảng 350 kỹ sư cầu nối đang công tác tại Nhật hoặc tại các đơn vị làm việc trực tiếp với khách hàng Nhật Bản.

Tiếp đó, Trung tâm của anh tiếp tục được giao chỉ tiêu đào tạo 100 kỹ sư cầu nối trong vòng một năm. Mục tiêu này được coi là "khó nhằn" khi mỗi năm công ty chỉ tuyển mới được từ 10 đến 20 BrSE từ bên ngoài, bao gồm cả việc tuyển dụng ngay tại Nhật Bản. Mục tiêu tưởng như không thể cán đích nhưng con số BrSE được đào tạo tăng dần qua từng năm. Đến nay, trung tâm đã đào tạo được gần 600 BrSE.

Thực tế cho thấy, hiệu quả từ chương trình khá cao. Tỷ lệ đỗ Năng lực Nhật Ngữ N4 là 100% và N2 là 65%. Trong khi tỷ lệ đỗ N2 tại các trường đại học chuyên về tiếng Nhật chỉ đạt khoảng 20-25%.

Hiện, đội ngũ đào tạo của trung tâm có 4 thành viên thuộc FPT Software và 21 giáo viên phục vụ chuyên biệt (bao gồm cả giáo viên cơ hữu và thỉnh giảng), trong đó có 6 giáo viên người Nhật.

FPT Software được đánh giá là doanh nghiệp duy nhất sở hữu chương trình đào tạo Kỹ sư cầu nối với thời gian ngắn và hiệu quả cao nhất tại Việt Nam. Tương lai không xa, FPT Software nuôi tham vọng sẽ vượt cả các trường đại học về số lượng đào tạo nguồn nhân lực tiếng Nhật.

Bên cạnh đó, đối tượng được chọn để tham gia lớp đào tạo BrSE là những cán bộ nhân viên do đơn vị tiến cử, có sẵn các kỹ năng chuyên môn, các kỹ năng mềm và có tố chất phù hợp với công việc BrSE. Bởi vậy, sau khi được đào tạo thêm tiếng Nhật, họ có thể phát huy được tốt các kỹ năng của mình với vai trò BrSE.

Chỉ trong năm 2014, trung tâm đã đào tạo được 450 BrSE.

Chỉ trong năm 2014, trung tâm đào tạo được 450 BrSE. Ảnh: Dương Thi.

Anh Triều cho biết, với mục tiêu 10.000 BrSE vào năm 2018, FPT Software không thể sử dụng cách nghĩ và cách làm như mô hình đào tạo BrSE hiện tại. Việc đầu tiên và quan trọng nhất để giải bài toán nhân lực này chính là "cách tiếp cận mới, cách làm và phương pháp mới". Việc tuyển dụng, đào tạo sẽ không giới hạn trong quy mô FPT Software hay FPT nữa, mà sẽ đẩy lên thành quy mô toàn quốc và quốc tế.

Như những dự án "bất khả thi", khó khăn từ dự án 10.000 BrSE chính là áp lực từ mục tiêu "trận này phải thắng". Việc hoàn thành kế hoạch này được xem là bước chuẩn bị của FPT Software để đón lấy thời cơ vàng từ thị trường Nhật Bản. Bởi vậy, ngoài thách thức của dự án, trung tâm đào tạo còn phải đối mặt với áp lực lớn về thời gian.

"Sẽ không có thời gian để thử, cũng như không có thời gian để sai và sửa sai, hướng đi hiện nay sẽ là khả năng tùy cơ ứng biến, nhanh chóng phát hiện lỗi sai và khắc phục lỗi sai của toàn bộ thành viên tham gia dự án", Trưởng phòng Đào tạo phát triển nguồn lực tiếng Nhật FPT Software phân tích. 

FPT Software cần đào tạo một lượng lớn BrSE trong thời gian ngắn, dẫn đến việc phải mở rộng đối tượng tham gia khóa học cho các CBNV có kinh nghiệm trên một năm thay vì trên 2 năm như trước. Điều này dẫn đến việc tuy BrSE tốt tiếng Nhật nhưng thiếu kinh nghiệm chuyên môn và các kỹ năng mềm cần thiết khác như kỹ năng thương lượng, kỹ năng “control khách hàng”.... Những điều này sẽ được cải thiện sau thời gian tham gia dự án thực tế ở vai trò BrSE.

"FPT Software sẽ có thêm những khóa đào tạo kỹ năng bổ sung cho các học viên BrSE sau khi tốt nghiệp và áp dụng mô hình “sư phụ - đệ tử”, tức là một BrSE có kinh nghiệm sẽ đi cùng với BrSE mới trong thời gian đầu để hướng dẫn", anh Triều chia sẻ việc cải thiện và nâng cao chất lượng BrSE cho đơn vị.

Đào tạo Kỹ sư cầu nối (BrSE) được FPT Software triển khai từ năm 2006 tại TP HCM. Các năm sau đó, chương trình được triển khai riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Tuy nhiên, mỗi vùng miền sử dụng một chương trình đào tạo với bộ tiêu chuẩn riêng dẫn đến đầu ra của học viên không đồng nhất, không tối ưu được hiệu quả đầu tư.

Đến năm 2010, BrSE được đào tạo tập trung tại TP HCM, đối tượng chủ yếu là các cán bộ chủ chốt, có kinh nghiệm tại FPT Software ba miền. Đầu năm 2014, trước nhu cầu nguồn lực tăng cao đột biến, đơn vị đã triển khai việc mở rộng trở lại việc đào tạo BrSE trên toàn quốc, nhưng lấy mô hình đào tạo BrSE tại TP HCM làm tiêu chuẩn do chị Nguyễn Thị Mai Anh làm quản lý dự án chung.

Thanh Nga

Ý kiến

()