Chúng ta

'FPT Retail sẽ kinh doanh mảng mới giống mô hình FPT Shop'

Thứ tư, 10/5/2017 | 17:51 GMT+7

Ghi nhận những thành quả đạt được sau 5 năm và đang đứng thứ 2 ở thị trường bán lẻ hàng công nghệ, nhưng TGĐ FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp cho rằng khoảng cách giữa Bán lẻ FPT với đối thủ dẫn đầu vẫn còn cách xa nhau. Vì vậy, theo chị FPT Retail vẫn còn phải học hỏi nhiều và có nhiều thứ phải làm, trong đó, không ngoại trừ các mảng kinh doanh mới.

Chiều nay (10/5), trang tin kinh tế - tài chính CafeBiz đã tổ chức Live stream "Cafe 8 độc quyền với người nổi tiếng" số đầu tiên. TGĐ FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp là khách mời "xông đất" chương trình này bởi kinh nghiệm chinh chiến trên thương trường suốt hàng chục năm qua cũng như những thành tích đã gặt hái được cùng Bán lẻ FPT (gồm hệ thống bán lẻ FPT Shop và chuỗi cửa hàng chuyên doanh sản phẩm Apple - F.Studio by FPT).

CEO FPT Retail vinh dự là khách mời

CEO FPT Retail vinh dự là khách mời "xông đất" Cafe 8 số đầu tiên.

Được mệnh danh "người đàn bà thép" của ngành bán lẻ công nghệ nhưng hẳn không nhiều người biết rằng chị Nguyễn Bạch Điệp lại đi lên từ một nhân viên bán hàng CNTT của FPT từ những năm 1994. Kinh qua nhiều công việc ở FPT như phân phối, làm dự án CNTT, Viễn thông... nhưng cuối cùng bán lẻ vẫn chọn chị giống như câu nói "nghề chọn người".

"Tôi thừa nhận, đúng là có những bất lợi đôi chút khi phụ nữ kinh doanh hàng công nghệ - viễn thông bởi hạn chế về tố chất kỹ thuật, nắm bắt công nghệ mới, xu thế mới… Ở FPT hơn 20 năm, tôi đã làm việc tại nhiều công ty thành viên của tập đoàn. Đang dừng chân ở mảng bán lẻ, tôi mới nhận ra rằng bán lẻ là lĩnh vực có lẽ phù hợp nhất với tôi vì yêu cầu công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, chi tiết, cầu toàn và cả phải hoạt động ở cường độ cao", CEO Nguyễn Bạch Điệp trải lòng.

Chị nhớ lại thời điểm FPT "chân ướt chân ráo" bước vào mảng bán lẻ. Đó là tháng 8/2007, nhận thấy xu hướng mua sắm sản phẩm kỹ thuật số sẽ nở rộ trong tương lai gần, FPT chính thức nhảy vào thị trường bán lẻ với 4 shop đặt tại Hà Nội và TP HCM mang thương hiệu [IN]. 

Không như kỳ vọng, FPT đã chịu lỗ 1 triệu USD ngay trong năm đầu tiên. Những năm tiếp theo, tập đoàn đã phải thay tới 7 đời Giám đốc điều hành ở mảng bán lẻ nhưng tình hình cũng không mấy sáng sủa. Hết kiên nhẫn, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình quyết định dừng cuộc chơi và ngừng kinh doanh. Một thành viên của Công ty Phân phối FPT (FDC thuộc FPT Trading) đã đề xuất xin giữ lại [IN] để làm cửa hàng giới thiệu sản phẩm của đơn vị.

Thời gian sau đó, chị Điệp có dịp tham quan và học hỏi mô hình kinh doanh của Alpha Mart (Indonesia) và quyết định đề xuất FPT quay trở lại mảng bán lẻ. Ngày 1/2/2012, FPT Retail chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần nhằm thực hiện đề án chuỗi bán lẻ của tập đoàn.

Được mệnh danh

Được mệnh danh "người đàn bà thép" của ngành bán lẻ công nghệ nhưng hẳn không nhiều người biết rằng chị Nguyễn Bạch Điệp lại đi lên từ một nhân viên bán hàng CNTT của FPT từ những năm 1994.

Chỉ sau hơn 2 năm "ra riêng", công ty đã đạt mức tăng trưởng gấp 3 lần. Năm 2016, FPT Retail trở thành đơn vị có mức tăng tưởng cao nhất FPT. Cụ thể, doanh thu của mảng bán lẻ là 10.585 tỷ đồng, tăng trưởng 35% và lợi nhuận trước thuế là 259 tỷ đồng, tăng trưởng 44,2%. Với tổng số 400 cửa hàng trên toàn quốc, FPT Retail trở thành thế lực thứ hai trong ngành bán lẻ công nghệ với doanh thu năm đạt trên 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được của FPT Retail không thể khái quát bằng vài dòng hoa mỹ ngắn ngủi. Để có được bước tiến dài như ngày hôm nay, FPT Retail đã phải nỗ lực rất nhiều trong những năm đầu tiên "ra riêng". Theo CEO Nguyễn Bạch Điệp, trong năm 2012-2013 là thời điểm FPT Retail chấp nhận tăng trưởng âm để tập trung xây dựng nền móng, từ hệ thống phần mềm quản lý, call center, website, quy trình...

Chị quan niệm, quy mô lớn rất quan trọng với ngành bán lẻ. Do đó, FPT Retail đẩy mạnh tốc độ mở shop mới nhằm thu hút được sự chú ý của các hãng, nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu với khách hàng cũng như đối thủ. 

Đến năm 2014, công ty bắt đầu tăng tốc mở chuỗi và tạo nên bước ngoặt khi là năm đầu tiên có được lợi nhuận hơn 40 tỷ đồng. Biết đã đi đúng hướng, trong năm 2015-2016, song song với việc mở rộng vùng phủ, FPT Retail tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, coi đó như một vũ khí quan trọng để cạnh tranh với các đối thủ vốn đã trở thành "lão làng".

"Tôi cho rằng, khi bắt tay mở chuỗi bán lẻ cần coi trọng Hệ thống phần mềm quản trị, nó phải được xây dựng đầu tiên. Tiếp đến là địa điểm mở shop và nhân sự. Đây là hai yếu tố chiếm chi phí lớn nhất trong hoạt động của cửa hàng", CEO FPT Retail đúc kết.

Chúng tôi đã nghiên cứu và đang xem xét kỹ lưỡng mảng kinh doanh mới để đầu tư. Tôi chưa thể nói gì nhiều lúc này, chỉ bật mí rằng lĩnh vực kinh doanh mới sẽ có

"Chúng tôi đã nghiên cứu và đang xem xét kỹ lưỡng mảng kinh doanh mới để đầu tư. Tôi chưa thể nói gì nhiều lúc này, chỉ bật mí rằng lĩnh vực kinh doanh mới sẽ có "size" nhỏ và vừa tương tự như mô hình của FPT Shop hiện tại", CEO Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ. 

"Những đối thủ đã đi trước FPT Retail hơn 10 năm rồi, trong khi chúng tôi mới chỉ trải qua 5 năm. Các con số tăng trưởng trong năm 2016 có thể coi là đạt và vượt kế hoạch tập đoàn đề ra. Nhưng tôi cảm thấy khoảng cách giữa FPT Retail và kẻ dẫn đầu vẫn còn ở khá xa, nên bản thân chưa thể hài lòng với kết quả lúc này được. Phía trước vẫn là con đường dài và tôi còn quá nhiều thứ phải học", CEO FPT Retail khảng khái.

Trả lời câu hỏi vì sao FPT Retail không kinh doanh thêm hàng điện máy - điện gia dụng, chị Điệp cho rằng đã xác định là nhà bán lẻ thì phải duy trì và giữ vững vị trí với "miếng bánh" của mình. Ngoài ra, để tăng trưởng nhanh hơn nữa thì FPT Reatail còn để ý đến các mảng bán lẻ khác ngoài hàng công nghệ.

Người đứng đầu FPT Retail đánh giá cao tiềm năng của mảng điện máy - điện gia dụng, tuy nhiên, FPT Retail sẽ chọn thời điểm thích hợp và làm khác đi môt chút so với những đối thủ đi trước.  

"2017 là năm bản lề để chuẩn bị cho sự phát triển của FRT trong tương lai. Chúng tôi đã nghiên cứu và đang xem xét kỹ lưỡng mảng kinh doanh mới để đầu tư. Tôi chưa thể nói gì nhiều lúc này, chỉ bật mí rằng lĩnh vực kinh doanh mới sẽ có "size" nhỏ và vừa tương tự như mô hình của FPT Shop hiện tại", CEO Nguyễn Bạch Điệp cho hay.

Trước khi dấn thân vào bán lẻ, chị Nguyễn Bạch Điệp từng gặt hái nhiều thành công trong vai trò quản lý nhiều lĩnh vực khác tại FPT. Đầu năm 2003, khi Nokia chọn FPT làm nhà phân phối, chị Điệp chuyển về F-Mobile để trở thành đối tác của hãng điện thoại Phần Lan. Sau những cống hiến không mệt mỏi, năm 2008, chị là nhân viên duy nhất của FPT HCM được tập đoàn tặng HC Lao động hạng Nhất. 

Năm 2009, trên cương vị TGĐ Công ty Viễn thông FPT miền Nam (FTS, FPT Telecom), chị đã sâu sát, tìm ra những lỗ hổng, áp dụng phương pháp chăm sóc khách hàng tốt và giảm rất nhanh tỷ lệ khách hàng rời mạng, số thuê bao thực sự (Net) tăng lên nhanh chóng. 

Năm 2010, khi FPT lập dự án liên doanh cùng tập đoàn siêu thị hàng đầu Indonesia, chị tiếp tục được tin tưởng giao phó vị trí Giám đốc dự án Alpha Mart và đã học hỏi được rất nhiều quy trình, hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp để áp dụng thành công vào FPT Retail ngày nay. Với hàng chục năm kinh nghiệm xây dựng và quản lý ở nhiều lĩnh vực "nóng" của FPT, chị Nguyễn Bạch Điệp được coi là “kho tri thức sống” vô giá, đặc biệt là ngành Phân phối - Bán lẻ. Năm 2014, chị được Chúng ta bình chọn là Lãnh đạo của năm.

>> Galaxy S8/S8 Plus 'dậy thì thành công'

Hà Dương

Ý kiến

()