Chúng ta

FPT Retail lên sàn với giá tham chiếu 125.000 đồng/cổ phiếu

Thứ tư, 18/4/2018 | 15:02 GMT+7

Với giá tham chiếu 125.000 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường của FPT Retail tính theo giá tham chiếu vào khoảng 5.000 tỷ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM vừa chấp thuận niêm yết 40 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT từ ngày 17/4. Sau đó hơn một tuần, từ ngày 26/4, cổ phiếu này chính thức giao dịch phiên đầu tiên với giá tham chiếu 125.000 đồng và biên độ dao động tối đa 20%. Vốn hóa thị trường của nhà Bán lẻ tính theo giá tham chiếu vào khoảng 5.000 tỷ đồng.

fpt-shop_1524038040.jpg

Theo số liệu của Euromonitor và Retail Asia Publishing, FPT Shop có doanh số/m2 vượt trội so với các đối thủ trong Top 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, với 15.717 USD/m2 (doanh thu/m2 diện tích sàn), FPT Shop đã trở thành nhà bán lẻ hiệu quả nhất.

Cổ phiếu FPT Retail (mã chứng khoán FRT) liên tục tăng mạnh trên thị trường chứng khoán phi tập trung sau những thông tin về việc niêm yết chính thức. Cuối năm 2017, cổ phiếu này được sang tay tại vùng giá 100.00 đồng, và hiện giao dịch trong khoảng 148.000-150.000 đồng.

Trước đó, ngày 17/4, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã quyết định chấp thuận niêm yết cổ phiếu FPT Retail. Theo đó, FPT Retail đăng ký niêm yết 40 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 400 tỷ đồng, với mã chứng khoán là FRT.

Từ ngày 16/4, VSD sẽ nhận lưu ký số cổ phiếu đăng ký trên. Đây là bước quan trọng trước khi FRT chính thức niêm yết Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Trao đổi với Chúng ta, Chủ tịch kiêm CEO FPT Retail - chị Nguyễn Bạch Điệp cho hay, cổ phiếu FPT Retail sẽ được niêm yết vào cuối tháng 4 như kế hoạch, dù thị trường đang giảm điểm mạnh.

Trong năm 2017, FPT Retail có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, đặc biệt là sự tham gia của hai cổ đông ngoại. Cơ cấu gồm: Tập đoàn FPT nắm 47% cổ phần, hai quỹ đầu tư là Dragon Capital và VinaCapital nắm 34,32%, còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Sau 6 năm đi vào hoạt động, FPT Retail đã trở thành nhà bán lẻ lớn thứ hai tại Việt Nam trong ngành kỹ thuật số và hàng công nghệ, với tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu đạt 47%/năm trong giai đoạn 2013-2017 và tốc độ tăng trưởng bình quân lợi nhuận sau thuế đạt 92%/năm trong giai đoạn 2014-2017. FPT Retail hiện có gần 500 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành. Doanh thu năm 2017 đạt gần 600 triệu USD, trong đó 15% đến từ doanh thu online.

Theo số liệu sau kiểm toán, doanh thu của FPT Retail trong năm 2017 đạt 13.800 tỷ đồng, tăng gần 18% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016.

Trong thời gian tới, FPT Retail sẽ mở rộng ngành nghề bằng việc đồng hành, hợp tác mở các cửa hàng chuyên doanh đầy đủ sản phẩm của Apple gồm: iPhone, iPad, Macbook, Apple Watch đạt chuẩn Apple toàn cầu. Ngoài ra, Bán lẻ FPT cũng tập trung mở rộng ngành nghề kinh doanh với chuỗi cửa hàng dược phẩm. Dự kiến, trong vòng ba năm tới, doanh thu công ty tăng 20% năm, lợi nhuận bình quân tăng 30%.

Năm 2018, FPT Retail đặt kế hoạch doanh thu thuần 16.020 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 377 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 30% so với năm trước. Cổ tức dự kiến 20% bằng tiền mặt.

Nhà F hiện có 3 mã chứng khoán đang giao dịch trên sàn gồm: FPT (mã FPT, sàn HOSE), FPT Telecom (mã FOX, sàn UPCoM), Chứng khoán FPT (FTS, sàn HNX). FRT sẽ là mã thứ 4 của nhà F.

>> CEO FPT Retail: ‘Doanh thu ngành dược sẽ chiếm 40%’

Nguyên Văn

Ý kiến

()