Chúng ta

FPT Retail đang thử nghiệm kinh doanh dược phẩm

Thứ hai, 4/12/2017 | 16:02 GMT+7

Chuỗi cửa hàng chuyên doanh dược phẩm do cá nhân chị Nguyễn Bạch Điệp - TGĐ FPT Retail đầu tư và đang vận hành thử nghiệm độc lập với FPT Shop và F.Studio by FPT. Dự kiến, cuối năm 2018, đơn vị sẽ có thông tin chính thức về ngành hàng mới này. 

Trong buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào FPT Retail tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, chị Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Retail cho biết đơn vị đang đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kép doanh thu và lợi nhuận hàng năm lần lượt là 24% và 33,5%. Tăng trưởng hai chữ số trong bối cảnh thị trường điện thoại có dấu hiệu bão hòa được xem là thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, thông qua việc đàm phán với nhà cung cấp để cải thiện tỷ suất lợi nhuận, tận dụng lợi thế về quy mô trong quản lý hoạt động để tiết kiệm chi phí cố định trên mỗi cửa hàng và thay đổi tỷ trọng ngành hàng nên công ty tự tin vẫn bám sát chỉ số này trong vòng ba năm tới.

FPT Retail cũng sẽ không dấn thân vào ngành hàng điện máy vì chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý các cửa hàng có diện tích lớn. Thay vào đó, đơn vị tìm kiếm những lĩnh vực có dư địa phát triển nhiều hơn để đầu tư. 

FPT-ban-duoc-pham-3866-1512377351.jpg

Chủ tịch kiêm TGĐ FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp (thứ 2 từ trái qua) tiết lộ, việc đầu tư vào ngành bán lẻ dược phẩm thuộc phạm vi cá nhân và đang chạy thử nghiệm.

Theo người đứng đầu FPT Retail, thị trường bão hòa buộc nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh ngành nghề mới trên nền tảng kinh nghiệm quản trị chuỗi bán lẻ đang có. Thế Giới Di Động là một ví dụ điển hình khi họ phát triển thêm Điện máy Xanh, Bách hóa Xanh... FPT Retail cũng không nằm ngoài xu hướng mở rộng này và đang cân nhắc "nhảy" vào ngành bán lẻ dược phẩm.

Chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm được FPT Retail lựa chọn đầu tư là hệ thống cửa hàng bán lẻ dược phẩm mang thương hiệu Long Châu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là bước đi thử nghiệm của FPT Retail và việc đầu tư đều thuộc phạm trù cá nhân chứ không phải trên danh nghĩa công ty xúc tiến, vì vậy, không ảnh hưởng gì đến doanh thu cũng như tốc độ tăng trưởng của FPT Retail. Quá trình thử nghiệm dự kiến kéo dài đến giữa năm hoặc cuối năm 2018 trước khi FPT Retail có công bố chính thức.

Bên cạnh những lĩnh vực như cửa hàng tiện lợi, thời trang, nhà hàng, thì dược phẩm cũng là một trong những ngành hàng từng được TGĐ FPT Retail chia sẻ về hướng đi mới của đơn vị hồi cuối năm ngoái và nửa đầu năm nay. Đây cũng là ngành bán lẻ được đánh giá còn rất nhiều dư địa phát triển. 

FPT-duoc-pham-2-1922-1512377351.jpg

Bán lẻ dược phẩm được nhận định còn nhiều dư địa phát triển ở Việt Nam.

Theo IMS Health, tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng chi tiêu cho tiền thuốc giai đoạn 2017-2021 của Việt Nam sẽ đạt 15-17% nhờ vào dân số tăng trưởng nhanh cùng với thu nhập bình quân đầu người cải thiện, dẫn tới sự quan tâm chăm sóc sức khỏe ngày càng cao. Việt Nam bắt đầu bước qua giai đoạn già hóa dân số từ năm 2017, trong khi các nghiên cứu cho thấy, số năm bệnh tật và số loại bệnh trung bình mắc phải của người già đang gia tăng nhanh chóng.

IMS cho biết, chi tiêu tiền thuốc bình quân đầu người của Việt Nam hiện mới đạt 33 USD/người/năm. Dự báo con số này vào năm 2021 mới đạt 55 USD, so với mức bình quân 117 USD/người/năm của 22 thị trường dược mới nổi.

Hiện tại, thị trường bán lẻ dược phẩm mới xuất hiện một số chuỗi phân phối như Phano Pharmacy, Pharmacity hay PAK Pharmacy. Các hệ thống này có vốn điều lệ ở mức vài chục tỷ cho tới 120 tỷ đồng.

Đứng đầu thị trường dược phẩm hiện nay là Phano Pharmacy, một công ty khá trẻ trong ngành công nghiệp bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam. Đơn vị này hiện có 49 cửa hàng trên toàn quốc, với độ bao phủ tại 12 tỉnh thành. Tuy nhiên, Phano Pharmacy hiện mới chỉ có mặt từ khu vực miền Trung trở vào, trọng tâm là thị trường phía Nam. Hệ thống này được biết đến nhiều nhất tại TP HCM với 28 cửa hàng; tại một số tỉnh khác như An Giang, Kiên Giang, Cà Mau mật độ 2-4 cửa hàng. Đứng thứ 2 là Pharmacity mới hoạt động từ năm 2012 và đang có 39 cửa hàng tại TP HCM.

Như vậy có thể thấy, hiện chưa có "kẻ dẫn đầu" nào chiếm đến 20% thị phần ngành bán lẻ dược phẩm và thị trường vẫn chủ yếu vẫn nằm rải rác ở các cửa hàng nhỏ lẻ. Điều này khá tương đồng với bối cảnh thị trường điện thoại di động khoảng 10 năm trước đây, thị phần chủ yếu thuộc về cửa hàng truyền thống cho đến khi có sự xuất hiện của các hệ thống bán lẻ với nguồn vốn dồi dào và sự phục vụ chuyên nghiệp hơn. 

>> FPT Retail đặt mục tiêu trở thành công ty tỷ đô vào năm 2020

Hà Dương

Ý kiến

()