Chúng ta

FPT lọt Top 10 doanh nghiệp có năng lực công nghệ 4.0 tiêu biểu

Thứ hai, 17/9/2018 | 22:00 GMT+7

Theo VINASA, điểm sáng mới của FPT là phát triển phần mềm cho xe tự lái và bắt đầu hợp tác cung cấp dịch vụ cho một số hãng xe lớn tại Nhật, châu Âu.

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) vừa công bố danh sách “50+10 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018” và ra mắt Ấn phẩm đặc biệt giới thiệu các doanh nghiệp trong Top, diễn ra chiều 17/9 tại Hà Nội.

vnp-vina-6008-1537195984.jpg

Lễ công bố danh sách 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018. Từ trái qua: Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng Bình chọn và bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký VINASA.

Theo danh sách được VINASA công bố, 10 cái tên tiêu biểu có năng lực công nghệ 4.0 gồm: FPT, Viettel, VNG, Misa, Novaon, DEHA Vietnam, NashTech Vietnam, Sao Bắc Đẩu, Vnext, VNPay.

"Trong đó, FPT hiện có gần 33.000 CBNV, với 13.695 kỹ sư. Đơn vị này cũng là doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực như xuất khẩu phần mềm, tích hợp hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin, phân phối sản phẩm công nghệ tại Việt Nam", VINASA đánh giá.

Được tổ chức từ năm 2014, năm nay, chương trình bình chọn danh sách “50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam” có một số cải tiến nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, cũng như có những định hướng phát triển phù hợp với xu thế công nghệ trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cụ thể, ngoài các tiêu chí “truyền thống” như nhân lực, thị trường và khách hàng, công nghệ và sản phẩm, tăng trưởng doanh thu, công tác quản trị doanh nghiệp… Chương trình bình chọn năm 2018 còn tập trung vào việc phát hiện các điểm sáng là những doanh nghiệp tiêu biểu về năng lực công nghệ 4.0, thông qua các sản phẩm – giải pháp sử dụng các công nghệ mới (AI, IoT, Big Data, Blockchain…) để giải quyết những bài toán đang tồn tại trong xã hội.

Có 53 doanh nghiệp được chọn ở 2 nhóm 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam và 10 doanh nghiệp có năng lực công nghệ 4.0 tiêu biểu. Đây đều là các doanh nghiệp đang có sự phát triển mạnh mẽ, có khả năng tác động ảnh hưởng tới xu thế phát triển của thị trường và ngành công nghệ tại Việt Nam.

8-JPG-2177-1515312523-8498-152-3594-3379

Xe ô tô tự lái của FPT đã trải qua khoảng 200 giờ chạy trong khuôn viên tòa nhà F-Town. Nhóm R&D đã mô phỏng các trải nghiệm trong thế giới thực cùng rất nhiều bài thử nghiệm nhằm kiểm tra khả năng lái xe đúng làn hay học cách tránh người đi đường, vật cản.

53 doanh nghiệp hiện diện trong danh sách "50+ 10 Doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam 2018” có tổng doanh thu năm 2017 đạt 374.433 tỷ đồng, nhân lực gần 93.000 người.

Tại lễ công bố danh sách 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam, anh Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA, cho biết, sau nhiều cố gắng Việt Nam đã có tên trên bản đồ CNTT thế giới. Giai đoạn tiếp theo, cả Chính phủ và VINASA đều muốn Việt Nam trở thành cường quốc về CNTT.

Anh Bình cho biết hiện quốc gia phát triển mạnh về dịch vụ CNTT là Ấn Độ có doanh 2017 là 160 tỉ USD. Trong khi đó ngành này của Việt Nam đạt doanh thu 16,69 tỉ USD. Mặc dù doanh thu ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam còn kém Ấn Độ nhiều nhưng Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm bằng Ấn Độ (tăng 13% mỗi năm).

Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình cho rằng, nếu giữ tốc độ tăng trưởng này thì không bao giờ đuổi kịp được Ấn Độ, các doanh nghiệp cần phải phấn đấu để có tốc độ tăng trưởng mạnh hơn. Ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam cần phấn đấu có doanh thu tăng 10 lần trong 10 năm tới. Để đạt được điều này, anh Bình cho rằng các doanh nghiệp cần đẩy mạnh cung cấp những dịch vụ và giải pháp với công nghệ mới như: trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số…

Theo VINASA, đại đa số các doanh nghiệp thuộc “Top 50” năm nay đều cho biết họ không chỉ tập trung vào các “bài toán” kinh doanh mà còn quan tâm đến việc đầu tư xây dựng năng lực công nghệ mới và tham gia vào quá trình chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản phẩm – dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Chẳng hạn, FPT phát triển phần mềm cho xe tự lái, Viettel đưa các công nghệ mới vào phát triển các sản phẩm – giải pháp cho các dự án về Chính phủ điện tử, giáo dục, thành phố thông minh; VNG thành lập trung tâm nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng IoT, AI…

Tiến sĩ Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng Bình chọn của Chương trình cho hay, với lợi thế nguồn nhân lực trẻ năng động cũng như bắt kịp xu thế của ngành công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung đầu tư và phát triển các công nghệ mới.

"Qua quá trình thẩm định thực tế tại doanh nghiệp và đánh giá của Hội đồng chung tuyển cho thấy, các ứng dụng phát triển trên nền công nghệ 4.0 đang có những bước đột phá. Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào ‘cuộc chơi 4.0,’ kiến tạo một hình ảnh mới cho nền công nghệ thông tin Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới…”, Tiến sĩ Trực nhận định.

>> Gần 30 gian hàng công nghệ nổi bật tại FPT Techday 2018

Tân Phong

Ý kiến

()