Chúng ta

FPT lấy ý kiến online về 'Nâng cao năng lực cạnh tranh'

Thứ hai, 17/8/2015 | 14:18 GMT+7

Hơn 7.000 CBNV Level 3 trở lên trong toàn tập đoàn sẽ tham gia lấy ý kiến về Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua hệ thống khảo sát online, từ ngày 18/8 đến 22/9. Đây là năm thứ hai tập đoàn triển khai dự án này, nhằm xác định và tìm giải pháp loại bỏ những bất cập gây ảnh hưởng đến sự cạnh tranh và phát triển bền vững.

Ngày 13/8, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc đã ký quyết định triển khai chương trình “Nâng cao Năng lực cạnh tranh 2015” trên toàn tập đoàn, được thực hiện bởi Ban Nhân sự FPT thông qua hệ thống khảo sát lấy ý kiến online.

Bảng câu hỏi khảo sát gồm 2 phần: Ý kiến về việc xử lý/thực hiện các vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh trong năm 2014 và Đề xuất ý kiến cho 2015. CBNV tham gia survey năm nay sẽ đóng góp trên 10 vấn đề chính là: Chiến lược/Kế hoạch; Kinh doanh; Sản phẩm/ Giải pháp/Dịch vụ/Công nghệ; Nhân lực; Tổ chức - lãnh đạo; Sản xuất, chất lượng; Tin học hóa; Tài chính - Kế toán; Cơ sở vật chất và Văn hóa.

FPT Software là đơn vị duy nhất không tham gia chương trình này do mới thực hiện Hội nghị 1B2020 theo hình thức Vivek Paul, thu nhận hơn 300 ý kiến đóng góp.

Các đại biểu tham gia Hội nghị 1B2020 của FPT Software được chia thành các nhóm vấn đề để xác định rào cản và tìm ra phương hướng giải quyết.

Các đại biểu tham gia Hội nghị 1B2020 của FPT Software được chia thành các nhóm vấn đề để xác định rào cản và tìm ra phương hướng giải quyết.

Dữ liệu thu được sau kỳ khảo sát sẽ được FHR phân tích trước khi gửi về các đơn vị để xem xét và xác định vấn đề.

Tháng 7/2014, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã ký quyết định triển khai dự án "Nâng cao năng lực cạnh tranh" áp dụng toàn FPT, kéo dài đến tháng 12/2014. Theo đó, các đơn vị trong tập toàn gồm FPT Software, FPT IS, Khối Giáo dục FPT, FPT Telecom, FPT Trading, FPT HO đã tổ chức hội nghị theo format Vivek Paul để tìm ra những bất cập.

Sau chương trình, tập đoàn đã thu về 1.750 ý kiến, trong đó có 934 ý kiến thu được qua survey và 816 ý kiến trực tiếp với các lãnh đạo qua 6 buổi hội nghị Vivek Paul. FPT Telecom và FPT IS dẫn đầu về số lượng CBNV tham gia đóng góp.

Các vấn đề được CBNV quan tâm nhất xoay quanh chính sách đãi ngộ, quy trình sản xuất kinh doanh, nhân lực, tin học hóa… Nhiều ý kiến chia sẻ thẳng thắn, mang tính xây dựng nhưng cũng không ít ý kiến bề nổi, ngại đề cập vào vấn đề. Song nhìn chung, người FPT đều đánh giá cao tầm quan trọng và tính cần thiết của hội nghị để tập đoàn có thể phát triển đột phá hơn trong bối cảnh hiện nay. Nó sẽ giúp FPT nhìn lại và cải tạo những bất cập một cách hệ thống hơn, giúp tăng cường sức mạnh nội lực để phát triển. 

Theo TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố cấp thiết và cần phải tiến hành ngay để giúp tập đoàn chiếm lĩnh thị trường trong nước và rộng bước tiến ra toàn cầu. Dự án này được xuất phát từ nhu cầu phát triển của tập đoàn, trong bối cảnh thị trường Việt Nam dù khó khăn nhưng vẫn tiềm năng, đòi hỏi FPT phải tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt với chiến lược toàn cầu hóa, FPT cần phải thay đổi để tăng tính chuyên nghiệp, thay đổi mô hình kinh doanh và bổ sung nguồn lực chất lượng cao cho thị trường mới.

Năm 2011, FPT Software là đơn vị đầu tiên trong tập đoàn tiến hành hội nghị theo format Vivek Paul. Những giải pháp được đưa ra sau hội nghị đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho FPT Software, đưa đơn vị trở lại tốc độ tăng trưởng 30% một năm, đội ngũ nhân sự cũng tăng từ 3.000 người lên hơn 8.000 người tính đến nay. Mới đây, FPT Software cũng đã tiến hành Hội nghị 1B2020 nhằm xác định rào cản để tiến tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD và 30.000 người vào năm 2020.

Paul Vivek là người Ấn Độ nhưng đến từ nước Mỹ, nơi ông đã lãnh đạo một công ty đa quốc gia như GE trong nhiều năm. Ngay từ khi sang Wipro đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch và CEO từ năm 1999 đến 2005 của Wipro - Công ty Dịch vụ IT lớn thứ hai Ấn Độ với hơn 120.000 nhân viên trên toàn cầu (theo số liệu tháng 3/2011), Paul đã làm cho các nhân viên Ấn Độ thuần túy phải suy nghĩ với tư duy toàn cầu. Paul đã thay đổi được toàn bộ tư duy của nhân viên nhờ triết lý đơn giản: "Hãy tập trung vào việc cần phải làm. Chỉ có hiện tại là quan trọng, không đặt nặng vấn đề quá khứ và ảnh hưởng của lịch sử".

>> Vivek Paul: 'Đừng bao giờ quên mình là ai'

Thanh Nga

Ý kiến

()