Chúng ta

FPT IS vận hành hệ thống Core Banking cho Ngân hàng Nhà nước

Thứ ba, 11/7/2017 | 17:40 GMT+7

Sau hơn 6 tháng hoạt động thử nghiệm, Hệ thống ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống của Ngân hàng Nhà nước do FPT IS là nhà thầu chính, được vận hành từ hôm nay (ngày 11/7).

Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với FPT IS tổ chức Lễ Công bố vận hành hệ thống ngân hàng lõi, kế toán, lập ngân sách và tích hợp hệ thống của Ngân hàng Nhà nước, thuộc phạm vi Hợp đồng SG3.1 của dự án FSMIMS sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới.

Với việc triển khai thành công SG3.1, NHNN đã có được một hệ thống thông tin hiện đại, tương đối hoàn chỉnh để hỗ trợ tích cực cho điều hành chính sách tiền tệ cũng như công tác quản lý nguồn lực nội bộ của mình.

fis-8405-1499763313.jpg

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, FPT và Ngân hàng Thế giới chính thức vận hành hệ thống.

Hệ thống mới gồm 5 cấu phần: Hệ thống Ngân hàng lõi, Trục tích hợp với các hệ thống thông tin nghiệp vụ, Hệ thống Quản lý nguồn lực nội bộ (ERP), Hệ thống đấu thầu và thị trường mở, Cổng thông tin. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến này đã giúp NHNN thay đổi căn bản những hạn chế còn tồn đọng, đổi mới quy trình và cách thức làm việc. Cụ thể, về mặt nghiệp vụ, các cán bộ của NHNN chỉ cần một tài khoản đăng nhập duy nhất để có thể kết nối vào tất cả ứng dụng thay vì với mỗi ứng dụng có một tài khoản như trước đây; các bước trong một nghiệp vụ sẽ được xử lý xuyên suốt và khép kín theo thông lệ quốc tế... Điều này sẽ giúp tăng cường mối liên kết và xử lý tự động giữa các bước trong quy trình nghiệp vụ, giảm thời gian tác nghiệp và tăng năng suất, hiệu quả lao động… Cổng thông tin giúp cán bộ NHNN có thể truy cập tất cả hệ thống khác mà không cần đăng nhập nhiều lần.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng có thể truy cập thông tin liên quan đến tài khoản, dự trữ bắt buộc hay thực hiện các giao dịch gửi, rút tiền với NHNN mà không cần trực tiếp tới tận nơi. Về mặt công nghệ, hệ thống mới được thiết kế có khả năng chịu lỗi cao, đảm bảo giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận hành; Cơ sở dữ liệu được tổ chức, quản lý tập trung; cung cấp cho NHNN hệ thống ngân hàng lõi tiên tiến, hiện đại…

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN, cho biết, Hệ thống SG3.1 mới này có phạm vi triển khai phức tạp, không chỉ có cấu phần Ngân hàng lõi (Core Banking) mà còn bao gồm các cấu phần: Lập kế hoạch quản lý nguồn lực (ERP), quản lý ngân sách và xây dựng nền tảng tích hợp các hệ thống ứng dụng khác của NHNN. Với phạm vi triển khai này, NHNN là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam triển khai đồng thời 2 cấu phần Core Banking và ERP, điều mà các ngân hàng thương mại đều cố gắng tránh do tính phức tạp của nghiệp vụ và khối lượng công việc phải triển khai rất lớn.

Cũng theo ông Kim Anh, hệ thống Core Banking của NHNN ngoài các chức năng tương tự như hệ thống tại các tổ chức tín dụng, còn có thêm các chức năng đặc biệt để giúp NHNN thực thi các nhiệm vụ với vai trò của ngân hàng trung ương như: Nghiệp vụ thị trường mở, đấu thầu trái phiếu kho bạc, tín phiếu NHNN, trái phiếu VAMC, đấu thầu vàng; nghiệp vụ chiết khấu, tái chiết khấu, nghiệp vụ quản lý dự trữ bắt buộc...

“Qua 2,5 năm triển khai, đến giờ có thể khẳng định hệ thống SG3.1 đã được áp dụng thành công, là một bước chuyển lớn của NHNN. Toàn bộ hoạt động, nghiệp vụ kế toán, tài chính trên toàn quốc của NHNN đang thực hiện phân tán và trên nhiều hệ thống ứng dụng khác nhau trước đây đã được thay thế bằng một hệ thống SG3.1 duy nhất. Trong đó, các nghiệp vụ đã được chuẩn hóa và cung cấp dịch vụ theo nhiều kênh khác nhau trên toàn bộ hệ thống của NHNN tại 63 tỉnh thành và hơn 100 tổ chức tín dụng trên toàn quốc”, ông Kim Anh nhấn mạnh.

Đại diện NHNN cũng cho hay, bên cạnh các thay đổi về quy trình nghiệp vụ thì hệ thống SG3.1 cũng là một bước tiến dài về mặt ứng dụng công nghệ của NHNN. Cụ thể, hệ thống mới này sử dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới như Core Banking của Temenos, ERP của Oracle financial, trục tích hợp tập trung (Enterprise Services Bus - ESB) của TIBCO đã được sử dụng rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và nhiều tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Chia sẻ tại lễ công bố, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc nhận định, SG3.1 là hợp phần lõi, đóng vai trò quan trọng trong dự án tổng thể FSSMIMS với mục tiêu hiện đại hóa ngành ngân hàng Việt Nam. Sự kiện công bố vận hành hệ thống SG3.1 mở ra một chặng đường đầy thử thách nhưng cũng trở thành động lực cho FPT. Đây là một trong những hợp đồng có phạm vi rộng và phức tạp nhất trong lịch sử triển khai của FPT. Đơn vị đã vận dụng các kinh nghiệm được tích lũy qua hơn 20 năm sát cánh cùng ngành tài chính ngân hàng. Đồng thời lựa chọn các giải pháp công nghệ hàng đầu trên thế giới như giải pháp ngân hàng lõi T24 của Temenos hay giải pháp trục tích hợp ESB lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam. Đây cũng là hợp đồng đầu tiên triển khai đồng thời hai cấu phần ngân hàng lõi và ERP.

Dự án không chỉ tạo nên những bước tiến lớn cho NHNN về mặt công nghệ mà còn giúp NHNN rút gọn, hiện đại hóa các quy trình nghiệp vụ từ xử lý, hạch toán thủ công, phân tán sang tự động hóa, xử lý và kiểm soát tập trung. "Toàn bộ giao dịch liên ngân hàng đều đi qua hệ thống này nên nếu trong thời gian triển khai để xảy ra lỗi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế cũng như hoạt động an sinh xã hội của quốc gia. Vì vậy, chúng tôi luôn luôn đặt ra yêu cầu cao nhất đối với đội dự án. Hơn 2 năm qua, FPT đã đầu tư 70-150 người thường xuyên tham gia với gần 200.000 giờ làm việc để đảm bảo hệ thống được vận hàng tốt nhất", TGĐ FPT nhấn mạnh.

"Dự án FSMIMS được coi là một dự án phức tạp cao theo các tiêu chuẩn của Ngân hàng và có quy mô vận hành triển khai lớn nhất bởi Ngân hàng Nhà nước, Trung tâm thông thông tin Tín dụng CIC và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam DIV. Dự án này đang tiến triển rất thuận lợi và chúng ta có thể tiến hành đóng dự án với những kết quả thành công cao vào cuối tháng 12 năm nay", ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, nhận định.

Tử Quyên

Ý kiến

()