Chúng ta

FPT hỗ trợ doanh nghiệp Myanmar nâng cao năng lực quản trị

Thứ sáu, 27/9/2013 | 19:27 GMT+7

“Tôi rất hy vọng FPT sẽ giúp các doanh nghiệp Myanmar đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào hoạt động, dựa trên năng lực và kinh nghiệm dồi dào, cùng vị thế đối tác lớn của hãng SAP và Oracle tại khu vực châu Á”, anh Hoàng Minh Châu, Chủ tịch FPT Myanmar, chia sẻ.
> ‘FPT sẽ tạo 5.000 việc làm tại Myanmar’ / Thời cơ vàng ở Myanmar

Sáng ngày 27/9, Công ty Dịch vụ FPT Myanmar, Ban Truyền thông FPT IS, FPT IS ERP và FPT Software phối hợp cùng SAP (công ty giải pháp ERP hàng đầu thế giới), ACE Data Systems (Công ty CNTT hàng đầu Myanmar) tổ chức hội thảo “ERP - Cách tân phương pháp quản trị doanh nghiệp tương lai” tại khách sạn Summit Parkview, Yangon, Myanmar.

Theo đó, hội thảo tập trung vào phân tích, đánh giá những lợi ích thực tiễn mà ERP mang lại cho doanh nghiệp như tiết kiệm chi phí quản lý, tăng tính cơ động trong kiểm soát nguồn vốn, nguồn nhân lực, hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định kịp thời… và cách thức biến đổi phương pháp quản trị doanh nghiệp địa phương theo tiêu chuẩn quốc tế.

a

Các quan khách tham dự hội thảo ERP tại Myanmar. Ảnh: C.T.

Tham gia hội thảo, ông Nyan Tun Oo - Bộ trưởng Năng lượng và công nghiệp vùng Yangon, đã nhấn mạnh tầm quan trọng về đổi mới cách quản trị của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

Những kinh nghiệm triển khai ERP thành công tại Việt Nam, nước có khá nhiều điểm tương đồng với Myanmar, cũng là bài học quý giá mà các nhà quản lý nước này có thể học hỏi, nghiên cứu để tìm ra giải pháp phù hợp cho doanh nghiệp mình.

ERP (Enterprise Resource Planning - Quản lý Nguồn lực doanh nghiệp) được đánh giá là một hệ thống ứng dụng đa phân hệ (Multi Module Software Application) giúp tổ chức, doanh nghiệp quản lý hiệu quả các nguồn lực và điều hành tác nghiệp hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Nói cách khác, ERP cung cấp cho các nhà quản lý doanh nghiệp khả năng quản lý và điều hành tài chính - kế toán, quản lý vật tư, sản xuất, kinh doanh và phân phối sản phẩm, dự án, dịch vụ, khách hàng, nhân sự, các công cụ dự báo và lập kế hoạch, báo cáo…

a

Ông Nyan Tun Oo, Bộ trưởng Năng lượng và công nghiệp vùng Yangon, đã nhấn mạnh tầm quan trọng về đổi mới cách quản trị của doanh nghiệp trong nước. Ảnh: C.T.

Ngoài hệ thống ERP, DMS (Distributor Management System - Hệ thống quản lý phân phối), một giải pháp ứng dụng CNTT khác trong quản lý doanh nghiệp, cũng đã được giới thiệu tại hội thảo. DMS là giải pháp chuyên nghiệp đầu cuối giúp quản lý hiệu quả việc kinh doanh thông qua các nhà phân phối, như tự động hóa quá trình bán hàng, kiểm soát hoạt động phân phối, duy trì hàng tồn kho ở mức tối ưu, tiết kiệm thời gian và cải thiện tốc độ thị trường, tối ưu hóa sử dụng nguồn lực…

Trong đó, ưu điểm nổi bật của giải pháp này là tập trung vào tăng năng suất của nhân viên bán hàng, một đối tượng có đặc thù công việc phải liên tục di chuyển thông qua thiết bị cầm tay thông minh (smartphone, máy tính bảng).

Tại hội thảo, anh Hoàng Minh Châu, Chủ tịch FPT Myanmar, cho rằng, Myanmar đang đứng trước vận hội lớn để tăng trưởng vượt bậc. Các doanh nghiệp Myanmar sẽ giữ vai trò quan trọng để thúc đẩy tiến trình này đi lên. Tuy nhiên, năng lực quản trị doanh nghiệp sẽ là yếu tố gây cản trở nếu như không được xây dựng trên một nền tảng bền vững và có tính linh hoạt theo tiêu chuẩn quốc tế.

a

Anh Hoàng Minh Châu hy vọng FPT sẽ giúp các doanh nghiệp Myanmar đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào hoạt động. Ảnh: C.T.

“Với mong muốn được đóng góp cho sự phát triển của Myanmar thông qua hợp tác cùng những doanh nghiệp IT hàng đầu của nước này, FPT đã xúc tiến mở công ty tại đây. Tôi rất hy vọng FPT sẽ giúp các doanh nghiệp Myanmar đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào hoạt động, dựa trên năng lực và kinh nghiệm dồi dào, cùng vị thế đối tác lớn của hãng SAP và Oracle tại khu vực châu Á”, anh Châu chia sẻ thêm. 

a

Lãnh đạo Myanmar trao đổi với đối tác bên lề hội thảo. Ảnh: C.T.

Nhận giấy phép hoạt động từ đầu tháng 7, FPT Myanmar sẽ tập trung vào lĩnh vực: Xuất khẩu phần mềm, Tích hợp hệ thống, Đào tạo CNTT, Dịch vụ quản trị doanh nghiệp và tư vấn. Mục tiêu chính là hợp tác cùng các cơ quan chính phủ và Hiệp hội Máy tính Myanmar phát triển ngành công nghiệp phần mềm và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho đất nước này.

Dựa trên mô hình đào tạo “on job training” (vừa học vừa làm), FPT Myanmar sẽ giúp nước này đào tạo số lượng lớn kỹ sư CNTT chất lượng cao, đáp ứng kịp thời cho nhu cầu nguồn nhân lực. Đồng thời, công ty cũng cam kết mang tới những chuyên gia giỏi và công nghệ phù hợp với khả năng đầu tư tài chính của doanh nghiệp trong nước ở các lĩnh vực như Tài chính - Ngân hàng, Viễn thông, Quản lý nguồn lực doanh nghiệp ERP, e-Government…

Hội thảo có sự góp mặt của Liên đoàn các phòng thương mại và công nghiệp Myanmar (UMFCCI), đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và đại diện hơn 200 doanh nghiệp lớn của Myanmar.

FPT có nguồn lực triển khai ERP đông đảo nhất Việt Nam. Tập đoàn cũng là đơn vị triển khai nhiều dự án SAP nhất tại Việt Nam, là đối tác chiến lược duy nhất của SAP tại Việt Nam và Đông Dương, là đối tác toàn cầu của SAP tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, là đơn vị duy nhất thành lập Học viện Đào tạo tư vấn quốc tế SAP tại Việt Nam trong chiến lược hợp tác phát triển với SAP.

FPT đã có kinh nghiệm triển khai ERP cho nhiều doanh nghiêp, tổ chức lớn nhỏ tại Việt Nam như: Bộ Tài chính Việt Nam, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Thép Việt- Pomina, Prime Group, Vinamilk, Đồng Tâm Group, Toàn Mỹ, Điện Quang, Vietsov Petro, Công ty cảng biển quốc tế SP-PSA, Công ty cổ phần Bánh kẹo Bibica, Công ty cổ phần cáp và vật liệu viễn thông - SACOM, Công ty CP Bánh kẹo Phạm Nguyên, Tập Đoàn Trung Nguyên, Tập đoàn Anova Group, Siêu thị Big C, Công ty CP Đầu tư và Thương mại SMC, Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức House, Công ty CP Licogi16, Cáp Thịnh Phát, Nhựa Đại đồng tiến... FPT cũng là đơn vị tổng thầu của dự án ERP Petrolimex - dự án ERP có quy mô và giá trị lớn nhất tính đến thời điểm này.

Nguyễn Nhàn

Ý kiến

()