Chúng ta

FPT Edu dự hội nghị thường niên CDIO châu Á

Thứ bảy, 17/3/2018 | 12:21 GMT+7

Đại diện FPT là một trong  5 trường tại Việt Nam được kết nạp là thành viên của Hiệp hội CDIO khu vực châu Á.

Từ ngày 12 đến 14/3,  Hội nghị thường niên CDIO vùng châu Á năm 2018 đã diễn ra tại Đà Nẵng. Tham dự có gần 200 đại biểu của 55 trường đại học đến từ 12 quốc gia trên thế giới. Cuộc gặp gỡ CDIO cấp vùng châu Á 2018 do Đại học Duy Tân, TP Đà Nẵng đăng cai tổ chức. Đoàn FPT tham dự với khoảng 10 cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Hiệp hội CDIO khu vực châu Á hiện có 28 thành viên. Tại Việt Nam đã có 5 trường đại học được kết nạp là thành viên của Hiệp hội CDIO, bao gồm Đại học Quốc gia TP HCM, Đại học Duy Tân, Đại học Thủ Dầu Một, Đại học Đà Lạt và ĐH FPT. 

0chon-CIF-6862.jpg

Lần đầu tiên hội nghị thường niên CDIO châu Á diễn ra tại Việt Nam. Ảnh: ICT Đà Nẵng.

Đại diện FPT cho biết, hội nghị là cơ hội để các thành viên trong khu vực chia sẻ những kinh nghiệm hay nhất trong hiện thực hóa đổi mới sáng tạo lĩnh vực giáo dục kỹ thuật. Ban Tổ chức cũng triển khai cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật (CDIO Academy) dành cho sinh viên.

Bắt đầu tiếp cận với CDIO năm 2012, từ năm 2015 đến nay, CDIO trở thành khái niệm được nhiều cán bộ, giảng viên FPT Education quan tâm, tìm hiểu và nghiên cứu áp dụng. Cùng với ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Duy Tân, ĐH Thủ Dầu Một và ĐH Đà Lạt, FPT Education là đơn vị giáo dục thứ 5 của Việt Nam được công nhận trở thành thành viên CDIO vào năm 2017.

Trước đó, FPT đã tham gia trình bày tham luận với dự án “Xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo tích hợp tiếp cận CDIO” cho hai nghề mới là Quan hệ công chúng - PR & Tổ chức sự kiện và Thương mại điện tử - Digital & Online Marketing” từ thực tiễn công tác giảng dạy tại FPT Polytechnic (thuộc FPT Education) cùng 37 trường đại học tại Hội thảo CDIO 2016. Tiếp đó, ngày 15/3/2017, dự án này được bảo vệ thành công trước hội đồng CDIO tại Thái Lan, FPT chính thức trở thành viên của CDIO.

Tiếp cận giáo dục CDIO, FPT hướng đến một thế hệ trẻ C-D-I-O sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng trong bối cảnh quốc tế với đầy đủ năng lực hình thành Ý tưởng (Conceive) - Thiết kế (Design) - Triển khai (Implement) - Vận hành (Operate).

Khởi nguồn vào năm 2000 từ Viện Công nghệ Massachusetts - MIT (Mỹ), đến nay, mạng lưới các trường đại học áp dụng CDIO trên thế giới đang ngày càng được mở rộng, đặc biệt là ở Mỹ và Bắc Âu.

29315252-1444478402329627-5090-1181-8863

Sinh viên FPT trao đổi với các chuyên gia nước ngoài về mô hình giáo dục.

CDIO được biết đến như là một hệ thống các phương pháp xây dựng chương trình, nội dung và cách thức đào tạo các ngành nghề kỹ thuật. CDIO cũng được xem như một quy trình đào tạo chuẩn, căn cứ vào yêu cầu đầu ra (outcome-based) để thiết kế các định chế đầu vào, môi trường học tập, phương pháp giảng dạy.

Quy trình này được xây dựng một cách khoa học, hợp lý, logic và về phương pháp tổng thể mang tính phổ cập có thể áp dụng để xây dựng quy trình chuẩn cho nhiều lĩnh vực giáo dục và đào tạo khác nhau. Cách tiếp cận CDIO hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực thực tiễn (năng lực C-D-I-O) và ý thức trách nhiệm với xã hội.

Hiện có hơn 125 Đại học trên thế giới áp dụng mô hình CDIO nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo.

>> 'CDIO sẽ tạo ra một kỹ sư đúng nghĩa'

Việt Nguyễn

Ý kiến

()