Chúng ta

FPT được chọn làm cổ phiếu chứng khoán cơ sở của công cụ chứng quyền

Thứ sáu, 16/3/2018 | 08:40 GMT+7

Mã FPT vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) chọn là chứng khoán cơ sở của chứng quyền có bảo đảm.

Theo HOSE, FPT là một trong 23 cổ phiếu đáp ứng đủ điều kiện làm chứng khoán cơ sở của chứng quyền có bảo đảm và hạn mức còn được phép chào bán trong quý 1/2018.  

Đây là những cổ phiếu nằm trong rổ VN30 kỳ I/2018 được công bố thông tin vào ngày 15/1 cùng giá trị vốn hóa, khối lượng và giá trị giao dịch, tỷ lệ tự do chuyển nhượng thực tế chốt ngày 29/12/2017. Hạn mức chào bán được tính dựa trên khối lượng cổ phiếu lưu hành tại thời điểm 9/3 và tỷ lệ freefloat (những cổ phiếu sẵn sàng cho giao dịch) thực tế chốt ngày 29/12/2017.

Dự kiến, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm sẽ chính thức được triển khai trên HOSE ngay cuối tháng 3.

2018-03-15-140836-5860-1521098149.png

10 trong 23 mã cổ phiếu được HOSE chọn làm chứng khoán cơ sở của công cụ chứng quyền.

Chứng khoán cơ sở của chứng quyền là cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam phải thuộc chỉ số VN30 hoặc HNX30, hoặc chỉ số tương đương thay thế; đồng thời, giá trị vốn hóa hằng ngày bình quân trong 6 tháng gần nhất tính đến ngày chốt dữ liệu xem xét từ 5.000 tỷ đồng trở lên.

Đây là 2 trong nhiều điều kiện mà cổ phiếu niêm yết bắt buộc phải đáp ứng để làm chứng khoán cơ sở của chứng quyền. Đây là các quy định tại Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm (Cowered warrant) vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành mới đây.

Chứng quyền có bảo đảm vừa là sản phẩm đầu tư, vừa là công cụ quản lý rủi ro với chi phí hiệu quả. Sản phẩm này có cách thức giao dịch giống như cổ phiếu và không bị hạn chế bởi tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài nên hứa hẹn đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.

Theo HOSE, chứng quyền là công cụ tài chính cho phép người nắm giữ có quyền (nhưng không phải là nghĩa vụ) mua hoặc bán một tài sản cơ sở với giá được định trước (gọi là giá thực hiện) tại hoặc trước ngày đáo hạn.

Ví dụ, một nhà đầu tư thấy chứng khoán A tương lai có thể lên giá song hiện tại họ không đủ tiền mua chứng khoán. Nhà đầu tư có thể mua chứng quyền với giá trị khoảng 1-2% giá trị của chứng khoán đó, tức có quyền sở hữu chứng khoán. Nếu dự đoán sai, họ chỉ bị lỗ phần giá trị mua ban đầu là 1-2%. Nếu họ đoán đúng, họ sẽ lời phần chênh lệch giá chứng khoán.

Có hai loại chứng quyền. “Chứng quyền mua” có quyền nhưng không phải là nghĩa vụ được mua một tài sản cơ sở với mức giá được định trước vào ngày hôm trước ngày đáo hạn. “Chứng quyền bán” có quyền nhưng không phải là nghĩa vụ được bán một tài sản cơ sở với mức giá được định trước vào hoặc trước ngày đáo hạn.

Chứng quyền tương tự như sản phẩm quyền chọn (Option), là sản phẩm có tính đòn bẩy đầu tư. Nhà phát hành là bên thứ ba độc lập với tổ chức phát hành tài sản cơ sở. Nhà phát hành (thường là các công ty chứng khoán, có thị trường có các ngân hàng đầu tư).

>> Quán quân cổ tức nhà F chốt danh sách dự ĐHCĐ thường niên 2018

Chi Vy

Ý kiến

()