Chúng ta

FPT dự kiến cổ tức 20% bằng tiền mặt cho năm 2019

Thứ ba, 12/3/2019 | 08:45 GMT+7

HĐQT nhà F trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ dự kiến 20% và chưa đề cập đến cổ tức bằng cổ phiếu.

HĐQT FPT (HoSE: FPT) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 với các nội dung về báo cáo hoạt động trong năm 2018 và phương hướng hoạt động năm 2019 của HĐQT, Ban kiểm soát cũng như các báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất đã được kiểm toán, phương án sử dụng lợi nhuận và chia cổ tức…

Trong năm 2019, HĐQT trình cổ đông thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ dự kiến 20%. HĐQT căn cứ kết quả kinh doanh thực tế để quyết định mức tạm ứng cổ tức vào các thời điểm thích hợp trong năm cũng như các vấn đề liên quan khác, đảm bảo không ảnh hưởng các hoạt động sản xuất kinh doanh. “Mức chia cổ tức tiền mặt của cả năm 2019 do Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 quyết định”, tờ trình của HĐQT nêu.

DSC-3899-5520-1522935420-4079-9711-3352-

ĐHCĐ FPT 2018 diễn ra chiều ngày 5/4 tại khách sạn Daewoo Hà Nội trong không khí hào hứng, cởi mở. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Những năm qua, FPT đều đặn chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ cao, vừa cổ tức tiền mặt vừa cổ phiếu. Năm 2018, FPT chia cổ tức 30% (20% tiền mặt và 10% cổ phiếu). Theo đó, nhà F đã tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1 vào ngày 31/8/2018. Phần còn lại (10% tiền mặt và 10% cổ phiếu) sẽ được chi trả sau khi Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 phê duyệt. Dự kiến là quý 2.

Theo nghị quyết của HĐQT FPT, kỳ ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 được tổ chức ngày 29/3 tại Hà Nội.

Cùng thời điểm, HĐQT FPT vừa phê duyệt tăng vốn điều lệ cho hai công ty thành viên gồm: Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) từ mức vốn hiện tại là 2.000 tỷ đồng lên 2.400 tỷ đồng và Công ty TNHH Giáo dục FPT (FPT Education) từ mức vốn hiện tại là 450 tỷ đồng lên 600 tỷ đồng.

Đây là lần nâng vốn thứ hai liên tiếp của FPT dành cho nhà Giáo dục và Phần mềm. Hồi tháng 8/2018, FPT quyết định tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Phần mềm FPT từ 1.300 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng và Công ty TNHH Giáo dục FPT từ 250 tỷ đồng lên 450 tỷ đồng.

Năm 2019, HĐQT FPT định hướng phát triển khối Công nghệ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của lĩnh vực Xuất khẩu phần mềm với các mục tiêu như: tập trung vào các khách hàng lớn, bán chéo giữa các thị trường; đầu tư trọng điểm vào công nghệ chuyển đổi số; nâng cao năng lực chuyên sâu trong một số ngành trọng điểm vào theo sát sự phát triển các các khách hàng trong lĩnh vực hàng không, ô tô, tài chính - ngân hàng, robot; tiếp tục phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự và chuyên gia qua chính sách nhân sự mới vàtìm kiếm thêm các cơ hội mua bán/sáp nhập tại thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Ở mảng Giải pháp phần mềm, lĩnh vực dịch vụ CNTT và Tích hợp hệ thống, tập đoàn chú trọng việc phát triển các phần mềm và giải pháp cho thị trường đại chúng, đặc biệt là tập khách hàng doanh nghiệp. “Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm và giải pháp tự phát triển (Made by FPT), đồng thời gia tăng daonh số bán hàng từ các sản phẩm này trong năm 2019”, nghị quyết nêu. 

Cùng thời điểm, ngày 8/3, HĐQT FPT đã thông qua nghị quyết bổ nhiệm anh Nguyễn Văn Khoa, PTGĐ FPT kiêm TGĐ FPT IS, đảm trách vị trí Tổng Giám đốc FPT thay thế anh Bùi Quang Ngọc hết nhiệm kỳ, từ ngày 29/3.

Về định hướng phát triển khối Viễn thông, FPT sẽ tiếp tục nâng cấp hạ tầng quang tại các địa bàn còn lại và mở rộng vùng phủ để phát triển thuê bao mới. Đẩy mạnh phát triển và mở rộng quy mô mảng Truyền hình trả tiền, đa dạng hóa nội dung và dịch vụ mới trên nền tảng hạ tầng vững mạnh, mang đến nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng. Khối cũng sẽ triển khai đầu tư vào các dịch vụ mới như Trung tâm dữ liệu (Data Center), dịch vụ đám mây.

Trong lĩnh vực Giáo dục, FPT tiếp tục thực hiện chiến lược trở thành hệ thống giáo dục đa trình độ, đa ngành, đa phân khúc, đa phương thức và đa vị trí; tập trụng phát triển theo mô hình Mega Education tại Đà Nẵng và Cần Thơ.

Cạnh đó, khối giáo dục phổ thông sẽ được tăng cường đầu tư mở rộng xuống các hệ giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tại các thành phố lớn.

Theo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 23.214 tỷ đồng và 3.852 tỷ đồng, tăng 17% và 30% so với cùng kỳ trong điều kiện so sánh tương đương.

Với chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, doanh thu mảng dịch vụ này tại thị trường nước ngoài mang lại 1.679 tỷ đồng cho FPT, tăng 31%, chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm.

>> Dấu ấn TGĐ Bùi Quang Ngọc sau 6 năm điều hành FPT

Tân Phong

Ý kiến

()