Chúng ta

FPT công bố thông tin chứng khoán bằng tiếng Anh

Thứ hai, 12/9/2016 | 09:13 GMT+7

Ngoài tiếng Việt, tập đoàn sẽ công bố thông tin các báo cáo tài chính, nghị quyết HĐQT và thông tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM bằng tiếng Anh.

Cụ thể, báo cáo tài chính quý, bán niên, báo cáo cuối năm được kiểm toán, báo cáo quản trị công ty, báo cáo thường niên; nghị quyết, quyết định của ĐHĐCĐ, HĐQT, TGĐ; các sự kiện doanh nghiệp, thông tin ĐHĐCĐ hay việc công bố thông tin theo yêu cầu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM/Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ được FPT thể hiện bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

DSC-4968-JPG_1473563279.jpg

Website của FPT tại www.fpt.com.vn luôn được cập nhật thông tin mới bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Tới đây, các thông tin gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng được FPT thực hiện hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Việt.

Điểm mới trong quy định là Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán phải công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Với công ty niêm yết có vốn điều lệ thực góp từ 500 tỷ đồng trở lên được xác định tại Báo cáo tài chính năm gần nhất có kiểm toán hoặc công ty niêm yết có sở hữu nước ngoài từ 20% trở lên liên tục trong vòng một năm phải công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Mới đây, tập đoàn vừa hoàn tất việc tăng vốn điều lệ từ hơn 3.975 tỷ lên 3.995 tỷ đồng, và cơ cấu cổ đông của FPT, nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm 49%. FPT là một trong số ít công ty niêm yết hội đủ cả hai tiêu chí trên.

Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp Việt Nam đạt điểm thấp về quản trị công ty trong năm 2015 so với các quốc gia trong ASEAN, là do chỉ có một số ít doanh nghiệp công bố báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, dẫn đến khó khăn trong quá trình chấm điểm, cũng như việc tiếp cận thông tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu của giải pháp này nhằm giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin về doanh nghiệp, thị trường chứng khoán Việt Nam dễ dàng hơn, đồng thời hỗ trợ thị trường... tăng điểm về minh bạch, nhất là đang trong quá trình nỗ lực nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.

Chốt tuần đầu tiên của tháng 9, mã FPT có một phiên đứng giá, 2 phiên giảm và 2 phiên tăng. Từ mức giá 44.500 đồng đầu tuần, mã FPT tăng 1.200 đồng, lên 45.700 đồng. Ngày 7/9, FPT đã hoàn tất chi trả tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2016 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. FPT chi khoảng 460 tỷ đồng tạm ứng cổ tức lần này.

Trong tuần, ghi nhận 2 phiên mã FPT có lượng giao dịch khối ngoại lớn nhất. Trước đó, trong phiên ngày 6/9, mã FPT ghi nhận giao dịch thỏa thuận hơn 9,65 triệu cổ phiếu ở mức giá trần (47.600 đồng/cổ phiếu), tương ứng giá trị giao dịch đạt 459,67 tỷ đồng. Đây là giao dịch nội khối của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong 7 tháng đầu năm 2016, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 20.931 tỷ đồng và 1.421 tỷ đồng, đạt tương ứng 93% và 100% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.207 tỷ đồng, tương đương 101% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 906 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.976 đồng sau 7 tháng.

>> Cổ phiếu FPT kỳ vọng tăng 15%

Nguyên Văn

Ý kiến

()