Chúng ta

FPT chiếm lĩnh thị trường Thanh Hóa

Thứ năm, 24/5/2012 | 16:10 GMT+7

Hiểu rõ đặc tính của người dân bản địa để có cách tiếp cận hiệu quả là hướng đi được FPT Retail và FPT Telecom áp dụng trong quá trình mở rộng hình ảnh tại thị trường xứ Thanh.
> FPT Shop Thanh Hóa đông nghịt khách ngày khai trương / 'Khách hàng Thanh Hóa chuộng văn hóa truyền miệng'

Ngày 16/5, Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) tiếp tục phát triển vùng phủ của mình tại tỉnh đông dân thứ 3 cả nước bằng việc khai trương FPT Shop số 217 Quang Trung, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa. Đây được xem là một trong những cửa hàng bán lẻ lớn nhất trong số 21 cửa hàng của đơn vị.

Theo Giám đốc Kinh doanh FPT Retail Nguyễn Lê Minh, việc vươn rộng cánh tay bán lẻ tại Thanh Hóa là hướng đi đúng bởi đây là thị trường tiềm năng, cũng là thị trường truyền thống của FPT Retail.

Thanh Hóa là thị trường đang phát triển và tiềm năng. Ảnh: Tiểu Thanh

Thanh Hóa là thị trường đang phát triển và tiềm năng. Ảnh: Tiểu Thanh

“Shop bán lẻ đầu tiên tại trung tâm thành phố Thanh Hóa đã đi vào hoạt động từ tháng 10/2007. Đến nay, FPT Shop đã xây dựng được uy tín và thương hiệu vững chắc, là địa điểm mua sắm quen thuộc của người dân địa phương. Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích và lớn thứ 3 về dân số. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh trong 3 năm trở lại đây liên tục tăng trưởng hơn 20%, đạt trên 25 nghìn tỷ đồng. Đó là lý do FPT Retail tiếp tục đầu tư mở rộng thị trường này.”, anh Lê Minh cho biết.

Trước khi shop 217 Quang Trung được khai trương, FPT Retail đã có hai cửa hàng tại số 27-29 Lê Lợi và số 656 Bà Triệu. Việc mở thêm shop thứ ba được Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng đưa FPT Shop trở thành nhà bán lẻ điện thoại di động, máy tính, phụ kiện và các thiết bị kỹ thuật số hàng đầu của Thanh Hóa trong thời gian tới.

FPT Shop thứ 3 được kỳ vọng sẽ giúp FPT Retail chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Thanh Hóa. Ảnh: Tiểu Thanh.

FPT Shop thứ 3 được kỳ vọng sẽ giúp FPT Retail chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Thanh Hóa. Ảnh: Tiểu Thanh.

“Mục tiêu này hoàn toàn khả quan khi FPT Shop Thanh Hóa luôn là một trong 3 shop có doanh thu ổn định và cao nhất trong hệ thống FPT Shop trên toàn quốc”, anh Hoàng Chí Hiếu, quản lý hệ thống FPT Shop Thanh Hóa, tự tin chia sẻ.

Với những lợi thế về điều kiện kinh tế - xã hội, Thanh Hóa là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong việc khai thác mảnh đất tiềm năng. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành bán lẻ sản phẩm di động buộc FPT Shop phải tìm hướng đi riêng để phát triển.

Anh Hiếu cho biết, thâm nhập thị trường bán lẻ hàng công nghệ di động tại xứ Thanh cũng giống như xây dựng hệ thống khách hàng của FPT Shop đều cần nhiều yếu tố. Trong đó, tạo dựng lòng tin bằng các sản phẩm, dịch vụ cung cấp được coi là nhiệm vụ hàng đầu.

Là tỉnh cực Bắc miền Trung Việt Nam, Thanh Hóa nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km về phía Nam.

Thanh Hóa gồm 1 thành phố trực thuộc tỉnh, 2 thị xã và 24 huyện, với diện tích hơn 11,1 triệu km2 và số dân trên 3,4 triệu người, trong đó có khoảng 355,4 nghìn người sống ở thành thị.

Trong bảng xếp hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2011, Thanh Hóa xếp ở vị trí thứ 24/63 tỉnh thành, là tỉnh có nền công nghiệp đang phát triển.

Đội ngũ Marketing của FPT Retail đã phải nghiên cứu để đưa ra nhiều chương trình truyền thông “bản địa hóa” khác nhau nhằm quảng bá thương hiệu tới các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh, bên cạnh những chương trình của công ty như gửi thư giới thiệu, thư mời hợp tác hoặc tham gia tài trợ đồng hành các hoạt động thể thao của sở, ban, ngành trên địa bàn, song song với mục tiêu xây dựng hệ thống khách hàng thân thiết để truyền bá hình ảnh của cửa hàng, bởi người dân xứ Thanh khá chuộng văn hóa truyền miệng.

“Người tiêu dùng Thanh Hoá còn thụ động trong quyết định khi mua sản phẩm. Họ bị ảnh hưởng nhiều bởi người thân hoặc bạn bè, và luôn quan niệm khi mua hàng là phải có giảm giá hoặc khuyến mại, trong khi lại quên đi điều cốt lõi của việc mua hàng là chất lượng sản phẩm và dịch vụ sau bán hàng như thế nào. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người tiêu dùng tại đây bị lợi dụng và mua phải những sản phẩm không xứng đáng với số tiền bỏ ra”, anh Hiếu nói.

Giải bài toán này, FPT Retail đã thành lập Trung tâm đào tạo nhân viên bán hàng. Các giảng viên là những cán bộ có kinh nghiệm tại FPT Retail sẽ trực tiếp đào tạo đội ngũ salesman có đủ kiến thức, chuyên môn để tư vấn khách hàng chọn được sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng và chi phí tài chính.

Bên cạnh đó, việc cân đối chính sách giá cả khuyến mại phù hợp cũng như triển khai các chương trình bảo hành, bảo trì, cài đặt miễn phí cũng được FPT Shop thực hiện rộng rãi cho nhiều đối tượng, kể cả khách hàng không mua sản phẩm tại cửa hàng.

Cách đây 3 năm, Công ty CP Viễn thông FPT (FPT Telecom) cũng đã mở văn phòng tại số 108 Cao Thắng, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa.

FPT Telecom Thanh Hóa đã đưa ra nhiều chính sách bán hàng phù hợp với đặc tính của người dân bản xứ. Nguồn: FPT Telecom.

FPT Telecom Thanh Hóa đã đưa ra nhiều chính sách bán hàng phù hợp với đặc tính của người dân bản xứ. Nguồn: FPT Telecom.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc FPT Telecom vùng 2 Đỗ Thái Sơn, cơ hội tiến sâu vào thị trường xứ Thanh của đơn vị là tương đối tốt, với thị trường tiềm năng tại một số khu vực lân cận như các huyện Quảng Xương, Đông Sơn, Hoằng Hóa... vì “đây sẽ là những khu vực mà Thanh Hóa sẽ phát triển hạ tầng trong thời gian tới”.

Dự kiến, trong năm nay, FPT Telecom sẽ khai trương thêm một văn phòng tại thị xã Bỉm Sơn, cách TP Thanh Hóa khoảng 40 km về phía Bắc. Tương lai không xa, đơn vị cũng lên kế hoạch mở rộng vùng phủ tại các huyện ngoại thành của thành phố như Quảng Xương, Đông Sơn.

Anh Sơn cũng cho biết, khách hàng của FPT Telecom ở thành phố này thường ngại thay đổi, thích được cho tặng, khuyến mãi, ngoài ra có xu hướng tiêu dùng theo số đông. Vì thế, để thu hút được khách hàng, đơn vị đã phải đưa ra nhiều chính sách bán hàng phù hợp với đặc tính của người dân bản xứ như tung ra các chương trình khuyến mại đúng thời điểm, chăm sóc khách hàng trước và sau bán hàng.

“Ngay cả khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet của nhà cung cấp khác cũng được đội ngũ nhân viên của FPT Telecom hỗ trợ khi gặp sự cố”, Phó Giám đốc vùng 2 nói.

Hiện, khó khăn lớn nhất của đơn vị tại thị trường này là nguồn nhân lực và công tác nhận diện thương hiệu trên địa bàn. Tuy nhiên, FPT Telecom Thanh Hóa đang đặt mục tiêu tăng doanh thu 25% mỗi tháng và phấn đấu đến tháng 8, chi nhánh sẽ đạt được điểm hòa vốn.

Tại Thanh Hóa, FPT Retail hiện có 3 cửa hàng bán lẻ và FPT Telecom có một văn phòng giao dịch.

Trong quá trình phát triển tại đây, FPT Telecom và FPT Retail đã cùng hợp lực với việc giới thiệu các dịch vụ hai bên. Đặc biệt, tại FPT Shop số 217 Quang Trung, ngoài việc hỗ trợ khách đăng ký dịch vụ internet, cửa hàng cũng hỗ trợ khách thanh toán cước ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ.

Thanh Nga

Ý kiến

()