Chúng ta

FPT biệt phái 3 chuyên gia sang Văn phòng Chính phủ

Thứ ba, 29/5/2018 | 07:58 GMT+7

Với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, ba chuyên gia sẽ là cầu nối để FPT và Văn phòng Chính phủ hợp tác sâu hơn nữa nhằm hiện thực hóa việc xây dựng một Chính phủ điện tử hiện đại theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

GĐ Công nghệ FPT IS - anh Phan Thanh Sơn, GĐ chiến lược và kiến trúc khối khách hàng Chính phủ và doanh nghiệp nhà nước FPT IS - ông Steven Furst và Trưởng phòng nghiên cứu số 1 Ban Công nghệ FPT IS - anh Lý Đức Đoàn là 3 chuyên gia công nghệ hàng đầu của nhà Hệ thống được Chủ tịch FPT Trương Gia Bình giới thiệu với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trở thành biệt phái viên của FPT phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng các đề án cho Chính phủ điện tử.

Đây là kết quả của chuyến tham quan và làm việc với FPT của đoàn đại biểu gồm nhiều lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các Bộ ngành do ông Mai Tiến Dũng dẫn đầu ngày 28/5 tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trong phần tự giới thiệu, anh Phan Thanh Sơn cho biết FPT đã có hơn 20 năm trong việc triển khai các dự án về Chính quyền điện tử tại nhiều địa phương trên cả nước. Các sản phẩm, dịch vụ của FPT được ứng dụng rộng rãi và được nâng cấp, cập nhất các xu hướng công nghệ mới nhất. Với hơn 1.500 chuyên gia trong lĩnh vực công, có am hiểu sâu rộng về nghiệp vụ cải cách hành chính, FPT cam kết sẽ đồng hành và gắn bó lâu dài vì lợi ích chung, cùng hướng tới sự thành công trong việc triển khai Chính phủ số tại Việt Nam.

DSC-3010-1163-1527523404.png

Anh Lý Đức Đoàn giới thiệu các giải pháp Chính phủ điện tử cho đoàn đại biểu Văn phòng Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đồng ý tiếp nhận đề xuất của Chủ tịch Trương Gia Bình. Ông cho biết, FPT là đơn vị đầu tiên có những hành động mạnh mẽ cùng phối hợp với Văn phòng Chính phủ trong việc xây dựng các đề án cụ thể thúc đẩy Chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng đánh giá cao kết quả thực hiện Chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Ninh do FPT IS xây dựng và mong muốn nhân rộng mô hình này ra các tỉnh thành khác trên cả nước. "Mô hình ở Quảng Ninh sẽ là nền tảng để đánh giá xây dựng mô hình Chính quyền điện tử quốc gia. Văn phòng Chính phủ sẽ đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh thực hiện mô hình này", ông Dũng khẳng định.

Sau 5 năm thực hiện Đề án xây dựng Chính quyền điện tử, Quảng Ninh đã tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2017, Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index. Hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử. Trong vòng 3 năm đã có trên 3,7 triệu lượt văn bản trao đổi qua mạng tiết kiệm 1 năm trên 30 tỷ đồng chi phí hành chính, riêng tiết kiệm chi phí gửi nhận văn bản 1 năm gần 15 tỷ đồng. Hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến, trên 600.000 hồ sơ được giải quyết/năm, tiết kiệm chi phí xã hội trung bình trên 70 tỷ đồng/năm .

DSC-3028-2310-1527523404.png

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao những giải pháp của FPT đưa ra đồng thời bày tỏ sự hài lòng với kết quả xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Ninh do FPT IS triển khai.

Việt Nam đang xây dựng Chính phủ số để tiến đến minh bạch và công khai hóa và thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có lợi thế triển khai Chính phủ số khi mật độ sử dụng Internet khá cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đang hướng đến xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và không để ai tụt lại phía sau. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm nhũng nhiễu của chính quyền.

Năm 2016, Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng thứ 89/193 quốc gia. Trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193. Cơ bản hoàn thành kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ. Đã có 26 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan; có 63/63 tỉnh, thành phố và 19/30 bộ, ngành đã công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trừ một số bộ, cơ quan đặc thù.

>> SSI: FPT thuần công nghệ chạm mốc 1 tỷ USD năm 2018

- Anh Phan Thanh Sơn có 25 năm kinh nghiệm trong quản trị, phát triển kinh doanh và tư vấn CNTT, quản lý kênh, quản trị kỹ thuật. Anh đã từng làm việc với nhiều khách hàng thuộc lĩnh vực Chính phủ, Telco, FSI, năng lượng, giáo dục, quân đội...

- Ông Steven Furst là chuyên gia hệ thống thông tin và là nhà nhà quản lý quốc tế cấp cao với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành tư vấn và ICT. Ông từng lãnh đạo các chương trình chuyển đổi số và tư vấn cho nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn trên thế giới.

- Anh Lý Đức Đoàn có hơn 10 năm kinh nghiệm quản trị và làm trưởng các dự án với nhiều thành tích trong triển khai giải pháp CNTT cho các lĩnh vực tài chính, vận hành, Chính phủ điện tử, Y tế...

Nguyễn Thắng

Ý kiến

()