Chúng ta

Forbes Việt Nam: Thương hiệu FPT trị giá gần 4.000 tỷ đồng

Thứ ba, 31/7/2018 | 09:15 GMT+7

Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do tạp chí Forbes thực hiện đánh giá FPT ở mức 169 triệu USD, đứng đầu ngành CNTT.

Theo danh sách của Forbes, 40 thương hiệu đắt giá nhất Việt Nam năm 2018 có tổng giá trị hơn 8,1 tỷ USD, tăng hơn 30% so với danh sách công bố năm 2017. FPT là cái tên duy nhất lĩnh vực công nghệ trong Top 10, bên cạnh sự thống trị của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, tài chính ngân hàng.

Cụ thể, Forbes Việt Nam định giá thương hiệu FPT là 169 triệu USD, xếp thứ 10 trong danh sách. So với lần đánh giá năm 2017, thương hiệu FPT giảm 7 triệu USD và tụt 4 bậc do có sự bổ sung của 3 thương hiệu là VNPT, Vinhomes và Vinaphone.

top-40-forbes-1335-1533002582.jpg

Top 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Forbes định giá.

Đây là lần thứ ba, Forbes Việt Nam thực hiện danh sách 40 thương hiệu công ty giá trị nhất tại Việt Nam. Với tổng giá trị thương hiệu đạt gần 8,1 tỷ USD. Danh sách lần này ghi nhận nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng vẫn chiếm số lượng lớn, nhưng nhóm tài chính - ngân hàng đã thu hẹp khoảng cách do ngày càng có nhiều ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhóm công nghệ - viễn thông bên cạnh ba gương mặt cũ, có thêm hai gương mặt khá nổi bật, Forbes Việt Nam viết.

Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này theo phương pháp đánh giá của Forbes toàn cầu, tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.

Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 80 doanh nghiệp có thương hiệu, Forbes Việt Nam với sự hỗ trợ của Chứng khoán Bản Việt, tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Việc thu thập số liệu của doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính của các công ty, dữ liệu trên thị trường chứng khoán. Một số công ty chưa niêm yết đồng ý cung cấp dữ liệu tài chính để tạp chí này tính toán.

Cùng thời điểm, FPT cũng tiếp tục lọt Top 50 công ty niêm yết tốt nhất/kinh doanh hiệu quả nhất lần lượt do Forbes Việt Nam và tạp chí Nhịp cầu Đầu tư vinh danh. 

FPT tiếp tục truyền thống nằm trong nhóm ít ỏi lãi nghìn tỷ 6 tháng đầu năm trong bối cảnh nhóm ngân hàng đang chiếm ưu thế trên sàn chứng khoán Việt Nam tính đến cuối tháng 7. Trong 3 sàn chứng khoán, hiện HoSE có 450 doanh nghiệp niêm yết, trong khi sàn HNX là 377 và UPCoM có 690 doanh nghiệp.

Cụ thể, FPT cùng Masan Group, Masan Consumer và PV Gas là 4 cái tên hiếm hoi nằm trong nhóm lãi nghìn tỷ cùng 7 ngân hàng: Vietcombank, Techcombank, VPBank, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), ACB; VIB và TP Bank. 

Danh sách những doanh nghiệp gia nhập nhóm lãi nghìn tỷ còn phải kể đến những cái tên đã "xí chỗ" ngay từ quý 1 như Vietinbank, BIDV, Vinamilk, Hòa Phát hay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Mới đây, FPT công bố doanh thu nửa đầu năm 2018 đạt 10.225 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.687 tỷ đồng, tăng trưởng 32% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.412 tỷ đồng, tăng 17% so với nửa đầu năm ngoái.

Xét theo từng lĩnh vực, khối công nghệ ghi nhận 5.457 tỷ đồng doanh thu và 592 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 31% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 532 tỷ đồng. Khối viễn thông mang lại 727 tỷ đồng LNTT, tăng trưởng 17% còn lợi nhuận từ thị trường nước ngoài cũng đạt mức tăng trưởng 35%.

Năm 2018, doanh thu tập đoàn dự kiến đạt 21.900 tỷ đồng, tăng 11% so với doanh thu cùng kỳ (không bao gồm lĩnh vực Phân phối và Bán lẻ). Lợi nhuận dự kiến đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ (bao gồm lợi nhuận tại các công ty liên kết theo tỷ lệ sở hữu và loại trừ khoản lợi nhuận từ thoái vốn trong lĩnh vực Phân phối và Bán lẻ). 

>> Sở Giao thông TP HCM 'bật đèn xanh' cho ô tô tự lái nhà F ra phố

Tân Phong

Ý kiến

()