Chúng ta

Fast Track ra mắt khóa sinh viên đầu tiên

Thứ tư, 7/6/2017 | 10:52 GMT+7

Mô hình đào tạo được liên kết giữa ĐH FPT và FPT Software - Fast Track - đã mở khóa đầu tiên với 10 sinh viên Việt Nam và 2 sinh viên Brunei.

Buổi khai giảng chương trình đào tạo Kỹ sư thực hành - Fast Track diễn ra sáng nay (ngày 7/6) tại tòa nhà FPT Đà Nẵng. Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo FPT Software, Tổ chức Giáo dục FPT, Đại học FPT Greenwich Việt Nam và Trung tâm Trao đổi sinh viên quốc tế FPT cùng 12 tân sinh viên khóa đầu tiên.

IMG-5375-JPG-8739-1496805909.jpg

Buổi khai giảng có sự tham gia của 12 học viên, trong đó có 2 học viên Brunei.

Kỹ sư thực hành - Fast Track là mô hình liên kết giữa ĐH FPT và FPT Software. Mô hình được thiết kế đặc thù theo yêu cầu của FPT Software gồm 4 học kỳ, để giúp sinh viên "Tập trung học - Sớm đi làm - Tự hoàn thiện". Chỉ từ 16-20 tháng và khoản đầu tư 40-50 triệu đồng, sinh viên đã có thể tham gia ngành công nghiệp và tự nâng cao năng lực bản thân.

Anh Khúc Trung Kiên, GĐ Trung tâm đào tạo Kỹ sư thực hành - Fast Track, cho biết, người Việt Nam vẫn còn nặng tâm lý học trước rồi tìm công việc sau. Nhưng với xu thế phát triển của xã hội nên điều này dẫn đến thiếu nguồn nhân lực cho thời kỳ hội nhập. "FPT Software là đơn vị đã cảm nhận đươc điều đó. Họ chủ động liên kết với ĐH FPT để cho ra mắt mô hình đào tạo nhằm giải quyết bài toán nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển CNTT", anh nói.

"Tôi tin tưởng mô hình đào tạo sẽ giải quyết việc làm cho thanh niên Việt Nam. Riêng những học viên đầu tiên hứa hẹn đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp không chỉ ở Đà Nẵng, Việt Nam mà cả chi nhánh FPT trên thế giới", anh Kiên bày tỏ.

IMG-5382-6078-1496805909.jpg

Anh Lê Vĩnh Thành, PGĐ FPT Software Đà Nẵng, chia sẻ về cơ hội việc làm và nhu cầu tuyển dụng của đơn vị.

Là đơn vị chịu trách nhiệm tuyển dụng, anh Lê Vĩnh Thành, PGĐ FPT Software Đà Nẵng, nhìn nhận đây là chương trình đào tạo thực tế nên không quá nhiều áp lực. Anh khuyên sinh viên cố gắng tự học là chính, chủ yếu tập trung thực hành. "Lập trình không phải dễ nhưng cũng không quá khó nên cần bỏ khoảng 5 đến 10 giờ đồng hồ mỗi ngày để học thêm trên máy tính", anh chia sẻ.

"Ngành IT có tương lai và thu nhập tương đối ổn. Tôi hy vọng từ 10 sinh viên đầu tiên, trung tâm sẽ tăng lên 500 người trong khóa sau, nhưng cũng chưa chắc đủ với nhu cầu của FPT Software. Tôi hy vọng các bạn không chỉ làm việc ở Đà Nẵng, Hà Nội và TP HCM mà trên cả thế giới", anh khẳng định.

Nói về sự ra đời của trung tâm, anh Huỳnh Tấn Châu, GĐ Văn phòng Tổ chức Giáo dục FPT cơ sở Đà Nẵng, kể lại câu chuyện cách đây khoảng 4 tháng trong chuyến thăm của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. "Thành phố và FPT cùng nhìn thấy nhu cầu phát triển lĩnh vực CNTT rất cấp bách. Nhưng vấn đề đặt ra là nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu trầm trọng. Lúc đó anh Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng trường ĐH Trực tuyến FUNiX, đưa ra ý tưởng về chương trình đào tạo ngắn hạn để giúp thanh niên ứng dụng nhanh. Trải qua thời gian ngắn, trung tâm đã hình thành và triển khai thành công".

Ấn tượng với mô hình đào tạo và quyết định trở thành tân sinh viên, học viên Thái Gia Bảo khẳng định bị thuyết phục bởi triết lý “học ít lý thuyết, nhiều thực hành”. Chàng trai cũng thừa nhận quyết định trên tương đối mạo hiểm nhưng tin tưởng vào chất lượng đào tạo gắn liền với doanh nghiệp của FPT. "Đây là phương pháp đào tạo tiên tiến, không giống như cách làm truyền thống. 8 tháng thực tập sẽ giúp em rèn luyện, trang bị kỹ năng và kiến thức thực tế trước khi đi làm”, Bảo chia sẻ.

IMG-5397-JPG-7876-1496805910.jpg

Lãnh đạo các đơn vị và tân sinh viên chụp hình lưu niệm.

Học viên hoàn thành 4 học kỳ sẽ được công nhận trình độ tương đương cấp bậc nhân viên đầu vào - Fresher - FPT Software, và được nhận chứng chỉ "Junior SE" do ĐH FPT Đà Nẵng và FPT Software Đà Nẵng đồng chứng nhận. FPT Software cam kết tuyển dụng chính thức những sinh viên này. Sau đó, sinh viên có thể lựa chọn vừa đi làm vừa đi học theo chương trình của Đại học Trực tuyến - FUNiX hoặc quay về trường ĐH FPT học theo chương trình chính quy để lấy bằng kỹ sư CNTT.

Hiện nhu cầu nhân lực ngành CNTT trong những năm gần đây tăng lên rất cao. Riêng FPT Software Đà Nẵng dù mới thành lập năm 2005 nhưng đã cán mốc quân số 2.000 người, tốc độ tăng trưởng nhân sự hằng năm từ 50% đến 60%. Trong khi đó, nguồn sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn còn khiêm tốn. Việc ra đời mô hình đào tạo nhân lực CNTT mới sẽ tạo điều kiện cho đông đảo sinh viên có cơ hội tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

>> FPT ra mắt mô hình đào tạo 'Tập trung học - Sớm đi làm'

Việt Nguyễn

Ý kiến

()