Chúng ta

EduCamp 'hút' chuyên gia giáo dục uy tín

Chủ nhật, 29/11/2015 | 19:56 GMT+7

Bàn về “Vận hành tổ chức giáo dục”, EduCamp2015 đã thu hút cả diễn giả người nước ngoài và chuyên gia trong nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đến chia sẻ thông tin tại ĐH FPT, cơ sở Hòa Lạc, vào ngày 29/11.

Tại EduCamp năm nay, TS Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TP HCM đã gây ấn tượng với tham luận: “Tinh thần cộng sự - một bước đầu trong môi trường học thuật Hoa Kỳ và Việt Nam”. TS Phạm Ly là chuyên gia giáo dục có nhiều năm kinh nghiệm. Chị là tác giả của 150 bài nghiên cứu khoa học về nhiều chủ đề khác nhau. Hiệu trưởng Đàm Quang Minh bật mí: “Mỗi khi cần gỡ rối gì trong vận hành tổ chức giáo dục, anh thường tìm tới chị để xin lời khuyên”.

IMG-0034-620-2514-1448799350.jpg

TS Phạm Ly chia sẻ về khái niệm mới "Tinh thần cộng sự" tại EduCamp.

Khái niệm mới mà chị đưa ra để cùng thảo luận tại EduCamp là “tinh thần cộng sự”. “Collecgiality” là một khái niệm chưa có trong từ điển tiếng Việt. Chị là người đầu tiên đưa ra phiên bản tiếng Việt cho nó thông qua sự hiểu biết và tài liệu nghiên cứu.

Thoạt nghe, tinh thần cộng sự là một khái niệm vừa cụ thể vừa mơ hồ khiến mọi người ai nấy đều vô cùng tò mò. Bằng cách cắt nghĩa và đi vào vấn đề với tư duy của nhà giáo dục, TS Phạm Ly ví von, “tinh thần cộng sự giống như chất keo kết dính gắn kết viên gạch riêng lẻ, vô hồn thành công trình kiến trúc độc đáo”.

Với khái niệm này, tinh thần cộng sự không chỉ có vai trò quan trọng trong tổ chức giáo dục mà còn ảnh hưởng tới tất cả lĩnh vực khác. Nhưng điều đặc biệt là đại học “bán” những món hàng mà chất lượng nằm trong tay “người mua”. Trường đại học không thể đáp ứng toàn bộ những điều mà người học mong muốn, giống như “chúng ta dắt một con lừa đến suối nhưng không thể bắt nó uống nước”. Chính sự khác nhau giữa khách hàng của doanh nghiệp và đại học mà tinh thần cộng sự cũng không giống nhau. Theo đó, mỗi giảng viên trên con đường tìm kiếm tri thức của mình sẽ làm việc với cộng sự, cùng nhau phục vụ mục đích chung trong giáo dục đại học.

Không sa đà vào lý thuyết, TS đến từ ĐH Quốc gia TP HCM lấy ví dụ về tinh thần cộng sự tại đơn vị mà chị đang công tác là Trung tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Chị cho rằng, bí quyết để đơn vị này hoạt động tốt chính là 6 người cùng chia sẻ một số phận. Thất bại hay thành công của đơn vị cũng chính là phản ánh nỗ lực của từng cá nhân. Cơ chế trao quyền được thực hiện triệt để. Trong tổ chức, mỗi cá nhân có vai trò của mình và thực hiện phần việc khác nhau tuỳ vào năng lực. Họ cảm thấy được sự quan trọng và vai trò đặc biệt của mình trong tổ chức. Đồng thời, những vấn đề lớn đều được đưa ra bàn bạc và quyết định dựa trên sự đồng thuận của số đông. “Mỗi cá nhân hướng đến giá trị chung, mục tiêu chung và tự hào về tổ chức sẽ luôn nỗ lực dốc sức để hướng tới đích cuối cùng”, chị Ly nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tham luận của GS Salmiah Kasolang đến từ ĐH Công nghệ Mara với chủ đề “Hành trình CDIO tại ĐH Công nghệ Mara” mang đến nhiều kiến thức hữu ích cho người nghe.  

IMG-0015-620-6641-1448799351.jpg

Tham luận của GS Salmiah Kasolang đến từ ĐH Công nghệ Mara với chủ đề “Hành trình CDIO tại ĐH Công nghệ Mara” mang đến nhiều kiến thức hữu ích cho người nghe.

CDIO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Conceive, Design, Inplement, Operate, có nghĩa là hình thành ý tưởng, thiết kế ý tưởng, thực hiện và vận hành. Đây là một phương pháp luận giải quyết được hai vấn đề then chốt: Dạy sinh viên điều gì và làm thế nào để sinh viên lĩnh hội được tri thức. Ở bậc giáo dục đại học, CDIO là phương pháp hiệu quả nhất và có cộng đồng sẵn sàng trợ giúp. Hiện, ĐH FPT cũng theo đuổi phương pháp đào tạo  này. Chính vì thế, tham luận của giáo sư người Malysia được đông đảo người FE quan tâm.

Vốn là trường đại học Mega với quy mô 200.000 sinh viên, ĐH Công nghệ Mara lên kế hoạch thực hiện CDIO từ năm 2012 đến 2018. Sau 3 năm thực hiện, nhiều câu chuyện thực tế, bài học kinh nghiệm từ Mara được GS Kasolang chia sẻ thẳng thắn.

Đặt trong bối cảnh giáo dục thế giới đang đứng trước nhiều thách thức lớn về xu hướng việc làm, công nghệ thay đổi từng giờ, ĐH Công nghệ Mara cũng phải thay đổi. Việc áp dụng CDIO vào giảng dạy giúp trường xây dựng chương trình, thích ứng với sự thay đổi công nghệ, tăng khả năng nghiên cứu và phát triển công nghệ. Đồng thời, công nghệ giáo dục mới này còn giúp các trường đại học tăng cường xu thế toàn cầu hoá, quốc tế hoá. “CDIO cung cấp công cụ giúp tiến tới chương trình được kiểm định, nó đặt trường đại học luôn trong quá trình cải tiến liên tục và phát triển không ngừng”, GS chia sẻ.

Theo GS người Malaysia, để CDIO được thực hiện thành công cần có sự đồng thuận và cam kết thực hiện từ lãnh đạo cấp cao, gắn liền với lộ trình phát triển giáo dục của quốc gia đó. Hiện, ở ĐH Công nghệ Mara, 4 môn trong khoa Cơ học kỹ thuật đang được giảng dạy tích hợp với chuẩn CDIO. Để đưa công nghệ này vào giáo dục, trường đảm bảo việc chọn giáo viên phù hợp và tập huấn cho họ. Bà khẳng định: “Việc truyền thông cho sinh viên và giáo viên rất quan trọng, đặc biệt là sinh viên - người thụ hưởng công nghệ đào tạo và cũng là chất xúc tác giúp thúc đẩy chất lượng dạy và học”.

Theo dõi chăm chú bài tham luận của GS Kasolang, chị Hồ Thị Thảo Nguyên, đội dự án CDIO, Ban Đào tạo ĐH FPT, chia sẻ: “Đây là thông tin hữu ích giúp ĐH FPT học hỏi và rút kinh nghiệm trong quá trình đưa CDIO vào giảng dạy”. Chị thông tin, ĐH FPT đang xem xét hệ thống giáo dục của mình để tích hợp CDIO với công nghệ đào tạo hiện đại chất lượng dạy và học, hướng tới chương trình kiểm định quốc tế. Từ đây mở ra cơ hội để ĐH FPT giao lưu, học hỏi các thành viên trong hiệp hội CDIO trong và ngoài nước.

IMG-0023-620-8560-1448799351.jpg

Có 45 tham luận được trình bày tại EduCamp với chủ để "Vận hành tổ chức giáo dục".

Đây là hai trong 45 tham luận về chủ đề “Vận hành tổ chức giáo dục” do FE phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU) tổ chức tại Hoà Lạc ngày 29/11. Ngoài ra, chương trình còn rất nhiều tham luận thú vị liên quan đến chủ đề này như: Cách đặt câu hỏi thông minh của diễn giả Nguyễn Thành Nam; Làm bạn với sinh viên do chị Phạm Tuyết Hạnh Hà - Trưởng phòng Công tác sinh viên ĐH FPT, trình bày; Vì sao các tổ chức không chịu học hỏi dưới lăng kính của anh Dương Trọng Tấn - Giám đốc Công nghệ Giáo dục ĐH FPT…

Hội thảo có sự tham gia đông đảo của gần 100 CBNV trong và ngoài FPT. Nhiều lãnh đạo của FE như Chủ tịch Lê Trường Tùng, Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng ĐH FPT Đàm Quang Minh, Hiệu Phó Phan Phương Đạt… cũng đã tham gia chương trình.

Tại chương trình, TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng ĐH FPT, cho biết: “Dù gói gọn trong vòng một ngày, tôi hy vọng các diễn giả sẽ mang về cho mình kiến thức mới và chia sẻ điều mình biết cho mọi người. Sau hội thảo, những ý kiến hay sẽ được tập hợp trong cuốn sách ‘Quản trị đại học’ xuất bản trong thời gian tới”.

IMG-0041-620-4466-1448799351.jpg

Gần 100 người tham gia hội thảo EduCamp được tổ chức lần thứ hai.

Từng đảm nhiệm vai trò thành viên ban tổ chức và tâm huyết với ý tưởng mới trong giáo dục anh Dương Trọng Tấn, Giám đốc Công nghệ Giáo dục ĐH FPT, cho hay: "Lần thứ 2 tổ chức, EduCamp trở thành sân chơi về học thuật cho các nhà giáo dục trong và ngoài FPT. Năm nay, chủ đề của hội thảo rộng hơn và đi vào mối quan tâm sát sườn của người làm giáo dục”. Theo anh, những chủ đề về chất lượng, chương trình đào tạo, đổi mới giáo dục… đã được bàn nhiều, còn chủ đề vận hành trường đại học ít được đưa ra bàn luận. Thông qua hội thảo, người tham gia có cái nhìn bao quát về mọi vấn đề nội tại và cách thức vận hành tốt nhất một tổ chức giáo dục".

FPT EduCamp là hội thảo mở được FE tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2014. Đây là cơ hội để kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FE nói riêng. 

Lưu Vân

Ý kiến

()