Chúng ta

'Doanh nghiệp cần đổi mới để sống sót trong Cách mạng 4.0'

Thứ hai, 23/10/2017 | 15:41 GMT+7

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, doanh nghiệp muốn không chết trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phải không ngừng đổi mới và thực hiện “dò đá qua sông” để bắt kịp những thứ mới. 

Chiều ngày 21/10, lễ khai giảng chương trình đào tạo “Giám đốc điều hành (CEO) - Quản trị điều hành cao cấp kỷ nguyên 4.0” cho 250 CEO doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP Hà Nội do Viện Quản trị kinh doanh FSB cùng Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - Sở KH&ĐT Hà Nội phối hợp tổ chức, đã diễn ra tại khách sạn Lake Side (Hà Nội).

HS-6821-JPG-9634-1508734922.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ với gần 250 CEO sẽ tham gia chương trình học tại Hà Nội về chủ đề nóng "Cách mạng công nghiệp 4.0". 

Chia sẻ với các học viên sau lễ khai giảng về chủ đề "Cách mạng công nghiệp 4.0", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình điểm lại 3 cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra trong lịch sử cùng những tác động mạnh mẽ làm thay đổi căn bản cuộc sống, thói quen của con người trong quá khứ.

Anh Bình cũng chỉ ra đặc điểm cơ bản của cuộc Cách mạng 4.0, dự đoán về những tác động vô cùng to lớn của nó tới cuộc sống hằng ngày của con người. Dựa trên những trụ cột là công nghệ vật lý, công nghệ số và công nghệ sinh học, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang biến đổi thế giới trên tất cả lĩnh vực.

Hiện, FPT đã có sự chuẩn bị cho Cách mạng công nghiệp 4.0. Anh Bình cho biết FPT đã và đang hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới, xây dựng các giải pháp chuyển đổi số, dựa trên một nền tảng có tên gọi là IoT Platform. Trong tương lai, FPT sẽ cung cấp những nền tảng số (digital platform) mở cho các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, để cùng nhau phát triển và hòa mình vào cuộc chơi này. 

“Không nằm ngoài guồng quay này, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có một lộ trình cụ thể để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới trong Cách mạng công nghiệp 4.0”, anh Bình nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi của học viên về việc "phải làm sao để doanh nghiệp nhỏ trở thành lớn", Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, các doanh nghiệp cần tập trung vào 4 yếu tố là phải có niềm tin; chọn lựa đội ngũ nhân sự; có sự chia sẻ phù hợp và liên tục vượt khó. Tuy nhiên, anh Bình lưu ý, trên thế giới, hiện vẫn có rất nhiều doanh nghiệp có lịch sử hàng trăm năm, họ vẫn giữ nguyên quy mô nhân sự và chỉ tập trung vào chất lượng sản phẩm, duy trì sự khác biệt cạnh tranh.

Các học viên của chương trình đào tạo là những nhà quản lý, CEO tại các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các học viên của chương trình đào tạo là những nhà quản lý, CEO tại các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo người đứng đầu FPT, trong xu thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp muốn phát triển không chết, phải không ngừng đổi mới, thực hiện “dò đá qua sông” để bắt kịp những thứ mới: “Hãy tự hỏi hằng ngày, công việc này có thể làm khác đi không và hãy lan tỏa tinh thần đổi mới đến mỗi thành viên của doanh nghiệp mình”.

Những thay đổi sẽ diễn ra với các ngành ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nhân sự, digital marketing trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được Chủ tịch Trương Gia Bình đề cập đến. Anh nhận định rằng điểm chung nhất và thay đổi lớn nhất sẽ dựa trên Internet vạn vật (Internet of Things).

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cũng có thể thu thập toàn bộ dữ liệu về khách hàng, về nhu cầu của họ, các thói quen… sau đó dùng trí tuệ nhân tạo (AI) xử lý để đưa ra giải pháp tức thời. Đây là nền tảng của các công ty thời đại số - “Công ty thời gian thực”, trong đó mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên tính toán của máy móc và khách hàng không phải chờ đợi lâu.

Minh chứng cho luận điểm, anh Binh đưa ra dẫn chứng, với lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng sẽ có toàn bộ thông tin khách hàng dựa trên social scoring, từ đó đánh giá tín dụng và ra quyết định cho vay/không cho vay chỉ sau một tích tắc. Ngoài ra, toàn bộ hoạt động tài chính tín dụng của mỗi khách hàng sẽ được theo dõi đồng bộ trên hệ thống thay vì chia ra từng mảng sản phẩm như hiện nay.

Anh Bình nhận định rằng điểm chung nhất và thay đổi lớn nhất của ngành ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nhân sự, digital marketing trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là về Internet vạn vật - IoT (Internet of Things).

Anh Bình nhận định rằng điểm chung nhất và thay đổi lớn nhất của ngành ngân hàng, viễn thông, dịch vụ, nhân sự, digital marketing trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là về Internet vạn vật - IoT (Internet of Things).

Với lĩnh vực viễn thông, viễn thông 4.0 sẽ phát triển trên nền tảng băng thông rộng và đảm bảo đường truyền. Khi đó, với việc sử dụng micro-service, nền tảng viễn thông quá khứ sẽ bị thay thế bằng việc xử lý thuần túy bằng trí tuệ nhân tạo.

Đối với các ngành dịch vụ, hiện nay, “chờ đợi” đã không nằm trong từ điển khách hàng. Thông qua dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có thể đoán trước được nhu cầu khách hàng để phục vụ tốt hơn.

Còn với ngành nhân sự, chỉ qua việc theo dõi thông tin trên mạng xã hội, bộ phận nhân sự không chỉ tuyển dụng mà còn nắm được nhân sự đó có tiếp tục gắn bó với công ty hay không.

Trước đó, tại lễ khai giảng chương trình đào tạo, ông Trần Ngọc Nam, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, có hơn 25.000 doanh nghiệp tại Hà Nội được thành lập nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên khoảng 230.000 doanh nghiệp. Tính bình quân mỗi ngày có 70 doanh nghiệp được thành lập. Trong số này, có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thực hiện chủ trương hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tích cực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Trong 9 tháng, Hà Nội đã tổ chức 3 lần đối thoại với các doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn trong quá trình hoạt động và nhận được sự đánh giá cao từ cộng đồng doanh nghiệp. Việc đào tạo nâng cao kiến thức cho giám đốc điều hành là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, Hà Nội là địa phương đầu tiên triển khai việc đào tạo chuyên sâu kiến thức quản trị cho giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO). Song hành với việc phát triển số lượng doanh nghiệp, việc đào tạo chuyên sâu sẽ góp phần thay đổi về chất của doanh nghiệp. Những lớp học đào tạo giám đốc điều hành không chỉ giúp trang bị kiến thức mà còn tạo cơ hội kết nối các doanh nghiệp. 

Lễ khai giảng lễ khai giảng chương trình đào tạo “Giám đốc điều hành (CEO) - Quản trị điều hành cao cấp kỷ nguyên 4.0” ngoài Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình còn có sự hiện diện của ông Trần Ngọc Nam - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư; ông Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư; ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; anh Nguyễn Việt Thắng - Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh FSB, cùng gần 250 CEO sẽ tham gia chương trình đào tạo tại Hà Nội. 

Tháng 8/2017, Viện quản trị kinh doanh FSB vinh dự trở thành đối tác đào tạo của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội. Viện được giao nhiệm vụ triển khai 2 chương trình đào tạo với khoảng 2.300 học viên, bao gồm chương trình “CEO - Quản trị điều hành cao cấp kỷ nguyên 4.0” và chương trình “Khởi sự doanh nghiệp”.

Tham gia khóa học “CEO - Quản trị điều hành cao cấp kỷ nguyên 4.0”, ngoài 28 ngày học trải đều trong 3 tháng, các học viên sẽ có 5 chuyến tham quan học hỏi tại các doanh nghiệp Việt Nam trong thuộc Top 500 VNR và 8 ngày khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp nước ngoài. Chương trình gồm 10 lớp, tổ chức đào tạo xen kẽ, mỗi lớp 25-30 người, có thể học vào buổi tối, cuối tuần hoặc trong giờ hành chính. 

Đức Anh

Ảnh: FSB

Ý kiến

()