Chúng ta

DMS - bệ phóng của FPT Software HCM

Thứ bảy, 19/4/2014 | 08:47 GMT+7

Từ một khách hàng là Unilever của G3 (tiền thân của FSU3), với tài năng, tinh thần làm việc chuyên nghiệp, chuẩn mực, 10 năm sau, người FPT Software HCM đã tỏa đi khắp thế giới.
> ‘DMS-Mobility sẽ giúp doanh số Kinh Đô tăng 40%’ / FPT Software HCM - hành trình đến số 1

Đầu năm 2000, Unilever - công ty đa quốc gia chuyên sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, hóa chất giặt tẩy, kem đánh răng, dầu gội, thực phẩm... - dự định triển khai một hệ thống ERP cho khoảng 200 đại lý, nhà phân phối ở Việt Nam. Unilever đã có quyết định đầu tư táo bạo, tài trợ toàn bộ chi phí phần mềm, triển khai cho nhà phân phối và họ chỉ cần đầu tư phần cứng với mức giá ưu đãi và có thể mua trả góp dưới sự bảo lãnh của Unilever.

d

“FPT Software là công ty hiếm hoi có thể cam kết mạnh mẽ về sự tăng trưởng”, anh Steve Nguyên, nguyên Phó chủ tịch phụ trách quản lý hệ thống điều vận (logistics) Unilever Việt Nam, nhớ lại.

Unilever quyết tâm cải tổ hệ thống phân phối bằng việc đào tạo và áp dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý kế toán và bán hàng, giúp các nhà phân phối hoạt động chuyên nghiệp, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe hơn từ hãng, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng nhà phân phối so với các đối thủ trên thị trường.

Đầu năm 2002, Unilever mời FPT đầu tư tham gia dự án này vì không đủ kinh phí cũng như không thể kiếm đủ nguồn lực nước ngoài để triển khai phần mềm cho các đối tượng sử dụng, là những người chỉ quen với việc bán xà phòng, nước rửa chén tại hơn 200 điểm trên toàn quốc trong vòng 18 tháng.

Anh Steve Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch phụ trách Quản lý hệ thống điều vận (logistics) Unilever Việt Nam, nhận định: “FPT Software là công ty hiếm hoi có thể cam kết mạnh mẽ về sự tăng trưởng của Unilever, thời điểm công ty chân ướt chân ráo vào Việt Nam".

Sau khi nghe được thông tin này, FPT Software đã quyết định thử và liên kết cùng với FPT IS để thực hiện dự án. Thời điểm ấy, FPT IS HCM cũng cần hợp lực bởi công ty chỉ chuyên về phần cứng.

f

Anh Nguyễn Tuấn Hùng, Phó TGĐ FPT IS, là người đã gợi ý FPT Software tham gia dự án cung cấp phần mềm cho Unilever trong buổi họp của đơn vị.

“Unilever mời FPT vì một lý do duy nhất là FPT có đủ người để tham gia dự án. Ngoài ra, kinh nghiệm triển khai rộng cho các dự án thuế VAT, hệ thống kế toán kho bạc 61 tỉnh thành trước đây cũng là điểm cộng thêm cho FPT”, nguyên TGĐ FPT Software Nguyễn Thành Nam lý giải.

Sau đó, anh Nam gọi anh Phạm Minh Tuấn, nguyên GĐ FPT Software HCM, để trao đổi “về một dự án đặc biệt, về niềm tự hào dân tộc”. Vì sự hấp dẫn từ quy mô khổng lồ của dự án (số tiền trên 1 triệu USD vào thời điểm năm 2002), anh Tuấn đã ‘liều mình’ nhận dự án mà không mất một giây suy nghĩ.

Hành động cụ thể đầu tiên là FPT Software cử 3 nhân vật chủ chốt gồm anh Phạm Minh Tuấn, Hoàng Thanh Sơn, và Nguyễn Minh Tiến tham gia dự án. FPT IS cũng góp 2 người là anh Huỳnh Quang Cường (hiện định cư ở Canada) và Phạm Nguyên Vũ (G3).

Sau khi đặt được chân trên địa bàn TP HCM, tháng 5/2003, Văn phòng đại diện của FPT Software được thành lập tại địa chỉ 41 Sương Nguyệt Ánh, quận 1, do anh Nguyễn Thành Lâm làm Trưởng đại diện.

d

Nguyên TGĐ Nguyễn Thành Nam chia sẻ câu chuyện về dự án đầu tiên của đơn vị tại TP HCM.

Trong thời gian đó, theo nguyên GĐ FPT Software HCM Phạm Minh Tuấn, FPT và Unilever đã cùng nghiên cứu, triển khai dự án. FPT lập giải pháp và đóng gói phần mềm để triển khai rộng cho 200 nhà phân phối trong vòng 12 tháng sau khi dự án thí điểm thành công và đảm nhận việc triển khai rộng tại hai thành phố chính là Hà Nội và TP HCM

Hết quý 1/2003, FPT chính thức triển khai hệ thống một cách độc lập. “Chúng ta cũng đã đạt được thành tích triển khai một site một tháng, điều không ai có thể tưởng tượng được trước đó 6 tháng. Những người trong cuộc, bao gồm cả Unilever và đội dự án, đều có một niềm tin vững chắc vào sự thành công của dự án sau khi triển khai thành công cho các nhà phân phối lớn ở TP HCM và Hà Nội”, anh Tuấn nhớ lại.

Năm 2006, G3, tiền thân của FSU3 ngày nay, thắng thầu tuyệt đối dự án quản lý hệ thống phân phối và CRM (Customer Relationship Management - Quản lý quan hệ khách hàng) cho khách hàng Vinamilk với trị giá hàng triệu USD, tiếp tục khẳng định vị trí độc tôn trong việc cung cấp giải pháp phân phối tại Việt Nam.

d

Các câu chuyện xung quanh dự án được lãnh đạo TP HCM và CBNV dự lễ kỷ niệm chăm chú theo dõi.

Với sự góp mặt của khách hàng P&G, G3 được tách thành hai đơn vị là G3 và G6. Sau đó 2 năm, FPT Software trở thành đối tác mức vùng với khách hàng Unilerver. Thông qua dự án DMS Hub, đơn vị đã chứng tỏ được năng lực vượt trội của mình. Với thành công này, G3 được chọn làm đối tác thực hiện hỗ trợ cho dự án DMS của tất cả các nước trong khu vực ASEAN.

Những năm gần đây, FPT Software HCM đã thiết lập mối quan hệ với các khách hàng là doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực y dược, sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng... Trong đó, điển hình là việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Samsung, MobiFone để cung cấp giải pháp DMS Mobility tại thị trường Việt Nam, ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Pepsico, Kinh Đô, Dược Hậu Giang... Mới đây, đơn vị cũng giành được dự án với một tập đoàn đa quốc gia triển khai DMS cho các nước châu Á.

Theo kịp trào lưu di động, năm 2013, DMS đã được nâng cấp thành eMobiz. Hiện tại, hệ thống eMobiz đã triển khai cho hơn 10.000 nhân viên bán hàng, 1.100 công ty phân phối trên toàn quốc, 10 công ty sản suất hàng tiêu dùng hàng đầu, trên 9 nước sử dụng dịch vụ trong khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp đang sử dụng gồm: Unilever, Suntory PepsiCo, Ajinomoto, Kinh Đô, Trung Nguyên, Dược Hậu Giang. BP Castrol…

Ngay từ dự án đầu tiên, làm việc với tập đoàn đa quốc gia như Unilever, người FPT đã học được kinh nghiệm trong việc hoạch định lộ trình chuyển giao, phân công trách nhiệm cho từng đối tác ở mỗi giai đoạn rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả.

d

Anh Nam tặng quà tri ân anh Steve Nguyên. Ảnh: Tiểu Mai.

“Chúng tôi đã chiến đấu không biết mệt mỏi, chấp nhận mọi thử thách, hy sinh chuyện riêng, dám đưa ra những quyết định táo bạo nhất với niềm tin sắt đá người Việt Nam nói chung và người FPT Software nói riêng có thể làm nên những điều kỳ diệu. Và một trong những điều kỳ diệu nhất đấy chính là câu chuyện DMS, câu chuyện G3”, anh Tuấn nhấn mạnh.

“FSU3 nói riêng và FPT Software HCM nói chung có quyền tự hào về sản phẩm mà mình đã sáng tạo ra. Hiện mỗi năm có khoảng 40.000 tỷ đồng (ở Việt Nam) và 4 tỷ USD (trên thế giới) ‘chảy’ qua hệ thống do các bạn phát triển. Giải pháp của các bạn đã đưa ngành phân phối phát triển ở tầm cao mới”, anh Steve Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch Unilever, người tin tưởng giao dự án DMS của tập đoàn Hà Lan cho các lập trình viên trẻ của FPT cách đây 10 năm, nói.

eMobiz đã đáp ứng được nghiệp vụ kinh doanh của các ngành nghề khác nhau. Hệ thống không ngừng đổi mới để bắt kịp những xu hướng mobility của thế giới như có thể chạy trên mọi nền tảng mobile phổ biến hiện nay: Windows Phone, Android, iOS; dễ dàng tích hợp với các hệ thống ứng dụng quản trị khác.

Với nguồn dữ liệu tập trung, xử lý trực tuyến, eMobiz giúp bộ máy bán hàng kết nối trên một hệ phần mềm thống nhất, cơ sở dữ liệu tập trung, giám sát vị trí và lộ trình tức thời, liên tục hỗ trợ cho việc bán hàng của doanh nghiệp hiệu quả nhất.
Giải pháp eMobiz giúp công ty sản xuất phát huy được tiềm lực sẵn có, nâng cao chất lượng hệ thống phân phối, và chiếm lĩnh thị phần. Sâu xa nhất, eMobiz loại bỏ bớt trung gian trong hệ thống phân phối, giúp chính người tiêu dùng cuối cùng được hưởng lợi ích trực tiếp từ nhà sản xuất.

Lan Chi

Ý kiến

()