Chúng ta

ĐH FPT hướng đến tiêu chuẩn 4 sao QS Stars

Thứ hai, 20/4/2015 | 10:53 GMT+7

“ĐH FPT là trường đầu tiên ở Việt Nam tham gia xếp hạng đánh giá. Điều này rất giá trị và rất ấn tượng. Các bạn đã đi rất nhanh. Tuy nhiên, để đạt chuẩn 4 sao, ĐH FPT cần phải đi nhanh hơn nữa và còn nhiều việc cần phải làm”, bà Mandy Mok, Giám đốc điều hành QS Asia, chia sẻ. 

Sáng ngày 14/4, tọa đàm “Đánh giá và xếp hạng đại học theo chuẩn QS, kinh nghiệm của ĐH FPT" đã diễn ra tại Hòa Lạc (Hà Nội) với sự tham gia của hơn 40 đại diện thuộc các trường, viện, tổ chức. Đặc biệt là sự góp mặt của bà Mandy Mok, Giám đốc điều hành QS Asia, bà Stephanie Braudeau, Giám đốc Dự án và sản phẩm QS, ông Ashwin Fernandes, Giám đốc Marketing và quan hệ khách hàng của tổ chức QS.

tọa đàm “Đánh giá và xếp hạng đại học theo chuẩn QS, kinh nghiệm của Đại học FPT" đã diễn ra tại Hòa Lạc (Hà Nội) với sự tham gia của hơn 40 đại diện thuộc các trường, viện, tổ chức.

Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của hơn 40 đại diện thuộc các trường, viện, tổ chức trong và ngoài nước. Ảnh: FU.

Các chuyên gia đã mang lại những chia sẻ thú vị về cách đánh giá cũng như lợi ích của việc tham gia xếp hạng QS. Cụ thể, có 52 tiêu chí đánh giá thuộc 12 chỉ tiêu tạo nên tổng thang điểm 1.000 của QS Stars. Trong đó, Chất lượng đào tạo (Teaching), Nghiên cứu (Research), Quốc tế hóa (International’n) và Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp (Employability) được coi là 4 chỉ tiêu cốt lõi.

Phát biểu tại tọa đàm, TS. Phan Phương Đạt, Phó Hiệu trưởng ĐH FPT, nhấn mạnh: “Tham gia hệ thống đánh giá của QS, ĐH FPT có thêm một "ngôn ngữ chung” để nói chuyện với các trường đại học trong khu vực cũng như trên toàn thế giới”.

Với ĐH FPT, việc tham gia chuẩn đánh giá này là hoàn toàn tự nguyện bởi đây sân chơi giúp các trường biết được điểm mạnh, điểm yếu của đơn vị công tác. Lộ trình phát triển, giải pháp và chiến lược phấn đấu để trở thành một trường đại học đẳng cấp quốc tế của ĐH FPT cũng được xây dựng và vun đắp từ đó.

Buổi tọa đàm trở nên sôi nổi, hấp dẫn khi các đại diện bày tỏ sự quan tâm và đặt nhiều câu hỏi cho chủ nhà ĐH FPT về kinh nghiệm, cách triển khai, các tiêu chí đánh giá… Buổi chia sẻ thực sự là bài học kinh nghiệm quý giá cho các đơn vị khác trong tiến trình đưa đại học Việt Nam tham gia vào “ngôn ngữ chung” toàn cầu.

Bà Stephanie Braudeau – Giám đốc Dự án và sản phẩm của tổ chức QS giới thiệu về 12 chỉ tiêu đánh giá của QS Stars.

Bà Stephanie Braudeau – Giám đốc Dự án và sản phẩm của tổ chức QS giới thiệu về 12 chỉ tiêu đánh giá của QS Stars. Ảnh: FU.

Ấn tượng với những phát triển vượt bậc của ĐH FPT trong lần trở lại này, bà Mandy Mok nhìn nhận, ĐH FPT là trường đầu tiên ở Việt Nam tham gia xếp hạng đánh giá và có những bước tiến nhanh trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, bà cũng khuyên ĐH FPT phải đi nhanh hơn nữa và còn nhiều việc cần phải làm để đạt chuẩn 4 sao

"Để việc đánh giá và gắn sao phát huy hết giá trị thương hiệu, các bạn không nên đi một mình mà cần liên kết với nhiều trường khác nữa trong khu vực như NTU & NUS (Singapore) hay Top Asian Business School (TABS) - Nanyang Business School (Singapore), HKUST Business School (Hong Kong), CEIBS (China), ISB (India)…", nữ CEO của QS Asia chia sẻ.

Tháng 11/2012, ĐH FPT đã trở thành trường đại học Việt Nam đầu tiên chính thức được công nhận xếp hạng quốc tế 3 sao theo chuẩn QS Stars - một trong các chuẩn xếp hạng hàng đầu dành cho các trường đại học trên toàn thế giới.

Theo định nghĩa của QS Stars, trường được xếp hạng 3 sao là trường đại học có danh tiếng trong nước cũng như có thương hiệu quốc tế nhất định, sinh viên tốt nghiệp trường này được các nhà tuyển dụng chào đón. Cùng với ĐH FPT, những trường cùng đạt 3 sao theo chuẩn QS còn có: Học viện Ngoại giao Liên bang Matxcơva - MGIMO University (Nga), ĐH Cesine (Tây Ban Nha), ĐH Murdoch (Australia), ĐH Mahasarakham (Thái Lan)...

Tổ chức QS (Quacquarelli Symonds) được thành lập từ năm 1990 với trụ sở chính đặt tại London (Anh) cùng nhiều trụ sở đặt tại Singapore, Paris, New York... QS là một mạng lưới rộng lớn kết nối các trường đại học trên thế giới. Mỗi năm tổ chức này tổ chức trên 200 hội nghị, hội chợ giáo dục với sự tham gia của hơn 1.000 trường đại học trên khắp các châu lục.

Xếp hạng của QS cùng với ĐH Giao thông Thượng Hải và của Time Higher Education là ba bảng xếp hạng đại học thế giới chính thức hiện nay, trong đó xếp hạng của QS nổi bật bởi lần đầu đưa yếu tố việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là một trong 4 yếu tố quan trọng để đánh giá (các yếu tố khác là đào tạo, nghiên cứu và quốc tế hóa).

QS cung cấp hai loại hình đánh giá trường đại học chính, là loại hình Xếp thứ hạng (Universities Ranking System) và Gắn sao (Stars Rating). Hằng năm, tổ chức này đều đưa ra Top 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Thứ hạng của các trường trong bảng xếp hạng của QS là nguồn tham khảo chính của sinh viên thế giới khi tìm kiếm về thứ hạng (ranking) của một trường.

Thiên Bình tổng hợp

Ý kiến

()