Chúng ta

'Đầu ra của BrSE rất khả quan'

Chủ nhật, 21/6/2015 | 08:45 GMT+7

"Sau khi kết thúc khóa đào tạo, học viên cần cố gắng rèn luyện kỹ năng để tìm được công việc tốt tại Nhật Bản. Nếu không làm tại Nhật, FPT Software sẽ nhận các bạn để sử dụng trong các dự án của công ty", chị Nguyễn Thị Mai Anh, Chủ nhiệm dự án 10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE) FPT Software, chia sẻ.

Cuối năm 2014, FPT công bố hai chương trình chiến lược tại xứ sở hoa anh đào. Theo đó, cùng với dự án cung cấp dịch vụ trên nền công nghệ điện toán đám mây (Cloud), FPT sẽ bổ sung 10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE) cho thị trường này. Trong vòng 5 năm (từ 2014-2018), 5.000 BrSE sẽ được đào tạo tại Nhật và số còn lại được đào tạo tại Việt Nam. 

Với chương trình 5.000 BrSE tại Nhật, FPT Software đã cử học viên sang nước sở tại vào tháng 4 và sắp tới là tháng 7, tháng 10. Dự kiến, tổng số học viên sang Nhật trong năm nay là 500 người. Còn với chương trình tại Việt Nam, cùng với các khóa đào tạo nội bộ, FPT Software cũng liên kết, hợp tác với các trường đại học trong nước để tăng thêm nguồn lực cho chương trình. 

FPT Software tổ chức lễ ra quân đợt 2, trao giấy phép chấp nhận lưu trú của Nhật Bản cho 113 ứng viên tham gia chương trình. Số học viên này sẽ lên đường sang Nhật vào tháng 7 tới.

FPT Software tổ chức lễ ra quân đợt 2, trao giấy phép chấp nhận lưu trú của Nhật Bản cho 113 ứng viên tham gia chương trình. Số học viên này sẽ lên đường sang Nhật vào tháng 7 tới.

Theo chị Mai Anh, về cơ bản, các khóa đào tạo đang diễn ra theo đúng lộ trình. Hiện, chương trình đào tạo 10.000 BrSE nhận được sự quan tâm đông đảo của ứng viên. Thực tế, mỗi đợt đăng tuyển, số lượng hồ sơ ứng tuyển luôn ở mức hơn 10 lần so với nhu cầu tuyển của đơn vị. "Tuy nhiên, số hồ sơ đạt yêu cầu cũng bị rơi rụng ít nhiều do thời gian tuyển của FPT Software và thời gian nộp hồ sơ của Nhật Bản yêu cầu rất gắt gao về thời hạn. Vì vậy, những người chậm trễ sẽ bị mất cơ hội hoặc phải chờ đợt tiếp theo", chị nói.

Trong đợt 3 vừa rồi, FPT Software tiếp nhận gần 2.000 hồ sơ tham gia, song chỉ có khoảng 250 hồ sơ đạt yêu cầu. Chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối được triển khai trên toàn quốc, trong đó đơn vị đang đẩy mạnh việc hỗ trợ ứng viên tại ba thành phố chính là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Vấn đề lớn nhất hiện nay ở chương trình du học tại Nhật Bản là tâm lý e dè vay tiền của các gia đình. Chị Mai Anh cho hay, lợi thế của ứng viên khi đăng ký theo gói này là được FPT Software bảo lãnh, nên chỉ cần đăng ký khoản vay với Ngân hàng, sau khi nhận được giấy chứng nhận bởi sở nhập cảnh, công ty sẽ lập danh sách và làm việc với Ngân hàng Tiên Phong để tiến hành giải ngân. Trong đợt 1 và 2, hạn mức tối đa học viên có thể vay là 300 triệu đồng. Riêng với đợt 3, hạn mức đã được nâng lên thành 400 triệu đồng. Ứng viên hầu như chỉ phải chuẩn bị rất ít chi phí ban đầu (chưa tới 20 triệu đồng cho việc trả lãi suất ngân hàng của cả năm đầu tiên). Ngoài ra, phương án trả nợ ngân hàng rất rõ ràng và hoàn toàn trong khả năng của người tham gia chương trình. 

Với chương trình này, học viên cũng cần ý thức rõ quá trình rèn luyện bản thân, đặc biệt đối với kỹ năng giao tiếp bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất đảm bảo cho vấn đề đầu ra. 

"Khi kết thúc khóa học tại Nhật, các bạn sẽ được nhận giấy chứng chỉ N2, được công nhận toàn quốc. Học viên phải luyện kỹ năng giao tiếp để đi phỏng vấn và nhận được công việc tốt. Các bạn cố gắng rèn luyện, nếu không làm tại Nhật, các bạn làm việc cho FPT Software. Với mức lương hiện tại trên thị trường, ngay cả khi làm việc tại Việt Nam, khả năng thanh toán khoản vay của ứng viên là hoàn toàn trong tầm tay. Với các bạn đang đi học và kết hợp làm thêm thì thời gian thanh toán sẽ nhanh hơn", chị nói.

Sắp tới, để tăng sự liên kết giữa công ty - gia đình học viên, FPT Software sẽ lập số hotline về chương trình và gửi e-mail báo cáo kết quả học tập từng tháng. 

"Thực sự với dự án này, bản thân tôi cũng nhiều lần cảm thấy căng thẳng, nhưng tôi rất tâm huyết với chương trình. 10 năm gắn bó với FPT Software, tình yêu dành cho môi trường ở đây giúp tôi có thêm niềm tin và động lực. 10.000 Kỹ sư cầu nối là một dự án mang tính xã hội, có tầm vóc quốc gia, được góp công vào dự án này không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của cá nhân", chủ nhiệm dự án chia sẻ. 

Đào tạo 10.000 Kỹ sư cầu nối (BrSE) là chương trình của FPT Software triển khai cho thị trường Nhật Bản từ 2014 đến năm 2018. 

Đối với các học viên được đào tạo tại Nhật Bản, FPT Software cam kết bảo lãnh tài chính và tạo điều kiện tốt nhất về việc làm tại Nhật với mức lương tối thiểu 2.000 USD/tháng. Học viên không cần chứng minh tài chính khi đi du học. Toàn bộ thủ tục liên quan đến tài chính của học viên sẽ được FPT Software bảo lãnh với Sở Nhập cảnh Nhật Bản và ngân hàng. FPT Software cũng sẽ bảo lãnh với ngân hàng để học viên có thể vay tối đa 300 triệu đồng (toàn bộ chi phí du học bao gồm học phí và sinh hoạt phí tại Nhật trong vòng 12 tháng). Đồng thời, FPT Software phối hợp với Học viện Ngôn ngữ Meros - một trong những học viện đào tạo tiếng Nhật nổi tiếng tại Nhật Bản - soạn thảo chương trình đào tạo riêng cho học viên. 

Trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT, Nhật Bản luôn được xem là thị trường quan trọng số một, mang lại sự tăng trưởng ổn định và bền vững. Hiện FPT Japan có 3 văn phòng với số lượng nhân viên sẽ đạt 500 người vào cuối năm 2015. 

Trong năm 2014, doanh thu từ thị trường Nhật Bản chiếm hơn 50% tổng doanh thu của FPT Software, tương đương 62 triệu USD. Mục tiêu năm nay, doanh thu từ thị trường Nhật Bản tăng trưởng 40% so với năm 2014.

Thanh Nga

Ý kiến

()