Chúng ta

Dấu ấn 25 năm

Thứ năm, 26/9/2013 | 10:00 GMT+7

FPT đã trải qua ¼ thế kỷ với hàng nghìn sự kiện ghi dấu sự phát triển. Chúng ta giới thiệu những sự kiện tiêu biểu trong 25 năm qua của tập đoàn. Đây là những lát cắt, tái hiện lại hành trình chinh phục của FPT.
> FPT trên hành trình chinh phục ¼ thế kỷ - Chung ta

Năm 1988

Ngày 13/9 đi vào lịch sử như là sự kiện quan trọng nhất, đánh dấu sự ra đời của công ty ty CNTT - VT số 1 Việt Nam sau này. FPT được khai sinh với tên gọi đầu tiên là Công ty Công nghệ Thực phẩm. Số nhà 30A phố Hoàng Diệu (Hà Nội) là nơi khởi nghiệp đầu tiên của 13 sáng lập viên FPT trong những ngày đầu gian khó.

Năm 1989

Hợp đồng quan trọng nhất của FPT trong thời kỳ này là hợp đồng Trao đổi máy tính để lấy vật tư, sắt thép, ôtô với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, trị giá 1 triệu USD. Hợp đồng đã tạo bước chuyển biến đột phá cho FPT cả về tài chính và thế lực. Đặc biệt, qua việc thực hiện hợp đồng, bộ phận tin học của FPT được hình thành và phát triển, tạo thành sức mạnh cốt lõi nhất của tập đoàn sau này.

gk

Năm 1990, FPT có mặt tại TP HCM. Ảnh: Bảo tàng FPT

Năm 1990

Ngày 13/3, FPT tiến về phía Nam bằng việc thành lập chi nhánh tại TP HCM tại 84 Trần Quốc Thảo. Nhân sự đầu tiên của chi nhánh là chị Trương Thanh Thanh, với vai trò giữ con dấu và tuyển dụng. Giám đốc đầu tiên của FPT HCM là anh Hoàng Minh Châu. Hướng kinh doanh chủ yếu của công ty lúc đó là bán máy tính, sấy cam thảo, viết và xuất bản sách tin học, bán thiết bị văn phòng và dạy vi tính.

Ngày 27/10, Công ty đổi tên thành Công ty Phát triển Đầu tư Công nghệ. Tên viết tắt là FPT và giao dịch quốc tế với tên gọi FPT Corporation.

Cuối năm, FPT ký hợp đồng phần mềm thương mại đầu tiên - Hệ thống đặt chỗ cho phòng vé 1A phố Quang Trung của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam.

Năm 1991

Lần đầu tiên FPT đổi logo công ty thành logo ba khối màu đặc trưng là màu cam, xanh lá cây và xanh dương đậm. Màu sắc này là dấu hiệu nhận biết rõ nét về FPT trong hơn 20 năm qua.

Dự án Tin học hóa Ngân hàng Hàng hải, trụ sở tại Hải Phòng là dự án đầu tiên FPT thành công trong lĩnh vực ngân hàng. Thời điểm đó, đây là dự án lớn nhất về quy mô, nhanh nhất về thời gian triển khai và hiệu quả nhất cả về kinh tế đối với FPT.

Trận bóng đá tại Đại Lải, Vĩnh Phúc, tổ chức vào ngày 13/9 được coi là tiền thân của giải bóng đá FPT thường niên sau này.

v

STCo ra đời năm 1992. Ảnh: Bảo tàng FPT

Năm 1992

FPT chính thức thiết lập quan hệ với Olivetti, trở thành đại lý phân phối máy tính của hãng này.

Ngày 13/9, STCo ra mắt tại khách sạn La Thành, Hà Nội. Nhiều người cho rằng một trong những thứ làm nên thành công của FPT ngày nay, đó chính là văn hóa STCo. Nó là tinh thần của những con người bình dị đang làm nên những điều kỳ diệu.

Năm 1993

Tháng 9, FPT ký hợp đồng phần mềm đầu tiên bán cho khách hàng nước ngoài (Cathay Trust Bank - sau này đổi thành Chinfon Bank - Đài Loan). Phần mềm mang tên SIBA là một trong những chương trình phần mềm thành công nhất về mặt thương mại ở Việt Nam.

Năm 1994

Ngày 31/12, Trung tâm Dịch vụ Tin học (ISC) tách ra thành lập các bộ phận - Trung tâm Hệ thống thông tin; Xí nghiệp Giải pháp phần mềm; Trung tâm máy tính và thiết bị văn phòng; Trung tâm phân phối máy tính và thiết bị văn phòng.

Năm 1995

Thành lập Trung tâm tích hợp hệ thống FPT (FSI - FPT System Integration), tiền thân của “quả đấm thép” FPT IS sau này.

Ngày 31/12, nội san Chúng ta ra đời. FPT là doanh nghiệp đầu tiên ở Việt Nam có nội san, là nơi để lãnh đạo và nhân dân cũng chia sẻ quan điểm của mình về các vấn đề của tập đoàn.

Tập đoàn bước vào lĩnh vực Internet vào năm 1996. Ảnh: S.T.

Tập đoàn bước vào lĩnh vực Internet vào năm 1996. Ảnh: S.T.

Năm 1996

Ngày 16/2, khai trương trụ sở FPT tại 37 Láng Hạ (Hà Nội). Đây là trụ sở đầu tiên thuộc sở hữu FPT. Tập đoàn bước vào lĩnh vực Internet với việc xây dựng mạng Trí Tuệ Việt Nam (tiền thân là FPT-Net) với hơn 7.000 người sử dụng. Mạng Trí tuệ Việt Nam được ghi nhận rộng rãi như một sản phẩm công nghệ cao thành công của FPT.

Ngày 7/5, Trung tâm Phân phối điện thoại di động (FMB) được thành lập.

Ngày 13/9, lần đầu tiên FPT tổ chức Olympic và Hội diễn văn nghệ quy mô lớn - một mốc quan trọng trong phong trào STCo Hội diễn, sau trở thành hoạt động thường niên của FPT vào ngày thành lập.

Năm 1997

Ngày 31/1, Trung tâm dịch vụ trực tuyến (FPT Online Exchange) được thành lập với nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng Trí Tuệ Việt Nam (TTVN) sau đổi tên thành FPT Internet. Tháng 11 cùng năm, FPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet theo quyết định số 1522 của Tổng cục Bưu điện. Khi đó, FPT là doanh nghiệp duy nhất vừa là nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) vừa là nhà cung cấp thông tin lên mạng Internet (ICP).

Năm 1998

Tháng 3, Trương Đình Anh, Giám đốc Trung tâm Internet, được bình chọn là một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

Cuối tháng 9, FPT tổ chức Hội nghị Diên Hồng tại Đồ Sơn, Hải Phòng - thống nhất quyết tâm Toàn cầu hóa FPT với sự chuyển dịch trọng tâm sang xuất khẩu phần mềm.

v

Hội nghị Diên Hồng năm 1998, với quyết tâm xuất khẩu phần mềm. Ảnh: Bảo tàng FPT

Năm 1999

FPT hiện thực hóa giấc mơ phần mềm bằng việc thành lập chi nhánh tại Bangalore, Ấn Độ. Đến tháng 6, lần đầu tiên phần mềm FPT xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ và FPT Software.

Tổng Giám đốc Trương Gia Bình được trao Huy chương Vì thế hệ trẻ (Huy chương cao quý nhất của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).

Trong năm, FPT cũng thành lập Trung tâm đào tạo lập trình viên liên danh với tổ chức đào tạo lập trình viên Aptech - Ấn Độ; Bước vào thị trường viễn thông với việc triển khai hệ thống tính cước roaming quốc tế cho Công ty Thông tin Di động VMS; và Ra đời sản phẩm Smartbank trên môi trường Windows - Core Banking đầu tiên của Việt Nam.

Năm 2000

FPT lần đầu đến Mỹ bằng việc mở văn phòng tại Thung lũng Silicon và trở thành đại lý độc quyền của Samsung tại Việt Nam.

Ngày 23/3, FPT cùng Harvey Nash (Anh) ký thoả thuận hợp tác về lĩnh vực sản xuất, gia công phần mềm trị giá 500.000 USD và thiết lập OSDC đầu tiên. Mối lương duyên giữa hai công ty sau 13 năm vẫn bền chặt.

Năm 2001

Tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam - VnExpress - được ra mắt vào ngày 26/2.

f

VnExpress.net ra đời năm 2011. Ảnh: Bảo tàng FPT

Năm 2002

FPT trở thành công ty công ty cổ phần với vốn cổ phần là 20 tỷ đồng, trong đó nhà nước chiếm 51% và cổ đông khác là 49%.

Máy tính mang nhãn hiệu Elead do FPT sản xuất ra đời vào tháng 7. Đây là sản phẩm “made by FPT” đầu tiên đạt chứng nhận tiêu chuẩn ISO 9000 trong lĩnh vực OEM (Original Equipment Manufacture - nhà sản xuất thiết bị gốc).

Năm 2003

Ngày 12/9, FPT đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong. Đồng thời, thành lập 6 công ty chi nhánh là Công ty Hệ thống thông tin FPT IS, Công ty Truyền thông FOX, Công ty Phân phối FDC, Công ty Phần mềm (FPT Software), Công ty Giải pháp Phần mềm FSS và Công ty Công nghệ Di động FMB.

Năm 2004

FPT trở thành nhà phân phối chính thức của Nokia tại Việt Nam.

FPT Software được công nhận là công ty Việt Nam đầu tiên và thứ 73 trên thế giới đạt chứng chỉ CMM cấp 5 - chứng chỉ cao nhất trong hệ thống quản lý chất lượng CMM của Viện Kỹ nghệ Phần mềm Mỹ (SEI).

Ngày 13/8, tập đoàn chính thức khai trương Chi nhánh tại Đà Nẵng, mở rộng hoạt động tại khu vực miền Trung.

v

FPT Japan một trong ba chân kiềng chính của FPT Software.

Năm 2005

Tập đoàn lần đầu tiên công bố tầm nhìn thương hiệu FPT “Cùng đi tới thành công” và được cấp phép đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) và Khu Công nghệ cao TP HCM.

FPT Telecom chính thức triển khai dịch vụ trò chơi trực tuyến có bản quyền với game đầu tiên là PTV (Priston Tale Việt Nam), bước chân vào lãnh địa game online.

Ngày 13/11, FPT thành lập Công ty TNHH FPT Software Japan tại Tokyo. Đây là lần đầu tiên một công ty IT Việt Nam thành lập pháp nhân Nhật Bản.

Năm 2006

FPT xác lập hai kỷ lục về giá trị hợp đồng. Cụ thể, làm thầu phụ cho IBM trong Dự án xây dựng “Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc” (TABMIS) vớia Bộ Tài chính, trị giá gần 10 triệu USD và hợp đồng phần mềm lớn nhất trị giá 6,4 triệu USD với tập đoàn Petronas. Hợp đồng với Petronas đánh dấu lần đầu tiên FPT làm chủ thầu ở nước ngoài.

Tập đoàn là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được thành lập trường đại học - ĐH FPT.

Ngày 13/12, FPT chính thức tham gia giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HSTC). FPT đã lập kỷ lục khi chào sàn với giá 400.000 đồng/cổ phiếu.

c

"Tiếng cồng định mệnh" vào ngày 13/12/2006, FPT trở thành công ty đại chúng có giá cổ phiếu chào sàn ấn tượng 400.000 đồng/CP. Ảnh: Bảo tàng FPT

Năm 2007

FPT Software là công ty phần mềm Việt Nam đầu tiên mở chi nhánh tại Singapore bằng việc khai trương Công ty TNHH Phần mềm FPT châu Á - Thái Bình Dương, vào ngày 13/3.

FPT đặt chân vào lĩnh vực bán lẻ và khai trương đồng loạt mở 4 Trung tâm bán lẻ hàng công nghệ cao mang thương hiệu [IN]. FPT Distribution và hãng Vertu khai trương showroom Vertu đầu tiên tại Hà Nội. Cùng năm, toà nhà FPT Cầu Giấy được đưa vào sử dụng.

FPT là Công ty phát triển nhanh nhất trong các công ty trên toàn thế giới - giải thưởng dành cho các công ty có vốn đầu tư của TPG trong năm 2006-2007.

Tập đoàn SBI Holdings, Inc. và FPT ký kết thành lập Quỹ Đầu tư trị giá 100 triệu USD nhằm phục vụ nền kinh tế đang phát triển nhanh của Việt Nam.

Năm 2008

UBND TP Đà Nẵng và FPT ký kết thoả thuận đầu tư Dự án Khu đô thị công nghệ FPT Đà Nẵng có tổng diện tích hơn 181 ha. Tổng trị giá của dự án là 952 triệu USD.

FPT Telecom trở thành thành viên của Liên minh AAG (Asia American Gateway) và đầu tư vào tuyến cáp quang biển quốc tế trên biển Thái Bình Dương.

g

FPT chính thức cán mốc doanh số 1 tỷ USD vào năm 2008. Ảnh: Bảo tàng FPT

Ngày 26/12, Dự án “Quản lý thuế thu nhập cá nhân” - dự án phần mềm quản lý số lượng đối tượng lớn nhất từ trước đến nay của khu vực Đông Nam Á và có giá trị lớn nhất của FPT - 15,5 triệu USD, được ký kết giữa FPT IS và Tổng cục Thuế.

FPT cán đích doanh số 1 tỷ USD vào ngày 31/12. Giấc mơ siêu tưởng của anh Bình đặt ra trong năm 2003 đã trở thành hiện thực, khẳng định vị trí công ty CNTT - VT hàng đầu Việt Nam, đồng thời ghi dấu ấn quan trọng trong chặng đường phát triển của tập đoàn.

Năm 2009

Anh Nguyễn Thành Nam thay anh Trương Gia Bình làm TGĐ FPT.

FPT IS ký hợp đồng triển khai hệ thống ERP lớn nhất trong ngành CNTT Việt Nam với Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trị giá 12,6 triệu USD. Cùng năm, thương hiệu điện thoại đầu tiên của FPT F-mobile được ra mắt.

Năm 2010

Tòa nhà FPT Đà Nẵng tại Khu Công nghiệp Massda đi vào hoạt động, thể hiện cam kết đầu tư của FPT tại miền Trung.

x

Công bố chiến lược thương hiệu mới "Tiếp nguồn sinh khí" vào ngày 13/9/2010. Ảnh. C.T.

Lần đầu tiên tập đoàn công bố chiến lược thương hiệu mới “Tiếp nguồn sinh khí” - biểu tượng của một FPT đồng tâm hiệp lực và hết mình đối với khách hàng, đồng thời thể hiện cam kết chất lượng với người tiêu dùng.

Năm 2011

Anh Trương Đình Anh trở thành TGĐ thứ ba của FPT, sau khi thay anh Nguyễn Thành Nam đảm nhận vị trí này. Tập đoàn đã tiến hành tái cấu trúc ba công ty thành viên là FPT Trading, FPT IS và FPT Software thành Công ty TNHH MTV do FPT là chủ sở hữu duy nhất.

FPT trở thành thành viên sáng lập (Foundation Member) của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Đây là một danh vị cấp cao của WEF dành cho công ty có vai trò dẫn dắt nền kinh tế.

Năm 2012

FPT quyết tâm đầu tư vào công nghệ bằng việc bổ nhiệm Giám đốc Công nghệ (CTO) đầu tiên là anh Nguyễn Lâm Phương.

Cơ sở chính có tổng diện tích 30 ha của ĐH FPT tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được đưa vào hoạt động. Sau khi hoàn thành, đây là một khu đô thị thu nhỏ đáp ứng nhu cầu cho 25.000 sinh viên. Đây cũng là căn cứ để tổ chức QS (Anh) xếp hạng ĐH FPT theo chuẩn QS Stars - 3 sao. ĐH FPT là trường đại học đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam đến nay được xếp hạng quốc tế.

FPT là đại lý cấp 1 của Apple và FPT Retail thành một trong ba công ty được xây dựng hệ thống bán lẻ cao cấp nhất của Apple ở Việt Nam.

c

CTO đầu tiên của FPT. Ảnh: Trung "Roly"

FPT Software trở thành công ty phần mềm Việt Nam duy nhất được Global Services (Ấn Độ) và NeoGroup (Mỹ) chọn vào Top 100 nhà cung cấp dịch vụ toàn cầu, sánh vai cùng các hãng công nghệ danh tiếng Infosys, Unisys, CSC, Neusoft...

Hai sản phẩm của FPT IS là FPT.eHospital và FPT.eGov giành giải Vàng và Bạc tại ASEAN ICT Awards 2012, tại Philippines. Việc FPT giành giải này khẳng định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ICT Việt Nam trên đấu trường khu vực.

FPT Telecom đưa vào sử dụng tuyến đường trục Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau có tốc độ thiết kế 4 terabit/giây, với tổng độ dài các tuyến cáp liên tỉnh đạt 4.000 km đi qua 30 tỉnh, thành. FPT Telecom sẽ có thể cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng với chất lượng cao tới khách hàng.

FPT Trading trở thành nhà phân phối độc quyền các dòng điện thoại di động mang thương hiệu Lenovo tại Việt Nam.

Năm 2013

FPT thành lập Văn phòng đại diện tại Myanmar. Anh Hoàng Minh Châu, thành viên Hội đồng Sáng lập, làm Trưởng Văn phòng, đại diện tập đoàn thiết lập quan hệ với chính phủ, bộ ngành và các hiệp hội ICT, khách hàng có nhu cầu ứng dụng CNTT tại quốc gia này.

v

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình giành giải thưởng của Nikkei. Ảnh: Xuân Bảo

UBND TP Hà Nội ký quyết định cho phép thành lập trường THPT FPT, hoạt động theo mô hình trường nội trú quốc tế.

FPT Distribution, thuộc FPT Trading, được quyền phân phối điện thoại iPhone tại và là đơn vị đầu tiên được quyền phân phối tất cả sản phẩm của Apple tại Việt Nam. 

Tập đoàn Truyền thông hàng đầu Nhật Bản, Nikkei Inc., đã trao giải thưởng Nikkei Asia trong lĩnh vực Phát triển khu vực (Regional Growth) cho Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình. Anh là doanh nhân Việt Nam đầu tiên được Nikkei vinh danh trong suốt 18 năm tổ chức giải thưởng này.

FPT Telecom chính thức đặt chân vào lĩnh vực truyền hình bằng giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền do Bộ thông tin và Truyền thông cấp.

Lâm Thao

Ý kiến

()