Chúng ta

CTO Tập đoàn và Phó tổng Viễn thông tham gia HĐQT FPT Retail

Thứ tư, 28/3/2018 | 14:53 GMT+7

Dù nắm 34,32% cổ phần FPT Retail nhưng hai quỹ đầu tư là Dragon Capital và VinaCapital không có đại diện trong Hội đồng Quản trị (HĐQT). Thay vào đó là hai thành viên đến từ FPT và FPT Telecom.

Tại phiên họp Đại hội cổ đông thường niên diễn ra sáng nay (ngày 28/3), Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã bầu bổ sung hai thành viên HĐQT mới là anh Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ FPT, và anh Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc FPT Teecom.

fpt-retail-3074-1522219471.jpg

Sáng nay (28/3), Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT - FPT Retail (mã FRT) bắt đầu với 25 người tham dự, đại diện cho hơn 35 triệu cổ phần, tương ứng với 88% cổ phần có quyền biểu quyết. Theo quy định, tỷ lệ này đủ điều kiện để tiến hành đại hội. Chị Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch FPR Retail, điều hành đại hội.

“Hai ứng viên mới, một người mạnh về công nghệ trong khi nhân sự còn lại có kinh nghiệm kinh doanh mảng khách hàng phổ thông và doanh nghiệp sẽ là sự bổ sung cần thiết cho FPT Retail trong giai đoạn mới”, Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp chia sẻ khi giới thiệu hai ứng viên trước khi đại hội cổ đông thường niên tiến hành bầu cử.

Anh Hoàng Trung Kiên đang là Phó Tổng giám đốc FPT Teecom phụ trách kinh doanh khu vực phía Bắc, từng có thời gian dài làm việc tại FPT IS. Trong khi đó, Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt đang là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo.vn) và Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA).

Hai nhân sự HĐQT mới của FPT Retail đều là thành viên HĐQT độc lập và không nắm giữ cổ phiếu đơn vị. Như vậy, HĐQT FPT Retail gồm: Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp và 4 ủy viên: Nguyễn Thế Phương, Lê Hồng Việt, Hoàng Trung Kiên và Trịnh Hoa Giang.

Phiên họp Đại hội cổ đông thường niên cũng biểu quyết việc Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức danh TGĐ công ty. Theo đó, chị Nguyễn Bạch Điệp được chấp thuận việc kiêm nhiệm chức danh CEO cho đến khi tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2019.

DSC-6138-JPG-3372-1522219471.jpg

Các thành viên mới được bầu vào HĐQT và Ban kiểm soát FPT Retail (từ trái qua): Lê Hồng Việt, Hoàng Trung Kiên, Nguyễn Tiến Hảo và Ngô Thị Minh Huệ.

Cùng với đó, Đại hội cổ đông thường niên cũng thông qua việc miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát. Anh Đoàn Thanh Vịnh và anh Nguyễn Đắc Trường xin thôi nhiệm vụ thành viên Ban kiểm soát FPT Retail, thay vào đó là hai nhân sự mới gồm anh Nguyễn Tiến Hảo, Phụ trách kế toán Quỹ Hy vọng và Chuyên viên kiểm toán nội bộ FPT; và chị Ngô Thị Minh Huệ, Kế toán trưởng FPT IS.

Kết thúc năm 2017, FPT Shop đạt doanh thu 13.147 tỷ đồng, tăng 21,1% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 289,8 tỷ đồng, tăng 39,7% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 2.034 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với năm 2016 và chiếm 15,47% tổng doanh thu của công ty.

Theo số liệu của Euromonitor và Retail Asia Publishing, FPT Shop có doanh số/m2 vượt trội so với các đối thủ trong Top 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Cụ thể, với 15.717 USD/m2 (doanh thu/m2 diện tích sàn), FPT Shop đã trở thành nhà bán lẻ hiệu quả nhất.

Năm 2018, FPT Retail đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu lên mức 16.020 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế lên mức 377 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước. Kế hoạch tăng trưởng bình quân (CAGR) của FPT Retail trong giai đoạn 2018 - 2020 là 19,5%/năm cho doanh thu và 26%/năm cho lợi nhuận sau thuế.

Ngày 14/3 qua, FPT Retail (mã FRT) nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Trong đó, FPT Retail đăng ký niêm yết 40 triệu cổ phiếu tương ứng vốn điều lệ 400 tỷ đồng của công ty. Hiện tại, tập đoàn FPT nắm 47% cổ phần, hai quỹ đầu tư là Dragon Capital và VinaCapital nắm 34,32%, còn lại thuộc về các cổ đông khác.

>> CBNV FPT Retail có thêm cổ phần nếu công ty hoàn thành KPI

Nguyên Văn

Ý kiến

()